Huyện Mê Linh doanh nghiệp phấn khởi sản xuất trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch

14:33 | 09/09/2021
(LĐTĐ) Căn cứ phân vùng của thành phố Hà Nội, huyện Mê Linh đã thiết lập phương án phân vùng với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế, các doanh nghiệp sẽ được lựa chọn phương án sản xuất an toàn. Với những doanh nghiệp không đáp ứng được các phương án phòng dịch cũng đã tạm dừng hoạt động để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch của địa phương.
Lan tỏa tấm lòng nhân ái, không để ai bị bỏ lại phía sau vì dịch Covid-19 “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội Trái tim hồng”: Ấm lòng người dân khó khăn huyện Mê Linh “Chuyến xe Siêu thị 0 đồng” đem 200 suất quà hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn huyện Mê Linh

Nhiều phương án sản xuất an toàn cho doanh nghiệp

Sau hơn 1 tháng thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, dưới sự chủ động, nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều thành tựu, các khu vực có ca mắc Covid-19 đều được khống chế hiệu quả. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, UBND huyện Mê Linh đã xây dựng Kế hoạch 330/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 20/CT- UBND ngày 03/09/2021 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Huyện Mê Linh doanh nghiệp phấn khởi sản xuất trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch
Các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Mê Linh có thể linh hoạt lựa chọn các phương án sản xuất phù hợp với thực tế.

Cùng với việc thiết lập phân khu đối với các xã, thị trấn trên địa bàn để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, huyện cũng đưa ra phương án tổ chức sản xuất an toàn tại khu công nghiệp Quang Minh và các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Việc làm trên đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp quyết định lựa chọn phương án tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, UBND huyện Mê Linh yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp căn cứ tình hình sản xuất, rà soát, điều chỉnh kế hoạch, quy mô sản xuất trong thời gian giãn cách cho phù hợp, cắt giảm tạm thời các khâu, các bộ phận không cần thiết, bố trí cán bộ làm việc trực tuyến để giảm số lượng người lao động làm việc trực tiếp. Hoạt động theo nguyên tắc: “Đảm bảo an toàn tới đâu, tổ chức lao động tới đó; nếu điều kiện không đảm bảo thì dừng sản xuất ”.

Cùng đó, huyện cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục nghiêm túc thực hiện phương án sản xuất an toàn phòng, chống Covid-19. Doanh nghiệp có thể lựa chọn thực hiện một trong 2 phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc thực hiện đồng thời 2 phương án. UBND huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp chỉ thực hiện một trong hai phương án nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

Đáng chú ý, UBND huyện đề nghị các doanh nghiệp trước khi thực hiện phương án “3 tại chỗ " hoặc “1 cung đường hai điểm”, doanh nghiệp phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR cho người lao động có kết quả âm tính và định kỳ xét nghiệm bằng phương pháp PCR hoặc tets nhanh kháng nguyên Covid-19 cho toàn bộ công nhân, người lao động tối thiểu 1 lần/ tuần.

Đối với trường hợp chuyên gia, cán bộ, công nhân, người lao động hiện nay đang lưu trú trên địa bàn các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội ngoài địa bàn huyện Mê Linh, UBND huyện yêu cầu thực hiện nghiêm phương án “3 tại chỗ” tại đơn vị, doanh nghiệp. Các trường hợp hiện nay đang lưu trú tại các tỉnh, thành phố khác thực hiện nghiêm việc giãn cách, không được tiếp nhận vào địa bàn làm việc. Đối với các trường hợp là người ở các tỉnh, thành phố khác đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” sau khi kết thúc thực hiện phương án cho về địa phương, không tiếp nhận trở lại, đến khi có thông báo mới.

Với các phương án sản xuất của huyện đưa ra, căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, các doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án phù hợp để sản xuất an toàn. Huyện cũng sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện các phương án sản xuất an toàn tại các doanh nghiệp; kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm và yêu cầu các doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch tạm dừng hoạt động theo quy định.

Doanh nghiệp đồng lòng, ủng hộ

Từ khi Thành phố ban hành công điện thực hiện giãn cách xã hội, công nhân lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Hà Nội đang thực hiện “3 tại chỗ”. Không chỉ có công nhân lao động tại các huyện lân cận phải thực hiện phương án trên mà người lao động tại huyện Mê Linh cũng phải ăn ở lại công ty. Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Công Hoan, Ủy viên Hội đồng quản trị, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuân Hòa Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành phố cũng như địa phương, Công ty đã cho người lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, khi thực hiện phương án trên, Công ty phải lo 3 bữa ăn, chi phí sinh hoạt cho người lao động nên chi phí tăng lên rất cao, trong khi đó, Công ty gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu đầu vào cao.

Huyện Mê Linh doanh nghiệp phấn khởi sản xuất trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch
Người lao động Công ty Cổ phần Xuân Hòa Hà Nội nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Nhận được thông tin huyện Mê Linh cho doanh nghiệp lựa chọn các phương án sản xuất an toàn, Công ty đã triển khai thực hiện phương án “một cung đường 2 điểm đến”. Theo kế hoạch, công nhân ở trong "vùng xanh" trên địa bàn huyện Mê Linh được về nhà, những lao động tại các huyện khác đang làm việc tại xưởng vẫn ở lại công ty theo đúng chỉ đạo. Việc huyện triển khai linh hoạt các phương án đã giúp công ty và người lao động giảm áp lực, ổn định lại sản xuất.

Bày tỏ sự tin tưởng trước những chủ trương của Thành phố cũng như của chính quyền huyện, ông Hoan cho biết: “Thời gian qua huyện Mê Linh đã và đang làm tốt công tác phòng, chống dịch, công tác chăm lo cho người lao động cũng được triển khai kịp thời. Phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, tôi mong muốn chính quyền huyện tiếp tục quản lý chặt chẽ khu vực còn dịch để tiến tới xóa bỏ “vùng đỏ”. Đối với “vùng xanh” thì từng bước nơi lỏng cho doanh nghiệp hoạt động, tạo điều kiện lưu thông cho các nguyên liệu sản xuất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp”.

Đối với những công ty ít lao động, việc triển khai thực hiện các phương án trên là điều dễ dàng, thế nhưng, với những công ty có đông công nhân lao động thì việc thực hiện các phương án trên không phải là chuyện dễ dàng. Đóng trên địa bàn xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, từ ngày 23/7, công nhân lao động tại Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam đã phải làm việc giãn cách để đảm bảo phòng, chống dịch. Từ ngày 30/8 đến nay, Công ty đang tạm dừng sản xuất vì không đáp ứng được yêu cầu huyện Mê Linh về phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”. Nguyên nhân là do công ty sản xuất công nghiệp nặng, vận hành máy móc ồn, nhà xưởng chật trội nên không bố trí được “3 tại chỗ”. Với phương án “1 cung đường 2 điểm đến” Công ty không tìm được vị trí thích hợp cho công nhân ăn ở. Trong khi đó, hơn một nửa công nhân lao động của Công ty là người dân trên địa bàn xã Thanh Lâm, Kim Hoa hiện nay đang nằm trong phân khu 1 của huyện không thể tới nhà máy đi làm.

Ông Nguyễn Đăng Toàn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam cho biết: “Hiện nay, Công ty đang xin ý kiến để bắt đầu sản xuất trở lại. Chúng tôi chỉ sản xuất 1 xưởng lốp xe đạp đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, công suất chỉ bằng 1/4 so với trước đây. Để đảm bảo sản xuất, chúng tôi phải thực hiện đưa đón công nhân tại các xã nhưng có những nơi cách công ty khá xa mà chỉ có 1 công nhân lao động. Đây cũng là vấn đề khó với Công ty nếu muốn mở cửa sản xuất trở lại”.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thế nhưng doanh nghiệp đã và đang tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch và đồng tình với chủ trương của huyện trong việc áp dụng các biện pháp phòng dịch tại các vùng nguy cơ cao. Ông Toàn mong muốn sau ngày 21/9, những “vùng đỏ” trên địa bàn huyện sẽ trở thành “vùng xanh”, tạo điều kiện cho nhà máy ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này