Phát huy trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

17:10 | 07/09/2021
(LĐTĐ) Sáng nay (7/9), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Xây mới chung cư cũ hài hòa lợi ích các bên Hà Nội quyết tâm cải tạo các chung cư, tập thể cũ nguy hiểm Kiến nghị đảm bảo việc tái định cư cho người dân ở chung cư cũ

Cùng dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Dương Đức Tuấn; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các nhà khoa học, thành viên các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.

Phát huy trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ
Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ (nhiều nhất cả nước), tập trung tại các quận nội thành và nội đô, chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1994. Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng…

Phần lớn các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu chung cư cũ đã cũ, bị xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng và tiêu chuẩn sử dụng hiện hành. Cụ thể: Hệ thống đường giao thông trong một số khu đã xuống cấp, hư hỏng, bị lấn chiếm; hệ thống đường nội bộ có mặt cắt không đồng đều, bề rộng nhỏ (từ 3-6m hoặc nhỏ hơn); phần lớn vỉa hè tại các đường nội bộ bị lần chiếm để sử dụng vào mục đích cá nhân. Nguồn cấp điện được lấy từ các trạm cấp điện của Thành phố, chủ yếu sử dụng các tuyến đường dây đi lộ thiên và trạm biến áp được treo trên các cột điện, gây mất an toàn, phòng cháy chữa cháy và ảnh hướng tới mỹ quan đô thị.

Nguồn cấp nước được lấy từ mạng lưới cấp nước của Thành phố, về cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Tuy nhiên, hệ thống cấp nước trong các nhà chung cư được đầu tư không đồng bộ, hệ thống cấp nước lên các căn hộ chất lượng kém, tình trạng người dân đục phá tường để lắp đặt đường ống và lắp đặt các bồn chứa nước inox trên tầng thượng các tòa nhà gây mất an toàn và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước đã cũ, xuống cấp, tình trạng ngập úng cục bộ khi mưa trên 50mm/h tại một số khu tập thể (Nam Đồng, Kim Liên, Tân Mai, Thành Công…).

Phát biểu tại hội nghị phản biện xã hội, các ý kiến phát biểu đều đồng tình cao với tính cấp thiết, quan điểm cần xây dựng đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, qua đó tạo diện mạo mới cho Thủ đô, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Đóng góp ý kiến về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cải tạo các chung cư cũ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Phạm Ngọc Thảo lại cho rằng, các khu chung cư được cải tạo lại thì sẽ tạo diện mạo mới cho Thủ đô, nhân dân cũng sẽ đồng tình. Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thảo cho rằng, việc cải tạo phải phát huy được tối đa quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Đặc biệt, Thành phố phải xem xét, tính toán lại tỷ lệ % người đồng thuận để triển khai thực hiện; phải có giải pháp thuyết phục, vận động người dân đồng thuận, đồng thời xử lý người dân không chấp hành, nếu không sẽ khó thực hiện.

Phát huy trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ
Người dân mong ngóng cải tạo các chung cư cũ, mang lại diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Kim Tiến.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ nếu hài hòa lợi ích giữa các bên sẽ tạo ra sự đồng thuận và bộ mặt đô thị mới cũng sẽ tốt lên.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố thể hiện quyết tâm chính trị cao và có sự kế thừa của nhiều nhiệm kỳ liên tục; cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Lan Hương cũng cho rằng, cần nhấn mạnh yếu tố của người dân trong nội dung đề án, để giải quyết hài hòa về lợi ích, quyền và nghĩa vụ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; thể hiện đúng tinh thần người dân là trung tâm, là chủ thể của phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị có sự liên hệ với Luật Thủ đô, trong đó làm rõ về chế độ chính sách, cơ chế vận hành và tác động của Dự án; quan tâm đến vấn đề kiểm soát dân số nội đô.

Về nhiệm vụ và các giải pháp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương yêu cầu bên cạnh nội dung cụ thể có tiến độ, giải pháp thực hiện, cần quan tâm tổng rà soát một cách tổng thể về kết cấu, dân số, hạ tầng, kiến trúc… Phải xác định rõ tiến độ, phân công thực hiện và phân cấp cho các quận, huyện, trong đó, cần đánh giá đúng bối cảnh, tình hình và dự án thực hiện, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

Về giải pháp, cần phân tích rõ giải pháp về chính trị, kinh tế tài chính và hành chính. Những cơ chế ưu đãi với nhà đầu tư phải đảm bảo các quy định pháp luật nhưng cũng cần công khai, minh bạch về chế độ ưu đãi, lựa chọn nhà đầu tư, việc áp dụng công nghệ mới; Cùng với chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, cũng cần quan tâm đến chính sách các đối tượng chính sách xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, sau hội nghị này, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến gửi Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội xem xét.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này