Lan tỏa những tấm lòng nhân ái

08:43 | 07/09/2021
(LĐTĐ) Những ngày này, chúng ta đang phải đương đầu với những khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tại Thủ đô, một số quận, huyện vẫn tiếp tục ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, đời sống sinh hoạt của người dân cũng vì vậy mà rơi vào khó khăn. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, nhiều cá nhân, tập thể đã chung tay cùng cộng đồng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch. Họ đã tạo ra một bức tranh đẹp về tinh thần đoàn kết, sự sẵn sàng cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc cần.
Lòng nhân ái của Tăng - Ni, Phật tử Tổ đình Vĩnh Nghiêm- Chùa Long Hưng trong đại dịch Covid-19 Chuyện những người "nội trợ" nhân ái ở "Xóm chạy thận"

Mô hình sáng tạo của đoàn viên, thanh niên

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” - câu nói trên đến giờ vẫn giữ nguyên giá trị, càng trong lúc khó khăn, tinh thần đó lại càng tỏa sáng. Là lực lượng nòng cốt, đoàn viên, thanh niên Thủ đô đang miệt mài góp sức lực vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

Tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, tới bất kỳ ngõ, xóm nào ta cũng có thể bắt gặp màu áo xanh của đoàn viên, thanh niên tình nguyện. Cùng với hoạt động như tuyên truyền, tham gia trực chốt, đoàn viên, thanh niên xã cùng với Hội phụ nữ xã Phúc Lâm đã có mô hình sáng tạo giúp người dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản trong thời gian thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội.

Lan tỏa những tấm lòng nhân ái
Anh Nguyễn Xuân Thông không ngần ngại sử dụng tòa nhà cao tầng tại khu đấu giá Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) thành nơi giúp đỡ những người gặp khó khăn không có chỗ ăn, chỗ ở.

Ông Đoàn Trọng Định (thôn Khảm Lâm, xã Phúc Lâm) là một trong những hộ gia đình được Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ xã Phúc Lâm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa. Gia đình ông Định hiện có khoảng 5 vạn gà đẻ, mỗi ngày thu khoảng 4 vạn trứng. Từ khi thôn Khảm Lâm bị phong tỏa do xuất hiện ca F0, gia đình ông Định hoang mang, lo lắng vì các thương lái không thể vào thôn lấy trứng. Sau khi tìm hiểu, ông Định đã nhờ lực lượng thanh niên và phụ nữ giúp ông vận chuyển hàng hóa tới các điểm xe chờ đón hàng để tiêu thụ trứng gà. Trứng gà được tiêu thụ đều, gia đình ông cũng yên tâm hơn trong việc cách ly y tế phòng, chống dịch theo yêu cầu của địa phương.

Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phúc Lâm Đàm Thanh Bình cho biết, trên địa bàn xã Phúc Lâm tập trung rất nhiều hộ gia đình nuôi gà, chim cút, sản lượng trứng hàng ngày rất lớn. Xuất phát từ thực tế trên, Đoàn Thanh niên cùng Hội phụ nữ xã Phúc Lâm đã nảy ra ý tưởng hỗ trợ người dân tiêu thụ hàng hóa bằng cách vận chuyển sản phẩm chăn nuôi cho các đầu mối và tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... “Đến nay, Đoàn Thanh niên và Hội phụ nữ xã đã tiêu thụ hàng chục vạn trứng chim cút; gần 7 vạn trứng gà, gần 7 tấn rau ngót cho nhân dân” - Phó Bí thư Đoàn xã Phúc Lâm Đàm Thanh Bình chia sẻ.

Không chỉ có đoàn viên, thanh niên huyện Mỹ Đức tích cực hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, thực hiện chỉ đạo của Thành đoàn Hà Nội và Huyện ủy Mê Linh, cùng với sự chủ động, vào cuộc của các cấp bộ đoàn từ huyện đến cơ sở, tuổi trẻ huyện Mê Linh đã khẩn trương tái kích hoạt phòng tuyến áo xanh với hơn 1.000 tình nguyện viên tham gia. Theo đó, nhiều mô hình hay đã được đoàn viên thanh niên các xã, thị trấn triển khai như: “Áo xanh xuống đồng”; “Shipper 0 đồng”… Bí thư Huyện đoàn Mê Linh Lê Thị Lan cho biết, với sự chuẩn bị tốt phương án 4 tại chỗ, Đoàn Thanh niên cơ sở đã chủ động vào cuộc cùng cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo, Sở chỉ huy phòng, chống dịch các cấp và tích cực đồng hành, hỗ trợ nhân dân. Các đoàn viên, thanh niên không ngại phần việc mới, khâu việc khó, không ngại nắng, mưa, sớm, tối, nguy hiểm, chấp hành triệt để mọi sự chỉ đạo của Huyện đoàn và cấp ủy về công tác phòng chống dịch.

“Tham gia và đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch, đại đa số đoàn viên, thanh niên huyện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn nghiêm túc, sẵn sàng nên các hoạt động trong công tác phòng, chống dịch ngày càng có chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa trong cộng đồng, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận. Đoàn viên, thanh niên huyện đã góp phần tích cực vào sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, tô thắm hình ảnh một Mê Linh nghĩa tình, đoàn kết và tràn đầy sức trẻ” - Bí thư Huyện đoàn Mê Linh Lê Thị Lan cho hay.

San sẻ yêu thương tới những người khó khăn

Trước làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, nhiều người lao động ngoại tỉnh đã bị mắc kẹt lại Thủ đô. Không việc làm, không thu nhập, thậm chí có người còn không có nơi tá túc. Để hỗ trợ những người lao động khó khăn, một số cá nhân, tập thể đã vào cuộc chung tay giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Sự sẻ chia đó của họ đã và đang cùng thắp lên ngọn lửa sưởi ấm lòng người trong lúc khó khăn, tiếp thêm động lực trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, anh Nguyễn Xuân Thông (chủ đơn vị chuyên cho thuê căn hộ, văn phòng) đã không ngần ngại sử dụng tòa nhà cao tầng tại khu đấu giá Yên Xá, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) làm nơi giúp đỡ những người không có chỗ ăn, chỗ ở. Nếu như trước đây, mỗi căn phòng tại tòa nhà này có giá cho thuê tối thiểu là 3-4 triệu đồng/tháng, thì nay, bất kì ai gặp khó khăn cũng có thể đến ở với mức giá… 0 đồng.

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, anh Nguyễn Xuân Thông (chủ đơn vị chuyên cho thuê căn hộ, văn phòng) đã không ngần ngại sử dụng tòa nhà cao tầng tại khu đấu giá Yên Xá, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) làm nơi giúp đỡ những người không có chỗ ăn, chỗ ở. Nếu như trước đây, mỗi căn phòng tại tòa nhà này có giá cho thuê tối thiểu là 3-4 triệu đồng/tháng, thì nay, bất kì ai gặp khó khăn cũng có thể đến ở với mức giá… 0 đồng.

Không chỉ hỗ trợ miễn phí chỗ ở cho người khó khăn, toàn bộ chi phí điện, nước trong thời gian này cũng được miễn phí hoàn toàn. Cùng đó, anh Thông cũng mua một số vật dụng thiết yếu và đồ ăn cho những người đến ở. Anh Thông cho hay: “Việc nhận người đến ở miễn phí tại các phòng trọ xuất phát từ tấm lòng, tinh thần lá lành đùm lá rách trong lúc khó khăn. Người dân đến đây không phân biệt tuổi tác, bất kì ai có hoàn cảnh khó khăn là có thể đến ở đến khi nào Hà Nội hết giãn cách. Hoặc có thể tiếp tục ở thêm tại các phòng này khoảng 10 ngày sau đó để có thời gian tìm công việc, chỗ ở mới”.

Không chỉ có anh Thông, gia đình bà Lê Thị Miều (thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) đã miễn, giảm tiền phòng cho người lao động thuê trọ. Để việc miễn, giảm giá phòng đảm bảo phù hợp với từng hoàn cảnh, bà Miều đã đến từng phòng, trò chuyện để khảo sát, tìm hiểu tình hình công ăn việc làm của từng người thuê trọ, sau đó bà đưa ra những mức hỗ trợ khác nhau.

Trong tháng 8, bà Miều giảm 500.000 đồng đối với những phòng thuê có từ 2 người trở lên; những trường hợp phải nghỉ làm, gặp khó khăn, bà cho nợ tiền phòng. Bà Miều cũng cho biết nếu trong tháng 9 tình hình dịch phức tạp thì sẽ tiếp tục miễn, giảm tiền phòng cho người thuê trọ. “Dãy trọ của gia đình có khoảng 20 phòng, nếu giảm giá đều thì tính ra mất số tiền cũng không nhỏ nhưng vì tình hình chung, mùa dịch này công nhân họ cũng đang gặp khó khăn nên tôi san sẻ cùng với họ được ít nào hay ít đó”, bà Miều chia sẻ.

Có thể thấy, những việc làm tốt đang được lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin chiến thắng dịch bệnh cho chúng ta. Tinh thần đoàn kết, thái độ chia sẻ và trách nhiệm với xã hội ấy không chỉ giúp những người khó khăn ổn định cuộc sống mà còn giúp họ thêm vững tâm, nhân lên sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy gian nan, thử thách./.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này