Cô gái Hà Nội là F0 kể hành trình thoát cửa tử

14:16 | 01/09/2021
(LĐTĐ) Cô gái 19 tuổi vừa trải qua quãng thời gian hơn 1 tháng chiến đấu với Covid-19. Em bảo, mình thật may mắn vì khỏi bệnh, còn rất nhiều người, thời điểm lên xe đi cách ly, cũng là thời điểm họ “cách ly” mãi mãi với gia đình, cộng đồng.
"Nở rộ" ứng dụng khai báo phòng chống Covid-19 Chuẩn bị sẵn sàng phương án 30.000 ca nhiễm Hà Nội: Người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết

Bất ngờ thành F1

Từ 47kg, sau 34 ngày cách ly, điều trị Covid-19, Đinh Ngọc Điệp (19 tuổi, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) sút 5kg, còn 42kg. Cô gái trẻ kể lại hành trình hơn 1 tháng cách ly và điều trị Covid-19 với mong muốn mọi người phòng, chống dịch thật nghiêm túc.

“Em rất mong mọi người đọc và hiểu rõ căn bệnh. Em 19 tuổi – lứa tuổi trẻ, khỏe nhất mà vật vã, cố từng ngày mới vượt qua được, thì những người già, mắc bệnh nền mà nhiễm bệnh thì khủng khiếp như thế nào”, Điệp nói.

Điệp làm tại một quán trà sữa trên phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Không may cho em, ngày 18/7, một bệnh nhân F0 trong chùm bệnh nhân ở nhà thuốc 95 Láng Hạ đến mua trà sữa. Sáng ngày 22/7, Điệp đi test nhanh ở Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc. Kết quả âm tính, nhưng được xác định là F1, em được bệnh viện giữ lại và chiều cùng ngày, đưa đi cách ly tại Ký túc xá của Trường Đại học Lâm nghiệp (thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Cô gái Hà Nội là F0 kể hành trình thoát cửa tử
Đinh Ngọc Điệp chuẩn bị đi cách ly. (Ảnh: NVCC)

Phòng Điệp ở có 4 giường, em ở cùng 3 người khác, mọi người đều có ý thức giữ khoảng cách xa nhau 2m và ít trò chuyện. Chưa bao giờ xa nhà đến 1 tuần, nên cô gái trẻ khá hoang mang, buồn chán. Nhưng rồi, xác định phải cách ly ít nhất 14 ngày, nên hàng ngày Điệp tập thể dục, trò chuyện với bố mẹ, người thân để trấn an lại tinh thần.

Mấy lần test đều âm tính, Điệp khấp khởi mừng, mong hết 14 ngày để được về nhà, nhưng đến ngày 2/8 (ngày thứ 12), em thấy trong người bắt đầu khác thường, nóng và đau người. Chờ hết ngày không thấy bác sĩ thông báo gì, Điệp nghĩ mình không sao, nhưng đến chiều thì bố em gọi điện: “Con ơi, con bị dương tính rồi”. Sau cuộc gọi của bố, bác sĩ cũng thông báo em thu dọn đồ đạc, chuẩn bị chuyển viện để điều trị.

Tối cùng ngày, xe cứu thương chở Điệp đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Đông Anh. “Đến trước cổng bệnh viện, em rất lo sợ, đặt chân xuống mà em không thể đứng vững vì quá run. Em được điều trị tại tầng 4 khoa Viêm gan, cùng với 5 bệnh nhân khác. Khu điều trị có khoảng 10 phòng bệnh với 50-60 bệnh nhân. Sau khi nhận phòng xong, bác sĩ test, đo huyết áp, đo SpO2 (độ bão hòa ô xy trong máu ngoại vi) và lấy máu để xét nghiệm.

Cô gái Hà Nội là F0 kể hành trình thoát cửa tử
Khu cách ly tại Ký túc xá Trường Đại học Lâm nghiệp. (Ảnh: NVCC)
Cô gái Hà Nội là F0 kể hành trình thoát cửa tử
Cơm trong khu cách ly và bệnh viện khá ngon, nhưng Điệp không ăn được vì quá đau họng. (Ảnh: NVCC)

Ngày 3/8, em sốt cao hơn, rồi ho, rát họng, ngạt mũi và khó thở, em đã bị vi rút xâm nhập vào phổi. Ngồi thôi cũng không thể nào hít thở sâu được, đêm ngủ nằm xuống càng khó thở, cảm giác có một vật gì đó đè nặng phổi của mình. Các ngày tiếp theo ho nhiều hơn, cổ họng rất rát, khạc ra còn có vài vết máu”, Điệp kể.

Tuần đầu điều trị, Điệp phải lấy máu 3 lần. Sáng ngày 7/8, do chưa ăn sáng, sau khi lấy máu, em bị ngất luôn. Bác sĩ phải cấp cứu, truyền nước, cho thở ô xy 1 buổi chiều rồi em tự thở được lại.

“Mỗi ngày 3 lần, đồ ăn được phát. Cơm trong bệnh viện nhìn khá ngon, món ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng. Bệnh viện cũng có cả cháo nữa, nhưng suốt 2 tuần, dù đã cố gắng nhai thật nhuyễn nhưng em bỏ bữa rất nhiều, không thể nuốt nổi vì họng rất đau, và mất cả vị giác lẫn khứu giác”, Điệp cho biết.

Lạc quan và lạc quan

Tuần điều trị đầu tiên, ngày nào Điệp cũng khóc vì đau người, vì khó thở, vì sợ không biết mình có sống được không. Sốt li bì, ăn uống không được nên cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi và suy sụp, muốn nằm ngủ cũng không nằm được mà ngồi thì không thể ngồi được lâu, đi lại càng hạn chế.

Cô gái Hà Nội là F0 kể hành trình thoát cửa tử
Nhân viên y tế làm việc trong khu cách ly. (Ảnh: NVCC)

Các phòng bệnh đều không được phép bật điều hoà, chỉ được bật quạt nên không thể nào đủ mát cho tất cả mọi người. Tất cả bệnh nhân chỉ được phép cởi khẩu trang lúc vệ sinh cá nhân và ăn cơm, còn lại đêm ngủ cũng phải đeo nên sáng nào dậy mặt mũi, gối và quần áo đều ướt sũng mồ hôi.

Không chỉ riêng Điệp, 5 bệnh nhân cùng phòng ai cũng suy sụp, người xanh xao, tím tái, có người phải thở ô xy. Rồi một bác lớn tuổi cùng phòng diễn biến nặng hơn, đo SpO2 toàn dưới 94, phải di chuyển sang khu điều trị khác…

Tuy nhiên, ai cũng xác định phải hết sức cố gắng, cố gắng từng chút một, vì không như những bệnh khác có người thân chăm sóc, bệnh nhân Covid-19 chỉ có một mình, nếu nặng thì mới được y, bác sĩ hỗ trợ. Nhưng thật sự, các bác sĩ cũng quá tải, khu Điệp điều trị khoảng 50-60 bệnh nhân nhưng chỉ có 2 y tá, luôn tất bật với việc phát thuốc, thăm khám.

Hết tuần thứ nhất, Điệp phải chuyển phòng vì có thêm nhiều ca bệnh mới. Đi qua các phòng khác, Điệp mới biết phòng nào cũng rất đông, thậm chí có phòng 6 giường, nhưng phải nằm 7 người vì hết chỗ.

Cô gái Hà Nội là F0 kể hành trình thoát cửa tử
Sau 34 ngày cách ly, điều trị, cô gái trẻ được xuất viện. (Ảnh: NVCC)

“Ở trong bệnh viện, việc giữ tinh thần ổn định, lạc quan, luôn nhắc bản thân không được suy sụp, không bỏ cuộc. Bố mẹ, bạn bè liên tục gọi điện động viên, nên em cũng bình tâm dần. Em tập bài hít thở 10-15 phút, gắng các bài thể dục khác khoảng 1 tiếng/ngày. Rất may mắn, nhờ được bác sĩ đã phát hiện kịp thời, nên chỉ sau 2 tuần điều trị, em giảm dần các triệu chứng”, Điệp cho biết.

Ám ảnh

Đủ 21 ngày, sau nhiều lần xét nghiệm âm tính, ngày 24/8, em được bác sĩ thông báo khỏi bệnh và được xe của Bệnh viện đưa về nhà. Điệp tiếp tục cách ly ở một phòng riêng 14 ngày, tiếp tục theo dõi các triệu chứng, uống thuốc, uống nước chanh muối nóng, uống nước ấm, súc miệng nước muối thường xuyên, bổ sung Vitamin C hàng ngày, tắm cũng bằng nước ấm và vẫn chưa dám nằm điều hòa.

Cô gái Hà Nội là F0 kể hành trình thoát cửa tử
Điệp chia sẻ câu chuyện của mình với mong muốn không ai chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. (Ảnh: NVCC)

“Nay, em thấy mình bình phục khoảng 80% rồi, nhưng đêm thỉnh thoảng vẫn tức ngực. Không biết phổi đã bị tổn thương như thế này thì sau này có bình thường trở lại không, nhưng dù sao, em vẫn thấy mình thật may mắn vì đã thoát chết.

Đáng sợ nhất là bệnh mà không có thuốc để chữa. Tất cả số thuốc mình uống hàng ngày là hạ sốt, thuốc ho, C sủi và nước bù điện giải Oresol. Ngoài ra, bác sĩ còn tiêm thuốc chống đông máu Lovenox. Tiêm trực tiếp vào bụng nên rất đau, mỗi buổi sáng dậy là nỗi kinh hoàng khi phải đối diện với những mũi tiêm này”, Điệp chia sẻ.

Hơn 1 tháng qua là khoảng thời gian Điệp không bao giờ quên, thậm chí ban đầu em từng nghĩ mình sẽ không thể vượt qua được vì thấy sức khoẻ yếu đi từng ngày. Khó thở, đau đớn, sống chung với khẩu trang 24/24 giờ, nóng nực… là những nỗi ám ảnh với cô gái.

Nhưng rồi may mắn đã đến. Điệp chia sẻ, em thật sự biết ơn các bác sĩ, y tá đã chữa trị, chăm sóc cho em; bố mẹ, gia đình đã luôn sát cánh chia sẻ, động viên, không cho em nản lòng. Những ngày qua, bên cạnh gia đình, em còn có một người bạn thân là chỗ dựa tinh thần rất lớn. Bạn ấy biết em rất yếu, nhưng ngày nào cũng gọi điện nhắc phải tập thể dục, động viên cố gắng ăn uống, an ủi, chia sẻ… cùng em vượt qua thử thách, gian nan. Em muốn nói lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả mọi người.

“Từ câu chuyện bản thân trải qua, em mong mọi người hết sức cẩn trọng, phòng, chống dịch nghiêm túc theo khuyến cáo của các bác sĩ. Covid-19 quá đáng sợ, quá nguy hiểm, đừng ai chủ quan, vì chủ quan sẽ phải đánh đổi bằng tính mạng của mình và người thân”, Điệp chia sẻ.

Phương Thảo (ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này