Người dân vẫn “đổ” ra đường: Cần hơn nữa ý thức của chủ sử dụng lao động

13:13 | 20/08/2021
(LĐTĐ) Dù đang thời kỳ giãn cách xã hội, song những ngày qua tình trạng người ra đường ở Hà Nội vẫn đông. Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng nhưng cũng không thể kiểm soát được việc người dân ra đường bởi khi kiểm tra, nhiều người vẫn có đầy đủ giấy tờ cơ quan, đơn vị cấp. Để hạn chế người ra đường thời điểm này, cần hơn nữa ý thức của các doanh nghiệp.
Cần “mạnh tay” xử lý nghiêm những người ra đường không có lý do chính đáng Đường phố Hà Nội vẫn tấp nập dù đang trong thời gian giãn cách Nên "siết" lại đối tượng được ra đường và xử phạt nghiêm minh!

Từ những doanh nghiệp có ý thức

Là doanh nghiệp tư nhân chuyên phân phối các sản phẩm bếp, kinh doanh xe ô tô tự lái…, thời điểm giãn cách xã hội, Công ty TNHH Kinh doanh khí đốt LPG và dịch vụ vận tải Đức Thành cũng đã tạm dừng một số hoạt động. Để đảm bảo việc chăm sóc khách hàng cũng như những hoạt động khác của Công ty như chuẩn bị phương án nhập khẩu hàng hóa, thu hồi công nợ… một bộ phận nhân viên vẫn phải đi làm hàng ngày.

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Công ty cho biết: “Xác định công tác phòng, chống dịch đặt lên hàng đầu nên ngay từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách, chúng tôi đã sắp xếp cho lao động làm việc, đến Công ty, kho bãi sao cho đảm bảo không tụ tập đông người mà vẫn duy trì hoạt động của mình. Công ty chỉ có gần 20 người nhưng chúng tôi không cấp giấy đi đường cho tất cả mọi lao động mà cấp theo tuần, đồng thời yêu cầu nhân viên đi đúng tuyến đường trong hành trình công việc, ghi rõ trong giấy đi đường. Trường hợp lực lượng chức năng phát hiện nhân viên đi không đúng tuyến đường ghi trong giấy tờ thì có thể gọi trực tiếp đến số điện thoại đường dây nóng của Giám đốc. Chúng tôi sẽ yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm người vi phạm. Theo tôi, phải thật chặt chẽ, không thể cấp giấy đi đường tràn lan cho người lao động, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao”.

Người dân vẫn “đổ” ra đường: Cần hơn nữa ý thức của chủ sử dụng lao động
Thời điểm này, việc người dân ra đường đông sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh (Ảnh minh họa: Niệm Lê)

Cũng theo ông Thành, nhiều người thân quen, thậm chí trong gia đình còn nhờ viết giấy đi đường cho họ để thỉnh thoảng đi ra đường có việc. Tuy nhiên, ông Thành nhất quyết không cấp bởi làm như thế là hại chính mình, cũng như làm hại cộng đồng nếu chẳng may người được cấp giấy làm lây lan dịch bệnh. Thậm chí, có khi liên lụy, chịu trách nhiệm trước pháp luật…

Còn đối với đơn vị Hoa quả Ưu Đàm, theo đại diện của đơn vị này: Để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, toàn bộ 100% người lao động đều phải tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, xét nghiệm liên tục. Đồng thời lãnh đạo đơn vị yêu cầu cán bộ nhân viên thực hiện nghiêm túc 5K theo quy định của Bộ Y tế.

“Đặc biệt, khi giao hàng, chúng tôi đều có giấy thông hành của Sở Giao thông vận tải và Sở Công Thương duyệt, cấp. Đồng thời có giấy của Công ty, chủ yếu là vận chuyển thực phẩm thiết yếu… Là đơn vị hoạt động xã hội thường xuyên, tiêu chí của chúng tôi là phải luôn đồng hành cùng với các cơ quan, ban, ngành để đảm bảo an toàn về công tác phòng, chống dịch. Các chương trình của đơn vị trước khi thực hiện đều phải được sự đồng ý của các cấp, các ngành”, bà Ngọc Mai, đại diện đơn vị Hoa quả Ưu đàm chia sẻ.

… Đến những vi phạm trong việc cấp giấy đi đường

Dư luận vẫn chưa quên vụ việc, một người không phải là nhân viên của của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) nhưng lại sử dụng giấy đi đường do Xí nghiệp cấp. Cụ thể, khoảng 18h ngày 9/8, tại chốt kiểm soát Chùa Láng - Nguyễn Chí Thanh (phường Láng Thượng, quận Đống Đa), ghi nhận một trường hợp khi bị gọi vào chốt kiểm tra đã xuất trình giấy đi đường do Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cấp. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại chốt trường hợp này vừa đi giao cá tại phố Chùa Láng và không phải nhân viên của Xí nghiệp.

Sau khi nhận được phản ánh, lãnh đạo Xí nghiệp đã yêu cầu rà soát, kiểm tra lại việc cấp giấy đi đường của đơn vị. Qua đó, phát hiện số lượng giấy đi đường cấp ngày 30/7/2021 cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị có 2 cá nhân báo mất, 2 trưởng bộ phận cấp phát thất lạc, 1 cá nhân báo lấy giấy viết tên cho người khác. Qua sự việc xảy ra, Giám đốc Xí nghiệp đã nghiêm khắc phê bình các bộ phận để xảy ra vi phạm…

Mới đây, khoảng 10h ngày 17/8, Tổ công tác Y7/141, Công an thành phố Hà Nội làm nhiệm vụ tại đường Nguyễn Trãi hướng đi Ngã Tư Sở, phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy trên đường có dấu hiệu nghi vấn nên đã kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, nam thanh niên tên là Nguyễn Hữu Nguyên (28 tuổi, ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội) xuất trình nhiều giấy tờ tùy thân trong đó có giấy đi đường do một công ty cấp. Tuy nhiên, qua đấu tranh, Tổ công tác đã làm rõ, Nguyên không phải là nhân viên của công ty trên, giấy đi đường là do Nguyên làm giả.

Trước đó, ngày 6/8, tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), lực lượng chức năng phát hiện 3 trường hợp sử dụng giấy đi đường để qua chốt có biểu hiện nghi vấn. Ba người này khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng (quận Đống Đa).

Cần siết chặt hơn nữa

Như báo Lao động Thủ đô đã từng có bài viết cảnh báo: Việc cấp giấy đi đường giả để ra đường nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, cố tình không tuân thủ quy định là hành vi coi thường pháp luật, đáng lên án trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Thậm chí những người liên quan có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, về chế tài xử phạt với hành vi sử dụng giấy đi đường giả, theo luật sư Nguyễn Ngọc Linh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Cả người làm giả giấy tờ đi đường để bán và cả người mua đều có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội danh này là 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng…

Để giữ vững thành quả công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt không để dịch lan rộng, mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ. Cụ thể, Thường trực Thành ủy yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng, hợp lý như đã nêu trong Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND Thành phố...

Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hoàn Kiếm đã có văn bản thông tin về việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Nội dung thông báo nêu rõ, thời gian vừa qua, một số cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn quận đã thực hiện việc cấp giấy đi đường cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa có sự thống nhất. Đặc biệt, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 phường Chương Dương đã cấp giấy cho người dân chưa đúng quy định, hướng dẫn của Thành phố và quận Hoàn Kiếm.

Qua rà soát, tiếp thu ý kiến của người dân, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo phường Chương Dương dừng việc cấp giấy này; đồng thời tiếp tục tuyên truyền cho người dân và hướng dẫn lực lượng làm nhiệm vụ đúng quy định đã ban hành.

Trước đó, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều công văn quy định việc người dân, cán bộ, công chức… khi ra đường cần mang theo giấy đi đường, Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân.

Có thể thấy, vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biết phức tạp trên địa bàn Thủ đô, khi mà cả hệ thống chính trị cũng như toàn dân đang nỗ lực hết mình nhằm đẩy lùi dịch bệnh thì vẫn còn những “lỗ hổng” có thể sẽ làm đổ bể công sức của cả Thành phố. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động cần có ý thức hơn nữa trong việc quản lý cán bộ nhân viên và đặc biệt cấp giấy đi đường đúng mục đích, đảm bảo yêu cầu giãn cách, an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Theo nội dung Chỉ thị 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành tối 23/7 về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố để phòng, chống dịch Covid-19, các trường hợp sau người dân sẽ được ra đường: Đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men; cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ; làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

Khi ra đường, người dân được yêu cầu thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Người dân cũng được yêu cầu thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng NCOVI, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác... Trường hợp người dân khi di chuyển vào Thành phố vì lý do công vụ, phòng, chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của Thành phố.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này