Xin đừng kén chọn vắc xin!

10:31 | 17/08/2021
(LĐTĐ) Một trong những vấn đề quan trọng nhất để cuộc sống trở lại bình thường là phải ít nhất 70-75% dân số tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 nhằm tiến tới miễn dịch cộng đồng. Thời điểm này, vắc xin đang cực kỳ khan hiếm trên quy mô toàn cầu, ấy vậy mà không ít người vẫn kén chọn vắc xin!
Những cán bộ xã, phường... "lặng thầm" giữ bình yên cho Thủ đô Quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế và Y tế Đồng loạt tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại 10 điểm tiêm chủng

Hà Nội hiện đang tiến hành đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin phòng Covid-19, cấp độ quy mô xã, phường cũng đang tiến hành tiêm. Quan điểm của Chính phủ và thành phố Hà Nội, vắc xin có bao nhiêu tiêm bấy nhiêu, vắc xin nhập về đến đâu tiêm đến đó. Tất nhiên, sau khi phải được Bộ Y tế thẩm định chất lượng.

Do lượng vắc xin khan hiếm, nhiều người muốn tiêm vẫn chưa được, song ngược lại nhiều người còn có quan điểm kén chọn vắc xin. Không hiểu họ lấy thông tin từ đâu, (cá nhân tôi cho rằng đa số lấy lên không gian mạng, chủ yếu là Facebook) khi kháo nhau rằng: “Trong số các loại vắc xin đang được tiến hành tiêm chủng, chỉ có 2 loại vắc xin Pfizer và Moderna là an toàn nhất thôi. Còn cỡ như AstraZeneca… gây ra phản ứng phụ!”.

Không nói đâu xa, tôi có người bạn, khi trò chuyện qua điện thoại, hỏi chú đã tiêm chưa, thì nhận được câu trả lời, lẽ ra em tiêm rồi, nhưng đợi khi nào có vắc xin Pfizer của Mỹ em mới tiêm! Trời, chán chẳng buồn nói nữa!

Xin đừng kén chọn vắc xin!
Ảnh minh họa.

Như chúng ta đã biết, mọi vắc xin đều có cơ chế giống nhau là sinh kháng nguyên để giúp cơ thể tăng cường lực lượng “đánh nhau” với vi rút SARS- CoV-2 và giành thắng lợi. Nói một cách khác, giống như trận bóng đá, mục tiêu cuối cùng là ghi bàn vào lưới đối phương để giành chiến thắng. Song mỗi huấn luyện viên có những cách bố trí trận đấu khác nhau.

Cơ chế vận hành của vắc xin cũng tương tự vậy. Điều cần nói thêm, trong bất kỳ loại vắc xin nào tiêm vào cơ thể cũng có tỷ lệ rủi ro và cả yếu tố phát sinh các phản ứng (sốt hoặc nổi ban…).

Cơ chế là vậy, nhưng với sự lên ngôi của mạng xã hội, một số người cứ thích đẩy những bài mang tính câu like để dùng cho mục đích khác, mà nhiều người xem không hiểu hết vấn đề, cứ thế là tin. Ngay cả các nhà khoa học đến nay vẫn chưa có thống kê cụ thể như tiêm vắc xin AstraZeneca sẽ có tỷ lệ phản ứng cao hơn Pfizer. Xin khẳng định là chưa hề có!

Tuy nhiên, khi tiêm một loại vắc xin nào đó, mọi người gặp phải biểu hiện phản ứng phụ như sốt, đau nhức người… có thể nhắn tin cho bạn bè để chia sẻ.

Ngay như bản thân cơ quan tôi, khi được tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19, chúng tôi coi đó là “bảo kiếm” để phòng dịch, nên không bao giờ nghĩ đến sự kén chọn.

Trung tuần tháng 6 đến bệnh viện tiêm mũi thứ nhất là vắc xin AstraZeneca, về nhà một ngày sau đó chỉ có 4 người có biểu hiện sốt (1 ngày thì hết), còn lại bình thường. Còn mấy anh chị em phóng viên, do đặc thù tác nghiệp được ưu tiên tiêm trước, đến ngày 14/8 tiêm lại mũi 2 cũng là vắc xin AstraZeneca, tất cả bây giờ đã ổn định, không có vấn đề gì.

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế và các vấn đề xã hội. Để đẩy lùi đại dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, “phủ sóng” vắc xin phòng Covid-19 và nguyên tắc 5K là hai yếu tố quan trọng nhất.

Tuy nhiên, hiện tại do vắc xin đang khan hiếm, bên cạnh đẩy nhanh việc sớm cho ra các loại vắc xin do các đơn vị trong nước nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ, Đảng, Chính phủ đang đẩy mạnh “ngoại giao vắc xin” để tiêm miễn phí cho nhân dân.

Trong lúc này, đáng buồn thay, vẫn có những người còn mang tư tưởng kén chọn vắc xin. Và kén chọn vắc xin vô tình đã góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường lâu hơn và tạo an nguy cho xã hội!

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này