Ngân hàng tăng sức “đề kháng” với nợ xấu

08:59 | 17/08/2021
(LĐTĐ) Khác với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, các ngân hàng đã vững vàng hơn trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt, tăng sức “đề kháng” với rủi ro nợ xấu, đồng thời chung sức để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó trong dịch bệnh.
Thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đạt nhiều kết quả khả quan Dòng tiền vẫn vào bất động sản và nợ xấu tăng lên

Đa dạng hóa nguồn thu, phân tán rủi ro

Vì sao trong cuộc khủng hoảng Covid-19 mà hệ thống ngân hàng thương mại vẫn vững vàng và thậm chí tăng trưởng khá?

Tại tọa đàm “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021”, ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn các doanh nghiệp không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thay vào đó là để tiền trong tài khoản phòng ngừa nhiều hơn. Yếu tố tiền gửi không kỳ hạn tăng dẫn đến chi phí vốn giảm, hỗ trợ thu nhập từ lãi tăng. Đáng chú ý, các nguồn thu ngoài lãi như thu phí bảo hiểm, bảo lãnh, thu xếp hợp vốn, giấy tờ có giá… cũng được các ngân hàng tích cực đẩy mạnh.

Ngân hàng tăng sức “đề kháng” với nợ xấu
Các ngân hàng có những giải pháp cụ thể, đảm bảo hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngoài ra, với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung đầu tư công nghệ, kỹ thuật số, nền tảng thanh toán online, giờ đây không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng bắt đầu sử dụng dịch vụ của ngân hàng nhiều hơn. Điều này thấy rõ nhất ở yếu tố tiền gửi không kỳ hạn của các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, nguồn vốn chi phí rẻ này giúp kéo giãn biên lãi thuần, qua đó thúc đẩy lợi nhuận.

Ông Ngô Đăng Khoa cũng cho rằng, sức đề kháng với rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn trước rất nhiều. Việc xử lý nợ xấu hiệu quả những năm vừa qua đã tạo luân chuyển vốn, nhiều ngân hàng hưởng lợi từ khoản tăng lãi bất thường. Thậm chí, Thông tư 01 và Thông tư 03 còn giúp ngân hàng không phải trích lập nợ xấu luôn mà được trích lập từng khoản nhỏ góp phần giảm áp lực chi phí cho hệ thống ngân hàng.

Lý giải về việc các ngân hàng vẫn bình ổn và tăng trưởng, ông Lý Hoài Văn - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông OCB đưa ra một góc nhìn, với 4 yếu tố. Thứ nhất, là đã có sự khác biệt giữa khủng hoảng dịch bệnh hiện nay với khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Trong cuộc khủng hoảng cách đây hơn 1 thập kỷ, thị trường gần như mất thanh khoản, rủi ro về đối tác ảnh hưởng lớn đến thanh khoản toàn ngành ngân hàng. Tuy nhiên trong cuộc khủng hoảng lần này, hệ thống tài chính vẫn đang hoạt động tốt nhờ chính sách của ngân hàng trung ương can thiệp kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp.

Thứ hai, trong hai năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khả quan với GDP trên 6%, lạm phát và lãi suất được duy trì ổn định giúp ngành ngân hàng hoạt động tốt. Thứ ba, quan trọng nhất là sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, Chính phủ đã đi qua giai đoạn cơ cấu 5 năm lần thứ nhất và ngân hàng đã đáp ứng được năng lực tài chính, đặc biệt về vốn. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, phần lớn các ngân hàng đã xử lý được nợ xấu bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC giúp nâng cao nền tảng của ngân hàng tốt hơn.

Thứ tư, các ngân hàng đã mở rộng các sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu và qua đó phân tán rủi ro. Trước đây, thu tín dụng trên 90% thì đến nay các ngân hàng đã giảm được sự phụ thuộc vào tín dụng. Đây là nền tảng giúp ngân hàng hoạt động tốt.

Giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp

Không chỉ đứng vững và tăng trưởng, cho đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng vẫn đang là lực lượng chủ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, 50% khó khăn của doanh nghiệp là nguồn vốn.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Kim Xuân - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh: “Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã họp trực tuyến với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trao đổi các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Căn cứ vào thực lực nguồn vốn cũng như chính sách tín dụng của từng ngân hàng để các ngân hàng có những giải pháp cụ thể, đảm bảo hỗ trợ vốn vay.

Tuy nhiên cũng theo ý kiến các ngân hàng, lãi suất giảm cũng phải hỗ trợ cho đúng đối tượng khách hàng đang có khó khăn thực sự, đảm bảo ưu tiên cho các đối tượng sản xuất kinh doanh, các mặt hàng thiết yếu hoặc các doanh nghiệp đang có đơn hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. Việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay này, các doanh nghiệp đồng thuận sẽ hỗ trợ triển khai đến hết năm 2021. Hiện đã có nhiều ngân hàng ra thông báo giảm lãi suất. Đây là tín hiệu rất đáng mừng”.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Thông tư 01 và Thông tư 03. Thông tư 01 được đánh giá là cởi mở, cơ cấu lại nợ, điều chuyển lãi vay, không trả lãi hoặc không chuyển nhóm nợ. Tuy nhiên, việc cởi mở này khiến việc cho vay cũng tiềm ẩn nguy cơ. Trong khi đó, Thông tư 03 ban hành ra nhằm quy định chặt chẽ hơn để hạn chế các nguy cơ và yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai chính sách hỗ trợ chính xác và cần phải có trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Thông tư 03 triển khai bắt đầu từ ngày 17/5 đến nay mới chưa đầy 3 tháng, trong khoảng thời gian này, diễn biến dịch quá nhanh nên Thông tư 03 lại có những điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế. Vướng mắc của Thông tư 03 là thời hạn trả nợ kéo dài và tất cả các khoản nợ chỉ được kéo dài trong vòng 12 tháng. Điều này sẽ rất khó khăn với các khoản cho vay trung và dài hạn. Bởi vậy, nhiều ngân hàng đã tìm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay.

Theo đó, các ngân hàng như Sacombank, ACB, MB, Vietcombank, BIDV, Tiên Phong Bank, Agribank, VIB, Ngân hàng Bản Việt đã đồng loạt giảm lãi suất. Mức giảm lãi suất của các ngân hàng dao động từ 0,8% - 1,2%/năm và phổ biến bình quân 1%/năm so với lãi suất hiện hành tùy theo từng đối tượng khách hàng, tùy theo chính sách của từng ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng ACB thông báo giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa là 0,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 1% đối với cho vay trung, dài hạn. Ngân hàng này còn triển khai thêm gói ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu là 6% cho khách hàng doanh nghiệp và 7% cho khách hàng cá nhân. Hiện Sacombank cũng đã giảm lãi suất 1% cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại Sacombank thuộc các ngành chịu tác động trực tiếp như: Du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế. Ngân hàng Bản Việt cũng đã hỗ trợ triển khai gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn giảm đến 2%/năm.

HDbank và BIDV cũng đã thông báo giảm lãi suất cho 18.000 khách hàng với mức giảm bình quân từ 1% cho 3 nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây cũng là các ngân hàng đầu tiên ưu tiên cho việc giảm lãi suất cho các khách hàng thuộc địa bàn giãn cách, phong tỏa theo Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Với việc cùng đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ các ngân hàng, điều này sẽ phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong tình cảnh hiện nay./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này