Không để đoàn viên, người lao động khó khăn bị bỏ lại phía sau

22:19 | 13/08/2021
(LĐTĐ) Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại đã gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt đã tấn công vào các Khu Công nghiệp và Chế xuất khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng chục vạn lao động bị mất việc, thiếu việc. Thấu hiểu khó khăn của người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã nhanh chóng xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch bệnh. Nhờ sự vào cuộc chủ động, sáng tạo, với nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, hiệu quả, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô ngày càng càng thêm tin tưởng vào vị thế của tổ chức Công đoàn.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường trao hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Trao hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động

Kỳ 1: Ở đâu khó, ở đó có Công đoàn

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, do tác động của dịch bệnh, đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 290 doanh nghiệp dừng hoạt động, 1.465 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động, kéo theo 6.610 người lao động mất việc làm, 34.320 người lao động thiếu việc làm. Trước khó khăn đó, LĐLĐ Thành phố đã lên kịch bản ứng phó và triển khai ngay nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực.

Hàng chục vạn lao động bị ảnh hưởng

Ảnh hưởng của đại dịch với tốc độ lây lan nhanh chóng đã tác động sâu, mạnh mẽ tới việc làm, đời sống của công nhân lao động (CNLĐ). Đặc biệt, đã có một số ca mắc Covid-19 là CNLĐ dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ, ảnh hưởng nặng nề. Điển hình như tại Công ty TNHH Linh kiện Điện tử SEI Việt Nam. Ngay khi phát hiện ca mắc Covid-19, hơn 1.600 công nhân làm việc ca sáng đã được cách ly tạm thời tại công ty để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, những trường hợp tiếp xúc và liên quan đến ca mắc Covid-19 được đưa đi cách ly tập trung và cách ly tại nhiều điểm khác nhau để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.

Không để đoàn viên, người lao động khó khăn bị bỏ lại phía sau
Làn sóng Covid-19 quay trở lại khiến nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ phải đóng cửa. Tại KCN&CX, một số Công ty phải tạm dừng sản xuất để thực hiện cách ly y tế do có ca mắc Covid-19.

Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần khi phải cách ly y tế, nhưng nhiều công nhân lao động của công ty vẫn không tránh khỏi bàng hoàng, lo lắng trong những ngày đầu cách ly. Chia sẻ với phóng viên về khoảng thời gian thực hiện cách ly y tế, chị Nguyễn Thị Huyền - Công nhân phòng Coverlay Công ty TNHH Linh kiện Điện tử SEI Việt Nam chia sẻ, chị khá hoang mang lo sợ. Đã từng thấy một số nhà máy phải tạm dừng hoạt động, người lao động phải đi cách ly, nhưng chị Huyền không nghĩ rằng chính mình phải cách ly vì dịch. Những hôm đầu, chị chẳng thể chợp mắt vì nhớ nhà, thương con nhỏ, nhưng nghĩ đến sự an toàn của bản thân, gia đình chị lại nén nỗi nhớ nhà, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch để sớm được đi làm trở lại.

Hay như tại Công ty TNHH Thời trang STAR có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) có khoảng trên 6.000 CNLĐ đang làm việc. Ngay khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên từ ngày 26/7, Công ty đã phải cho tạm dừng hoạt động.

Theo báo cáo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, tính đến ngày 13/8 trên địa bàn Thành phố có 330 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, 1.486 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động; 7.237 CNLĐ mất việc làm và 35.871 CNLĐ thiếu việc làm.

Chia sẻ về những khó khăn mà Công ty TNHH Thời trang STAR gặp phải, bà Đào Thị Lan Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, việc các dây chuyền tạm ngừng hoạt động khiến Công ty bị ảnh hưởng lớn về kinh tế, đặc biệt là không sản xuất kịp các đơn hàng cho đối tác. Nếu như đối tác không thông cảm, Công ty sẽ bị chịu phạt, hoặc phải chuyển hàng bằng đường hàng không (chi phí vận chuyển gấp 10 lần so với đường biển). Cũng theo bà Lan Anh, do phải tạm dừng sản xuất, khiến thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng vì không được hưởng lương hiệu suất, tăng ca…

Khó khăn không chỉ có ở những doanh nghiệp có các trường hợp CNLĐ mắc Covid-19, để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã lựa chọn giải pháp dừng hoạt động trong thời gian Hà Nội thực hiện Chỉ thị của UBND Thành phố về giãn cách xã hội. Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Đông, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Bê tông Minh Đức Sơn Tây, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây cho biết, Công ty Cổ phần Bê tông Minh Đức Sơn Tây hiện có hơn 200 cán bộ, công nhân viên đang làm việc. Thực hiện Chỉ thị của Ủy ban nhân dân Thành phố, vì không thể đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ, nhà máy đã tạm dừng sản xuất từ ngày 23/7.

“Nhà máy hoạt động theo hình thức khoán sản phẩm, do đó, trong quá trình nghỉ giãn cách công nhân không có lương. Hiện tại, Công đoàn Công ty cũng đang đề xuất với Ban Giám đốc có kế hoạch hỗ trợ cho người lao động để phần nào giúp người lao động vượt qua khó khăn trong thời gian tạm dừng sản xuất”, ông Nguyễn Trọng Đông, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Bê tông Minh Đức Sơn Tây chia sẻ.

Ngừng việc, giãn việc, nhiều lao động gặp khó

Doanh nghiệp gặp khó khăn, CNLĐ cũng vì thế mà rơi vào thế khó. Thu nhập thấp chỉ đủ trang trải từng tháng nay cũng không còn khiến cuộc sống của nhiều gia đình công nhân lao động bị đảo lộn. Trong gian phòng trọ đơn sơ, chật chội ở tổ 3, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, chị Trần Thị Việt Hoài ngậm ngùi chia sẻ, hai vợ chồng chị đều từ ngoại tỉnh đến Hà Nội thuê nhà sinh sống, đi làm. Bình thường, lương công nhân của cả hai vợ chồng đã thấp, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, đơn hàng giảm sút, Công ty ít việc phải cho công nhân làm luân phiên khiến thu nhập của chị Hoài giảm một nửa, từ 5 triệu/tháng chỉ còn 2,5 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, anh Lê Quang Thành - chồng chị Hoài, là công nhân Công ty CP dụng cụ cơ khí xuất khẩu trước đó cũng đã phải nghỉ việc không lương một tháng do Công ty bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Hiện anh Thành đã đi làm trở lại nhưng cũng làm việc giãn cách, hưởng 50% lương. “Thu nhập giảm, trong khi nhiều khoản chi phí không giảm mà còn tăng lên. Đơn cử như khi nghỉ ở nhà thì không có ăn ca, tiền điện, nước dùng hằng ngày tăng lên. Vợ chồng tôi phải chi tiêu chắt bóp mới đảm bảo được cuộc sống. Mong sao dịch bệnh nhanh qua, công việc ổn định trở lại”, chị Hoài nói.

Không để đoàn viên, người lao động khó khăn bị bỏ lại phía sau
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp phải khó khăn, thu nhập của NLĐ cũng bị giảm mạnh.

Cũng giống như vợ chồng chị Hoài, anh Thành, gia đình anh Nguyễn Văn Việt - công nhân Công ty TNHH Việt Nam IRITANI (KCN Thăng Long, đang thuê trọ ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Anh Việt là trường hợp F1, phải đi cách ly tại khu cách ly tập trung 21 ngày sau đó tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày. Khi hết thời hạn cách ly, anh Việt quay trở lại Công ty làm việc nhưng do Công ty đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên anh phải nghỉ việc luân phiên khiến thu nhập bị giảm đáng kể. “Con nhỏ đang tuổi ăn học, nhà cửa thuê mướn, công việc thì bấp bênh, thu nhập giảm sút nên cuộc sống của gia đình tôi vô cùng khó khăn”, anh Việt cho biết.

Thời điểm hiện tại, những giáo viên làm việc tại các trường tư thục cũng gặp phải nhiều khó khăn vì phải tạm thời nghỉ việc thực hiện giãn cách. Cô giáo Nguyễn Thị Hà - giáo viên cơ sở mầm non An Đông, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội là một ví dụ. Vợ chồng cô giáo Hà đang thuê nhà trọ tại phường Định Công. Chồng cô Hà là lao động tự do thu nhập không ổn định, lương giáo viên mầm non ngoài công lập của cô được xấp xỉ 6 triệu đồng/ tháng lại nuôi hai con còn nhỏ nên bình thường, kinh tế gia đình đã gặp nhiều khó khăn. “Khi dịch bệnh Covid- 19 bùng phát, trường tạm đóng cửa, giáo viên không có lương mà chỉ được tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng khiến cuộc sống của gia đình tôi càng chật vật hơn”, cô giáo Hà cho biết.

Cùng với sự phát triển kinh tế, Thủ đô cũng là nơi tập trung đông lao động tự do đến từ nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Trong thời gian toàn Thành phố thực hiện Công điện 17 về giãn cách phòng, chống dịch, các công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động, các chợ đầu mối cũng bị phong tỏa khiến nhiều lao động mất việc, không có thu nhập. Anh Nguyễn Thế Ngọc (quê Thanh Hóa), người lao động tự do làm nghề xây dựng tại địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) cho biết, sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, những người lao động tự do như chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Cụ thể, các công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động, trong khi chúng tôi không thể về nhà, phải tá túc tạm ở các lán trại gần công trình.

“Đội chúng tôi có đến 19 người, do thực hiện giãn cách xã hội nên chúng tôi không có việc làm; công việc tạm dừng, nhưng mỗi ngày chúng tôi chỉ được chủ thầu hỗ trợ 25.000 đồng/1 người/ngày. Mức hỗ trợ như vậy thật sự không đủ đối với người lao động, trong khi đó, chúng tôi cũng không có bất cứ khoản tiền dự trữ nào nên đời sống gặp nhiều khó khăn”, anh Ngọc cho hay.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp công đoàn vào cuộc rà soát những CNLĐ gặp khó khăn, từ đó có các phương án hỗ trợ NLĐ gặp khó vì dịch Covid-19. Hơn bao giờ hết, sự vào cuộc của các cấp Công đoàn trong thời điểm hiện tại chính là cánh tay nối dài động viên doanh nghiệp khắc phục khó khăn và đồng hành cùng người lao động vượt qua đại dịch.

Kỳ 2: Quyết liệt, sáng tạo trong chăm lo cho đoàn viên, người lao động

Phương Ngân - Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này