Nâng tầm hoạt động Công đoàn trong tình hình mới

Bài 2: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động, phấn đấu xây dựng Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện

08:49 | 06/08/2021
(LĐTĐ) Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 35/KH-TU về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Thành ủy viên, Bí thư Đảng đoàn LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đã có cuộc trao đổi với báo Lao động Thủ đô về những dự định của tổ chức Công đoàn Thủ đô để đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Nâng tầm hoạt động Công đoàn trong tình hình mới Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh Công đoàn Thủ đô tiếp sức y, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch

Phóng viên: Trước tiên, xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 35/KH-TU về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đối với tổ chức Công đoàn Thủ đô?

- Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Dân vận Thành ủy và Đảng đoàn LĐLĐ Thành phố phối hợp xây dựng dự thảo Kế hoạch để cụ thể hóa Nghị quyết số 02.

Đúng ngày kỷ niệm 92 năm thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (28/7), Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 35/KH-TU về thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, qua đó cho thấy sự quyết tâm của Đảng bộ Thành phố để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống; đồng thời thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ban Thường vụ Thành ủy đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô.

Bài 2: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động, phấn đấu xây dựng Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện
Đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Bí thư Đảng đoàn LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố (Ảnh: Mai Quý)

Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Thành ủy Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, là kim chỉ nam định hướng hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tổ chức Công đoàn đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức có tác động sâu sắc đến hoạt động. Đó là, Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và đã ký, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Việt Nam cũng đã ký 25 Công ước quốc tế, trong đó có Công ước 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể và sắp tới sẽ ký Công ước 87 về Tự do Hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức, những Công ước này có tác động mạnh mẽ đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Cạnh đó, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 có nhiều điểm mới tác động đến hoạt động Công đoàn; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế và đời sống, việc làm của công nhân lao động; số lượng công nhân lao động tăng nhanh, số lượng doanh nghiệp phát triển mạnh, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước… Tất cả đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Phóng viên: Thưa đồng chí, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy là tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng chí có đánh giá như thế nào về nhiệm vụ này?

- Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Tổ chức Công đoàn Thủ đô xác định nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn là một trong những yếu tố then chốt, quyết định sự thắng lợi của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn. Vì vậy, việc Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy đặt ra nhiệm vụ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là rất đúng và trúng.

Để thực hiện nhiệm vụ này, tổ chức Công đoàn Thủ đô có nhiều thuận lợi, ví như tổ chức Công đoàn ngày càng được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và Công đoàn cơ sở tăng nhanh, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Bài 2: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động, phấn đấu xây dựng Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện
Cán bộ Công đoàn tham gia tập huấn để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ Công đoàn. (Ảnh chụp ngày 17/4/2021)

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, đó là cán bộ Công đoàn tuy đông, được đào tạo cơ bản nhưng số lượng cán bộ Công đoàn được đào tạo chuyên sâu còn hạn chế; số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách ít nhưng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ. Ngoài ra, cần kể đến những khó khăn, vướng mắc trong công tác cán bộ Công đoàn như: Sự phối hợp liên thông, thống nhất giữa cấp ủy với Công đoàn cấp trên trong công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ Công đoàn còn hạn chế; còn thiếu cơ chế đủ mạnh để tạo điều kiện thu hút cán bộ Công đoàn ở cơ sở có tố chất, thể hiện được vai trò thủ lĩnh của người lao động và phong trào công nhân…

Nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên, Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ, các cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy phối hợp, thống nhất với Đảng đoàn LĐLĐ Thành phố trong công tác tổ chức cán bộ, đảm bảo tính ổn định và phát triển của đội ngũ cán bộ chủ chốt Công đoàn Thủ đô; hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ Công đoàn trong tình hình mới đảm bảo tính đặc thù, đủ về số lượng, chất lượng, phù hợp với vai trò, vị trí và chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tế; sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về công tác tuyển dụng cán bộ Công đoàn và có cơ chế thu hút, tuyển dụng cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở và phong trào công nhân lao động.

Trong Kế hoạch cũng nêu rõ, các cấp ủy Đảng tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; hạn chế giao nhiệm vụ không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn ở các địa phương, đơn vị. Đây là những giải pháp rất đúng, phù hợp với thực tiễn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã và sẽ thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy như thế nào?

- Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Ngay sau khi Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy được ban hành, bám sát nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”.

Trong đó, xác định rõ mục tiêu và đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng; có tư tưởng chính trị vững vàng, chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm; có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; có năng lực đối thoại, dẫn dắt truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động; có chất lượng và cơ cấu phù hợp vị trí công tác, đảm bảo sự kế thừa và phát triển vững chắc giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới.

Bài 2: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động, phấn đấu xây dựng Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện
Công đoàn Thủ đô xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm (Ảnh: Mai Quý)

Bên cạnh đó, xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước”.

Nghị quyết đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu toàn Thành phố có khoảng 750.000 đoàn viên Công đoàn; hầu hết doanh nghiệp có từ 25 công nhân, lao động trở lên thành lập được tổ chức Công đoàn cơ sở; ít nhất 80% trở lên các đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể. Đến năm 2023 phấn đấu có khoảng 680.000 đoàn viên Công đoàn; mỗi năm thành lập mới ít nhất 400 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; 75% trở lên doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Đến năm 2030 phấn đấu đạt 1 triệu đoàn viên Công đoàn; có từ 90% trở lên người lao động trong các doanh nghiệp có Công đoàn là đoàn viên Công đoàn; những nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn; trên 85% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Thực hiện Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy, Đảng đoàn LĐLĐ Thành phố phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thành ủy tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy xây dựng các đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị trong hệ thống Công đoàn Thủ đô. Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ Thành phố phối hợp với các quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về hoạt động Công đoàn; công tác tổ chức cán bộ và phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở… phấn đấu trong năm 2021 sẽ hoàn thành chương trình ký kết Quy chế phối hợp.

Cùng với đó, Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố tập trung xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của tổ chức Công đoàn Thủ đô để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam và Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Phóng viên: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động Công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới là yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy. Vậy Công đoàn Thủ đô đã và đang có sự đổi mới như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Cùng với việc ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy, nhận thức được tính cấp thiết trong việc đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động Công đoàn để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, ngay từ quý I/2021, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã kịp thời đề ra 10 nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô và thành lập 10 Tổ công tác chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm.

Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung triển khai hiệu quả 4 đề án thí điểm, gồm: Đề án thí điểm “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở”; Đề án thí điểm “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2022”.

Bài 2: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động, phấn đấu xây dựng Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện
Những chuyến "Xe buýt siêu thị 0 đồng" do LĐLĐ Thành phố tổ chức đã kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Mai Quý)

Đặc biệt, nhằm tận dụng thời gian vàng trước khi thực hiện các cam kết mới để nhanh chóng phát triển tổ chức Công đoàn, phát triển đoàn viên, không để khoảng trống, khoảng trắng ở những địa bàn trọng điểm, các khu công nghiệp và chế xuất, các cụm công nghiệp, doanh nghiệp, LĐLĐ Thành phố đã triển khai Đề án thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”, qua đó, tạo động lực, khích lệ các cá nhân, tập thể tích cực tham gia công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương rà soát dư địa phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở để có kế hoạch, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác này; đồng thời tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Công đoàn cơ sở, từ đó tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động đảm bảo hiệu quả, thực chất và khẳng định được vai trò của tổ chức Công đoàn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Với mục tiêu không ngừng nâng cao vị thế, tăng cường chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động theo tinh thần của Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy, LĐLĐ Thành phố đã triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp”, kèm theo quy chế hỗ trợ tài chính đối với các bản Thỏa ước lao động tập thể ký kết được.

Ngoài ra, LĐLĐ Thành phố đang tập trung triển khai Đề án thí điểm “Phát triển Trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động” để cung cấp cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở các dịch vụ như: Phát triển Công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên; thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động...

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã nhanh chóng thích ứng, kịp thời điều chỉnh hoạt động để phù hợp với tình hình dịch bệnh, áp dụng công nghệ thông tin, các nhóm Zalo Công đoàn để chỉ đạo triển khai hoạt động... Với tinh thần khi đoàn viên Công đoàn, người lao động gặp khó khăn, tổ chức Công đoàn càng phải thể hiện rõ nét nhất vai trò của mình, các cấp Công đoàn Thủ đô đã trích từ nguồn ngân sách Công đoàn với số tiền trên 30 tỷ đồng và vận động nguồn lực xã hội hóa được trên 84 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch; ủng hộ Quỹ vắc xin cho công nhân, ủng hộ công tác phòng, chống dịch…

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và trong bối cảnh thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã quyết định thành lập Tổ ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19; ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp và có sáng kiến triển khai thí điểm mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” để kịp thời hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch; đồng thời chỉ đạo các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai các gian hàng 0 đồng, siêu thị 0 đồng, ô tô siêu thị 0 đồng… nhằm hỗ trợ và giúp người lao động yên tâm thực hiện chủ trương “ai ở đâu, ở yên đấy” để góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.

an toan luon la so mot
Các "Tổ An toàn Covid-19" đã góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp

Cùng với việc triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch. Ngay khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, LĐLĐ Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và 5 Tổ công tác bám sát cơ sở, phân vùng kiểm tra, chỉ đạo, xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp. Xác định việc phòng, chống dịch tại các nhà máy, xí nghiệp là ưu tiên hàng đầu, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn Thành phố đã có trên 11.000 “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn) được thành lập với hơn 50.000 người lao động tham gia. Việc thành lập và hoạt động hiệu quả của “Tổ An toàn Covid-19” đã khẳng định sự đồng hành của tổ chức Công đoàn khi doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị dịch Covid-19 tấn công để phòng, chống dịch, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mô hình “Tổ An toàn Covid-19” đã được đông đảo doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, là mô hình sáng tạo của LĐLĐ Thành phố được Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo thành phố Hà Nội ghi nhận, LĐLĐ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai, áp dụng. Sự linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, chung sức cùng Thành phố và doanh nghiệp phòng, chống dịch, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người lao động, ổn định tình hình quan hệ lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đã tạo tiền đề thuận lợi để thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn và thành lập Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Thành ủy Hà Nội; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp ủy Đảng và sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong việc đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô, chúng tôi tin tưởng rằng, tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô sẽ ngày càng lớn mạnh, hiện đại, tiếp tục là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Mai Quý (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này