Động viên đoàn viên, công nhân viên chức lao động Thủ đô thực hiện “Ai ở đâu ở đấy”

17:21 | 02/08/2021
(LĐTĐ) Các cấp Công đoàn Thủ đô tuyên truyền, vận động công nhân viên chức lao động về công tác phòng, chống dịch bệnh, về các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, của tổ chức Công đoàn để người lao động yên tâm sản xuất “Ai ở đâu ở đấy", tuyệt đối không được di chuyển khỏi địa bàn Thành phố kể từ ngày 1/8/2021 cho đến khi hết giãn cách xã hội.
“Xe buýt siêu thị 0 đồng” tiếp tục lăn bánh đến với hơn 1.600 người lao động “Xe buýt siêu thị 0 đồng” tiếp tục đến với đoàn viên, người lao động Thủ đô bị cách ly, phong tỏa Chủ động thích ứng, đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới

Đây là một trong số các chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố tại Công văn số 434/LĐLĐ triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong các cấp Công đoàn Thủ đô, do Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Phi Thường vừa ký ban hành hôm nay, 2/8/2021.

Công văn nêu, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ngoài số ca bệnh phát hiện qua khám sàng lọc, không rõ nguồn lây; hiện nay trên địa bàn Thành phố còn tiếp tục xuất hiện các chùm ca bệnh mới phức tạp với tốc độ lây lan nhanh, nhiều doanh nghiệp đã bị phong tỏa, người lao động phải ngừng việc, mất việc làm do dịch bệnh Covid-19.

Động viên đoàn viên, công nhân viên chức lao động Thủ đô thực hiện “Ai ở đâu ở đấy”
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Ngô Văn Tuyến trao quà cho công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Phương Ngân.

Quán triệt lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; thực hiện Văn bản chỉ đạo số 2422/TLĐ, ngày 31/7/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong các cấp Công đoàn”; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 30/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”; Công điện số 17/CĐ-UBND, ngày 01/8/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về “Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách.

Trước hết, các cấp Công đoàn căn cứ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, người sử dụng lao động triển khai, thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đến từng Công đoàn cơ sở và từng đoàn viên, người lao động.

Cùng đó, các cấp Công đoàn tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động trên địa bàn thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền, vận động công nhân lao động về công tác phòng, chống dịch bệnh, các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, của tổ chức Công đoàn để người lao động yên tâm sản xuất “Ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không được di chuyển khỏi địa bàn Thành phố kể từ ngày 1/8/2021 cho đến khi hết giãn cách xã hội. Công đoàn các cấp cũng cần có biện pháp phối hợp với chính quyền nắm bắt, thống kê, hỗ trợ những người lao động từ các vùng dịch trở về Thành phố hoặc di chuyển qua địa bàn Thành phố Hà Nội (nếu có).

Đặc biệt, các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai tốt công tác chăm lo, có biện pháp hỗ trợ về đời sống, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, mất thu nhập, nữ công nhân đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi ở các khu cách ly, phong tỏa, các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, Khu nhà trọ công nhân; không được để người lao động thiếu ăn, thiếu các nhu yếu phẩm vì dịch bệnh; quan tâm hỗ trợ đội ngũ cán bộ, đoàn viên tuyến đầu đang ngày đêm tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trường hợp Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không cân đối được nguồn tài chính, đề nghị khẩn trương báo cáo về Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội để có biện pháp xem xét hỗ trợ kịp thời.

Các cấp Công đoàn cũng cần tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động “Tổ An toàn Covid-19”; tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện nghiêm biện pháp “5K”, khai báo y tế trung thực; tuyên truyền, vận động người lao động yên tâm sản xuất, không hoang mang, lo lắng, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền, với quyết tâm cao, nỗ lực vượt khó, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, địa phương, đất nước, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, không để các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.

Động viên đoàn viên, công nhân viên chức lao động Thủ đô thực hiện “Ai ở đâu ở đấy”
Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai tổ chức gian hàng lưu động 0 đồng hỗ trợ công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Ngoài ra, các cấp Công đoàn cần tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm ưu tiên sớm tiêm vắc xin cho công nhân, tuyên truyền về chiến dịch tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 của Chính phủ để đoàn viên, người lao động hiểu và tham gia, ủng hộ; Công đoàn rà soát, nắm bắt chặt chẽ tình hình đời sống, việc làm số lượng doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; tham gia triển khai, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 3642/QĐ-UBND, ngày 21/7/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; Quyết định 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Kế hoạch số 39/KH-LĐLĐ ngày 21/7/2021 của Liên đoàn Lao động Thành phố về ứng phó khẩn cấp hỗ trợ người lao động, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, kịp thời, không bỏ sót đối tượng.

Công đoàn cấp trên cơ sở phải phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn, đơn vị, doanh nghiệp, cử cán bộ ứng trực 24/24/7 và công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời giải quyết các công việc, tiếp nhận thông tin đề nghị được hỗ trợ từ phía người lao động và Công đoàn cơ sở.

Riêng Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cần phối hợp với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Phương án số 162/PA-UBND, ngày 12/7/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố; thực hiện Văn bản chỉ đạo Liên tịch giữa Liên đoàn Lao động Thành phố và Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, đánh giá và chỉ đạo các Công đoàn cơ sở, doanh nghiệp; thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá về mức độ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG, ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 và Bảng tự đánh giá của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.

Liên đoàn Lao động Thành phố cũng yêu cầu Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo, Trang Web Liên đoàn Lao động Thành phố; Báo Lao động Thủ đô và các cơ quan truyền thông báo chí Trung ương và Hà Nội, tăng cường tuyên truyền đưa tin, bài, hình ảnh về các điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”, mô hình sáng tạo, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn Thủ đô.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này