Cùng chung tay bảo vệ môi trường để Thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh:

Kỳ 4: Gìn giữ những “lá phổi xanh”

15:51 | 02/08/2021
(LĐTĐ) Lâu nay, Hà Nội được coi là thành phố có nhiều ao, hồ so với với các địa phương khác (khoảng 2.630 hồ, trải khắp 30 quận, huyện). Những ao, hồ này không chỉ làm mục đích tiêu, thoát nước mà còn là nơi thư giãn, nghỉ ngơi của nhiều người dân. Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt của dân cư cũng như cơ sở hạ tầng, hàng loạt các hồ ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Những hồ nước một thời đầy rẫy cá tôm, nay bốc mùi khó chịu nồng nặc. Do đó, việc bảo vệ, cải tạo, giữ gìn môi trường, cảnh quan ao hồ - những “lá phổi xanh” là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi cả chính quyền, xã hội và người dân chung tay, góp sức.
Kỳ 3: Những bông hoa vẫn luôn làm đẹp cho đời Kỳ 2: Rác thải, nguy hại khôn lường Kỳ 1: Nhìn từ những khu phố văn minh
Kỳ 4: Gìn giữ những “lá phổi xanh”
Gìn giữ “lá phổi xanh”. (Ảnh: Trung Nguyên)

Tình trạng ô nhiễm đã cải thiện

Những ngày đầu tháng 7, khi mà nhiệt độ ngoài trời có lúc trên 40 độ C, hiệu ứng đô thị khiến cho các khu phố, khu chung cư… ở Hà Nội, nơi có mật độ xây dựng nhiều, nóng như một chiếc lò. Trái lại, cư dân xung quanh hồ Rùa, còn gọi là hồ Phương Liệt 1 (nằm trên phố Nguyễn Lân, thuộc phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân), dường như ít chịu ảnh hưởng hơn. Người dân đã có thể thưởng lãm cảnh quan, hóng mát, dạo bộ xung quanh hồ.

Đáng chú ý, hồ Phương Liệt 1 từng là “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm, đổ trộm rác và phế thải. Có được kết quả đó là nhờ cuối năm 2012, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đầu tư cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ. Ngoài nạo vét, xây kè, dự án còn xây dựng đường dạo xung quanh, trồng cây xanh, đồng thời tách hoàn toàn hệ thống nước thải không chảy vào hồ. Hồ Rùa được hồi sinh sau đó hơn một năm, trở thành không gian xanh lý tưởng cho người dân.

Bà Hải, ở tổ dân phố 17 phường Phương Liệt, chia sẻ, việc cải tạo hồ Rùa là việc làm thiết thực và nhân văn, nhờ vậy hồ được hồi sinh. Chúng tôi có chốn để thư giãn sau mỗi ngày làm việc. Hơn thế, hồ Rùa cũng tạo nên diện mạo đô thị đẹp cho cả khu vực dân cư. Cùng quan điểm với bà Hải, ông Nguyễn Gia Long, Tổ trưởng tổ dân phố 17 phường Phương Liệt, cho biết, giá trị của ao, hồ là không phải bàn cãi, đó là tài sản không chỉ của khu vực mà còn của cả Thành phố và mỗi người đều phải có trách nhiệm gìn giữ.

Kỳ 4: Gìn giữ những “lá phổi xanh”
Nhiều ao hồ trên địa bàn Thủ đô đã trong xanh trở lại. (Ảnh minh họa)

Tương tự, tại hồ Văn Quán (quận Hà Đông) bất kể thời tiết, nhiều người dân khu vực ra ven hồ ngồi chơi, hóng gió. Hồ Văn Quán rộng khoảng 2.000m2, nằm trong khuôn viên khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông) - được mệnh danh là "lá phổi xanh", điểm nhấn cho khu đô thị.

Ông Giao (cư dân chung cư trên đường Nguyễn Khuyến, quận Hà Đông) cho biết, những năm trước đây, nếu đi dọc hồ Văn Quán tại một số điểm xuất hiện tình trạng người dân vô ý thức đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu, thậm chí là bát hương xuống lòng hồ.

Không chỉ có vậy, những vị khách tới uống cà phê, ăn tại các hàng quán nhỏ ven hồ cũng vứt luôn giấy báo, túi nilon, vỏ đồ ăn xuống hồ, làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường nước. Bên cạnh đó, lòng hồ không được nạo vét bùn; mặt hồ phủ kín bèo, rác thải. Người dân hầu như không ai ra khu vực gần hồ vì mùi hôi thối. Tuy nhiên, từ năm 2017, sau khi được cải tạo, môi trường hồ được cải thiện rõ rệt. Hồ Văn Quán bây giờ đúng nghĩa là “lá phổi xanh”.

Kỳ 4: Gìn giữ những “lá phổi xanh”
Diện mạo nhiều tuyến đường thay đổi đáng kể khi dải phân cách được trồng thêm nhiều loại cây, hoa. (Ảnh chụp trước 27/4).

Nhiều chuyên gia cho rằng, cây xanh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giảm nhiệt đô thị, cũng đóng vai trò “lá phổi xanh” điều hòa không khí. Cây có tán đủ lớn ngoài có tác dụng che nắng, còn làm cho các bề mặt phía dưới cây xanh không bị hấp thụ bởi bức xạ mặt trời, ước tính trung bình có thể ngăn tới 80% lượng bức xạ mặt trời truyền tới. Các bề mặt này không bị nung nóng sẽ không tỏa nhiệt trở lại môi trường, làm cho nhiệt độ không khí xung quanh môi trường và dưới gốc cây ở mức khiến con người không cảm thấy khó chịu.

Bên cạnh đó, hệ thống cây xanh đô thị còn có tác dụng cải thiện khí hậu vì chúng có khả năng ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, ngăn chặn quá trình bốc hơi nước, giữ độ ẩm đất và độ ẩm không khí thông qua việc hạn chế bốc hơi nước, kiểm soát và lưu thông gió. Đồng thời, hệ thống cây xanh đô thị giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thu các tác nhân gây ô nhiễm như: CO2, NO2, SO2, CO, khói bụi; cung cấp khí O2. Không chỉ vậy, cây xanh đô thị còn có vai trò lớn trong kiến trúc, trang trí cảnh quan...

Về Ứng Hòa hôm nay, nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên bởi những hàng cây trải dài tăp tắp trên nhiều tuyến phố. Mỗi góc phố, công viên như khoác trên trên mình chiếc áo mới xanh mát. Màu xanh cây lá bao phủ như xua tan đi không khí ngột ngạt bởi cái nắng mùa hè chói chang.

Bà Hải (phố Trần Đăng Ninh, huyện Ứng Hòa) phấn khởi cho hay, chắc chắn rằng đi trên những tuyến phố có cây xanh tỏa bóng râm mát cảm nhận rõ cái nóng dịu hẳn. Trong những ngày hè, khoảng không xanh mát còn làm tâm trạng nhẹ nhàng, thoải mái hơn...

Kỳ 4: Gìn giữ những “lá phổi xanh”
Huyện Ứng Hòa tích cực hưởng ứng dự án “Một triệu cây xanh đô thị Việt Nam”. (Ảnh chụp trước 27/4).

Hiểu được những giá trị và lợi ích của việc bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã phát động và hưởng ứng nhiều chương trình hành động góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường. Trong đó, dự án “Một triệu cây xanh đô thị Việt Nam” đã được triển khai sâu rộng tới công đoàn cơ sở gắn với thực hiện xây dựng mô hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp "Xanh - sạch - đẹp”. Đồng thời, giáo dục tinh thần tự giác, khơi dậy tinh thần lao động tích cực trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh của cán bộ, đoàn viên, hội viên và đông đảo quần chúng nhân dân.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác tuyên truyền chung tay bảo vệ môi trường sống, Liên đoàn Lao động huyện Ứng Hòa đã phát động và hưởng ứng nhiều chương trình hành động góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường trên địa bàn huyện. Vận động cán bộ Công đoàn huyện tích cực thực hiện mô hình cơ quan văn minh văn hóa. Vận động công nhân viên chức lao động thực hiện công tác phủ xanh cơ quan đơn vị bằng các hoạt động như trồng cây xanh, xây dựng bồn hoa, cây cảnh, thảm cỏ… trong khuôn viên nhà máy, trụ sở đơn vị.

Bà Đỗ Thị Phương Nga, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Ứng Hòa, cho biết, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của cán bộ, công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn. 100% Công đoàn cơ sở trên địa bàn tăng cường trồng hoa, cây xanh, cây cảnh tại khuôn viên nhà trường, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện cam kết 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nước sạch; thùng rác hợp vệ sinh và thực hiện nộp phí đúng quy định; không để rác thải ứ đọng và không để nước thải ra đường phố, không phát tán khí thải độc hại chưa qua xử lý… tại vị trí cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.

Kỳ 4: Gìn giữ những “lá phổi xanh”
Nhiều tuyến phố trong nội đô, được cây xanh che chắn trong những ngày hè chói chang. (Ảnh chụp trước 27/4)

Ưu tiên triển khai nhiều giải pháp

Trong suốt những năm qua, Hà Nội đã ưu tiên triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường, xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Công tác xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước hồ cũng được Hà Nội quan tâm triển khai. Nhờ vậy, nhiều “lá phổi xanh” của Thành phố từng bước đã hồi sinh.

Từ tháng 9/2016 đến nay Thành phố đã tập trung triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thủy sinh trên 63 hồ và máy sục khí trên 52 hồ, nạo vét bùn 12 hồ. Xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, từng bước tách nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào các hồ kết hợp với cải tạo cảnh quan, chống lấn chiếm.

Kỳ 4: Gìn giữ những “lá phổi xanh”
Thành phố tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường dọc các tuyến sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... nhằm giảm thiểu ô nhiễm. (Ảnh chụp trước 27/4)

Bên cạnh đó, Thành phố tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường dọc các tuyến sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét nạo vét duy tu duy trì, nạo vét hệ thống thoát nước lòng cống, mương nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Thành phố cũng triển khai từng bước chương trình thu gom và xử lý nước thải trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy giai đoạn từ 2016 - 2020; hoàn thành công tác điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn thải lỏng đổ vào lưu vực sông (trên địa bàn các quận, huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên)...

Kỳ 4: Gìn giữ những “lá phổi xanh”
Phố Phan Đình Phùng - một trong những tuyến phố đẹp nhất Hà Nội. (Ảnh chụp trước 27/4)

Để tăng không gian xanh, Hà Nội thực hiện quy hoạch lại hệ thống cây xanh; chăm sóc, cải tạo hệ thống cây xanh trên đường phố. Sau 5 năm (từ 2016) triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh, nhiều không gian xanh đã, đang được nhân lên, đem đến những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị cho Thủ đô Hà Nội cũng như giúp cải thiện môi trường.

Đơn cử như trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), hơn 1.500 cây xanh được trồng mới thay thế cho 1.300 cây bị chặt hạ để mở rộng đường, nhiều đoạn được trồng tới 4 hàng cây. Cây xanh và mái che phía trên đã giúp hạ nhiệt đáng kể cho toàn tuyến đường dài 5 km trong những ngày nắng nóng gay gắt. Toàn bộ vỉa hè trên tuyến đường Phạm Văn Đồng cũng được trồng hai hàng cây cao lấy bóng mát cùng với nhiều loại cây cảnh thấp tầng để trang trí. Nơi đây hứa hẹn trở thành một địa điểm lý tưởng để người dân có những hoạt động thư giãn, tập thể dục sau giờ làm việc, học hành mệt mỏi.

Song song với đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Chí Công cũng được xem là con đường kiểu mẫu trong việc thiết kế, trồng và chăm sóc hệ thống cây xanh tại Hà Nội. Tuyến đường này, được trồng mới 5 tầng cây. Tầng trên cùng là cây bàng Đài Loan lá nhỏ, giáng hương cao 4-6m, phía dưới là cây cảnh trang trí như hoa giấy, điệp vàng... Nhiều người con sau bao năm đi xa, khi trở về Hà Nội, đã có sự ngạc nhiên không hề nhỏ, bởi từ sân bay Nội Bài di chuyển vào nội đô, họ thấy được sự thay đổi cảnh quan văn minh, hiện đại hai bên đường Võ Chí Công.

5 năm qua, thành phố Hà Nội đã tạo lập được những tuyến đường có hệ thống cây xanh kiểu mẫu đồng bộ về quy hoạch cảnh quan kiến trúc, tạo không gian văn minh nhưng vẫn giữ được những nét riêng tại nhiều tuyến phố, điển hình như: Đường Võ Chí Công - Võ Nguyên Giáp; Đại lộ Thăng Long (trước Trung tâm Hội nghị quốc gia), Láng Hạ, Giảng Võ, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng... Nhiều không gian xanh đang được nhân lên, đem đến những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị cho Thủ đô Hà Nội, cũng như góp phần cải thiện môi trường.

Kỳ 4: Gìn giữ những “lá phổi xanh”
Cùng chung tay bảo vệ môi trường để Thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh. (Ảnh: Trung Nguyên)

Ở các huyện ngoại thành, phong trào cải tạo ao hồ, trồng cây xanh, tạo dựng các tuyến đường hoa... cũng được triển khai rộng khắp. Thành phố đã triển khai các giải pháp để không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, giữ gìn cảnh quan môi trường gắn với lịch sử và thiết chế văn hóa của địa phương để hình thành mỗi địa phương là miền quê đáng sống, cân bằng giữa phát triển kinh tế và giữ gìn bảo vệ bản sắc, giá trị văn hóa của từng địa phương. Nhờ vậy, ngoại thành hôm nay không chỉ có thêm nhiều nhà mới, đường mới, công trình văn hóa mới... mà còn đẹp hơn nhờ những mặt ao sạch đẹp, những tuyến đường hoa rực rỡ.

Minh Phương - Tuấn Dũng

(còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này