Phòng, chống dịch Covid-19: Khác lạ từ việc ứng dụng sắc màu nghệ thuật đường phố

22:14 | 30/07/2021
(LĐTĐ) Những năm gần đây, bích họa - nghệ thuật vẽ tranh trên tường, trên vách đã không còn quá xa lạ ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, các họa sĩ vẽ bích họa hay graffiti (nghệ thuật vẽ tranh đường phố bằng cách phun sơn) đã góp phần cùng với chính quyền Thủ đô trong việc cổ động, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 một cách trực quan, sinh động và thu hút được sự chú ý rất lớn từ người dân.
Phát “phiếu ra đường”, cách làm hay để phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương - Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ truyền thống Hà Nội sau 4 ngày giãn cách xã hội: Xử phạt hơn 3 tỷ đồng các vi phạm phòng, chống dịch Covid-19

Từ nghệ thuật…

Bích họa trong văn hóa Việt Nam không thiếu, đặc biệt nó thường xuất hiện trong những ngôi chùa, miếu thờ tự. Các họa sĩ thường vẽ lên vách những sự tích rút ra từ kinh điển Phật giáo như thái tử Tất Đạt Đa xuất gia, Thích Ca Mâu Ni đắc đạo dưới gốc cây bồ đề, Đạt Ma sư tổ phái Thiền tông mang cây gậy chỉ còn một chiếc dép, hay như việc vẽ hình ảnh chúa sơn lâm, rồng, rắn,... Thậm chí, những bức bích họa trong các chùa của bà con người Việt gốc Khmer miền Tây Nam Bộ còn nhiều chủ đề hơn và đặc sắc hơn với tông màu rực rỡ, tươi vui,...

Phòng, chống dịch Covid-19: Khác lạ từ việc ứng dụng sắc màu nghệ thuật đường phố
Phòng, chống dịch Covid-19: Khác lạ từ việc ứng dụng sắc màu nghệ thuật đường phố

Theo xu hướng phát triển của xã hội, bích họa dần được thay đổi để thích ứng với sự phát triển, cảm thụ của người dân. Trong đó, bên cạnh việc gìn giữ những giá trị văn hóa cổ xưa, thì các họa sĩ đã lồng ghép việc thực hiện nghệ thuật với các nội dung mang thông điệp tuyên truyền, cổ động thông qua các bức bích họa lớn, nhiều màu sắc sinh động tại các khu đô thị, thành phố sầm uất; đặc biệt bích họa còn trở nên ý nghĩa hơn khi giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hình ảnh đã truyền đi những thông điệp quý giá đề tuyên truyền, nhắc nhở mọi người cùng nhau chia sẻ, cùng nhau thực hiện tốt công tác phòng dịch,...

Chạy dọc trên một số truyến đường của Thủ đô Hà Nội, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những bức bích họa lớn được tô vẽ cẩn thận trên những đoạn tường, góc phố. Trong đó, không ít những bức bích họa mang chủ đề “Cổ động công tác phòng, chống dịch Covid-19”. Nổi bật như trong dịp tháng 6/2021 vừa qua, trên một bức tường dài 200m, nằm trên đường Vũ Trọng Khánh (Hà Đông), Quận đoàn Hà Đông đã thực hiện tác phẩm bích họa với màu sắc đường phố tươi sáng, trong đó, nội dung thể hiện những hình ảnh về đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân, người dân đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn, đẩy lùi vi rút SARS-CoV-2,…

Phòng, chống dịch Covid-19: Khác lạ từ việc ứng dụng sắc màu nghệ thuật đường phố
Tuyên truyền phòng, chống Covid-19 trực quan, sinh động

Trước đó, loạt tranh vẽ trên các bốt điện tại hai phố Bạch Mai, Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) do Hội Cựu chiến binh quận thực hiện cũng đã “khoác áo mới” cho các bốt điện vốn dán đầy tờ rơi, quảng cáo, biến thành những bức tranh cổ động bắt mắt. Kèm theo đó là thông điệp “Cảm ơn những chiến sĩ áo trắng”, “Đeo khẩu trang khi ra đường”, “Đeo khẩu trang để bảo vệ chính bạn”, “Quyết tâm đẩy lùi vi rút Corona”, “Chúng tôi đi làm vì mọi người, mọi người hãy ở nhà vì chúng tôi”,...

Có thể thấy, cùng với việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 thông qua hệ thống truyền thanh, tuyên truyền cổ động trực quan bằng các pano, áp phích, lồng ghép với các buổi sinh hoạt đoàn thể,… thì ý tưởng tuyên truyền Covid-19 qua các bích họa lớn tại đô thị đã được các họa sĩ, cơ quan chức năng khai thác mạnh mẽ. Bởi thực tế, việc lựa chọn các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, thể hiện những bức bích họa không chỉ mang đến diện mạo mới cho phố phường mà còn truyền tải được nhiều thông điệp tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 một cách thiết thực nhất.

…Đến tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

Không chỉ ở các khu vực trung tâm Thành phố, hiện nay, việc áp dụng hình thức bích họa trong tuyên truyền, cổ động đã được một số địa phương ở Hà Nội triển khai có hiệu quả như ở huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Phúc Thọ,… Cùng với đó, một hình thức mới của bích họa là nghệ thuật graffiti hiện đang nhận được sự quan tâm lớn từ giới trẻ cũng đã được các họa sĩ lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 và đạt được hiệu ứng tích cực từ cộng đồng.

Phòng, chống dịch Covid-19: Khác lạ từ việc ứng dụng sắc màu nghệ thuật đường phố
Nghệ thuật graffiti được ứng dụng tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

Chị Thu Phương (Yên Nghĩa, Hà Đông) cho hay, đặc điểm chung của các bức bích họa hay graffiti hầu hết đều có màu sắc rực rỡ, bắt mắt, dễ thu hút sự chú ý của mọi người. Đặc biệt, các bức họa trên tường, hay góc phố đã truyền tải được thông điệp phòng, chống dịch Covid-19, cũng như giúp người dân thấy được phần nào sự khó khăn, vất vả của các y, bác sĩ, các lực lượng phòng, chống dịch tuyến đầu,…

“Các bức họa không chỉ mang ý nghĩa về nghệ thuật đường phố với những màu sắc tươi sáng, rực rỡ, mà còn giúp người dân hình dung ra được sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, thông điệp 5K của Bộ Y tế; đồng thời, cảm nhận được phần nào nỗi vất vả, căng thẳng của những lực lượng tuyến đầu đang từng ngày, từng giờ chung tay đẩy lùi đại dịch, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới”, chị Thu Phương bộc bạch.

Trước đó, họa sĩ graffiti Lê Long và các cộng sự, những người đi đầu trong việc lồng ghép hình thức cổ động, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 vào một số tác phẩm graffiti đã có những tác phẩm tạo được hiệu ứng lớn trên các trang mạng xã hội và cộng đồng như tác phẩm “Chung tay đánh bay Covid-19”. Ngoài Trung tâm Thành phố Hà Nội, các tác phẩm graffiti về tuyên truyền phòng, chống Covid-19 còn được thực hiện tại một quận, huyện ngoài thành như Long Biên, Hoàng Mai, Thường Tín,… Đặc biệt, tại một căn biệt thự ở Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông), các họa sĩ đã phủ kín hình ảnh graffiti với nội dung tuyên truyền về Trái đất xanh tươi, “truy nã” vi rút, về “lá chắn” y tế và vắc xin phòng bệnh,...

Phòng, chống dịch Covid-19: Khác lạ từ việc ứng dụng sắc màu nghệ thuật đường phố
Cả Thành phố đang nỗ lực đẩy lùi dịch Covid-19

Chia sẻ việc áp dụng tranh bích họa hay graffti trong việc lồng ghép các thông điệp tuyên truyền, cổ động phòng, chống dịch Covid-19, họa sĩ Thanh Bình cho biết, việc các họa sĩ cổ động phòng, chống dịch theo phong cách graffiti đã làm cho những bức bích họa hiện lên với nhiều gam màu độc đáo, tạo ra sức sống mới và mang tính cổ động mạnh. Ngoài ra, bích họa hay graffiti còn là những loại hình đặc biệt, có sự tương tác và kết nối chặt chẽ giữa nghệ thuật tạo hình với cộng đồng.

Đặc biệt, hiện nay việc thể hiện tuyên truyền bằng hình thức bích họa không chỉ thể hiện ở góc độ nghệ thuật, mà còn thể hiện được tính thời sự, hơi thở cuộc sống với hình thức thể hiện phóng khoáng, dễ cảm thụ. Ý nghĩa hơn đó là, bích họa, graffiti hay các nghệ thuật đường phố khác đã phát huy “nhiệm vụ” đồng hành và tiếp lửa cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này