196.332 tỷ đồng đầu tư Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

15:39 | 28/07/2021
(LĐTĐ) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng nay (28/7), các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Xây dựng nông thôn mới là tạo ra những giá trị mới, hồn cốt mới Tăng tính cạnh tranh cho nông sản mới có thể tăng thu nhập cho người dân Thực hiện chính sách tam nông bằng xây dựng nền nông nghiệp có giá trị kinh tế cao

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững...

196.332 tỷ đồng đầu tư Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng nay

Cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu...

Về kinh phí thực hiện, ngân sách Nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 39.632 tỷ đồng; ngân sách địa phương 156.700 tỷ đồng... Căn cứ các nguyên tắc nêu trên, Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể; căn cứ tổng mức vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ, bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình... Cùng với đó, Quốc hội giao Chính phủ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như ban hành quy định nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt; ban hành quy định về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan...

Giao Thủ tướng Chính phủ triển khai, thực hiện quyết định đầu tư Chương trình theo đúng trình tự được quy định tại Luật Đầu tư công; ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền; chỉ đạo tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình; chỉ đạo các địa phương thực hiện cân đối, huy động, lồng ghép và sử dụng các nguồn lực bảo đảm thực hiện hiệu quả của Chương trình.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này