Làm Công đoàn phải thấu hiểu người lao động

10:51 | 28/07/2021
(LĐTĐ) Đó là tâm niệm với nghề của nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam Vũ Thị Thanh Bình - người đã dành trọn tâm sức, trí lực cho hoạt động Công đoàn. Dù đã về hưu nhưng bà đã lưu lại ở đồng nghiệp, cán bộ, công nhân, viên chức ngành Giáo dục hình ảnh một nữ cán bộ Công đoàn năng động, nhiệt huyết, xử lý công việc nhanh gọn, thấu đáo và quyết liệt.
“Xe buýt siêu thị 0 đồng”: Mô hình sáng tạo, kịp thời hỗ trợ người lao động Thiết thực các hoạt động phòng, chống dịch và chăm lo cho đoàn viên, người lao động

“Chuyên gia” vùng sâu vùng xa

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Bình (nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam) công tác trong ngành gần 33 năm, trong đó có 30 năm làm cán bộ Công đoàn. Những năm đầu tiên, bà Bình được phân công là Tổ trưởng Công đoàn, rồi đến Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn bộ phận, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, rồi Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, bà cũng giữ nhiều trọng trách quan trọng về chuyên môn như Chủ nhiệm bộ môn Y sinh, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội…

Làm Công đoàn phải thấu hiểu người lao động
Mặc dù đã về hưu, nhưng bà Bình (đang đứng) vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội tại địa phương. (Ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid-19)

Trong 30 năm làm cán bộ Công đoàn, bà Bình đã trải qua rất nhiều kỷ niệm. Nhưng có lẽ, kỷ niệm sâu đậm nhất, ấn tượng nhất với bà là những chuyến đi vùng cao. Bà và đồng nghiệp đã miệt mài trên các nẻo đường của đất nước. Có thể kể đến là: Trường Tiểu học Cilcus huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng); trường Mầm non vùng cao huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang); trường Tiểu học huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau); trường Tiểu học Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn)… “Vì đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên mọi người vẫn thường chia sẻ, đặt cho tôi cái tên vừa vui, vừa tự hào, đó là “chuyên gia vùng sâu, vùng xa”. Đó là những ký ức, kỷ niệm không bao giờ phai mờ”, bà Bình kể lại.

Theo dòng ký ức, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhớ lại chuyến đi vào trung tuần tháng 8/2006, đoàn công tác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về khảo sát đời sống của các nhà giáo ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang). “Các đồng chí Công đoàn Giáo dục tỉnh dẫn chúng tôi thăm ngôi nhà công vụ của các thầy, cô ở một trường tiểu học sát con kênh. Nhà công vụ có 3 phòng ở, phòng đầu tiên chúng tôi bước chân vào có cặp vợ chồng mới cưới quê ở Hà Tĩnh. Thoạt nhìn, tôi cứ tưởng đó là một phòng trọ, bởi không có giường ngủ. Thay vào đó là một cái chăn mỏng để nằm. Khi trời mưa to, nước mấp mẽ vào đến tận cửa nhà. Lúc đó, tôi không thể kìm nén được cảm xúc mà rơi nước mắt”, bà Bình nhớ lại.

Điều khiến bà xúc động hơn cả là mặc dù khó khăn, vất vả nhưng những thầy, cô giáo ở đây không hề kêu ca, phàn nàn mà lựa chọn mỉm cười, vui vẻ, cố gắng mang “cái chữ” đến cho các con ở miền sông nước này. Sau chuyến đi khảo sát, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tặng cho các mái ấm của nhà giáo tỉnh Hậu Giang 10 triệu đồng, tương đương với 10 chiếc giường. Có lẽ, lúc đó chỉ có Công đoàn mới chăm lo đời sống cho nhà giáo nơi ăn, chỗ ngủ kịp thời như vậy. “Tôi vui lắm, vì chúng tôi đã chia sẻ với các nhà giáo những khó khăn, thiếu thốn, đã động viên họ bám lớp, bám trường, hết lòng vì học sinh thân yêu. Trong trí nhớ của thầy cô, chắc giờ đây họ vẫn thầm cảm ơn tổ chức Công đoàn đã đem lại cho họ niềm vui theo đúng nghĩa Mái ấm Công đoàn”, bà Bình bồi hồi xúc động.

Hay chuyến đi vào năm 2008, khi về thăm trường Tiểu học Tân Hiệp (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) cũng khiến bà Bình không thể nào quên. Thời điểm ấy, khi chứng kiến các thầy cô làm việc trong một căn phòng giản đơn, nhỏ bé, không đủ điều kiện làm việc, Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa” và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục trong cả nước.

Mãi tự hào là cán bộ Công đoàn

Làm cán bộ Công đoàn cũng là cơ hội để bà Bình được gặp, được tiếp xúc với nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu. Tại Hội nghị tổng kết phong trào “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” của ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang năm 2009, bà đã gặp cô giáo Hoàng Thị Hường, là một điển hình trong số những người “cõng chữ lên non”. Nhìn vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, nụ cười hiền dịu của cô giáo Hường, bà Bình không thể đoán được cô đã có cả hơn chục năm cắm bản, vượt khó mang “cái chữ” đến cho con em đồng bào dân tộc của mình. Cô Hường đã phải miệt mài xuống bản để vận động trẻ đến trường, thậm chí phải đi bộ 2 giờ đồng hồ vào bản để dạy chữ cho các em, giúp các em yên tâm học tập…

Chia sẻ về phẩm chất cần có của một cán bộ Công đoàn, bà Vũ Thị Thanh Bình cho biết: “Tôi nghĩ làm công tác Công đoàn trước tiên phải có lòng nhiệt tình trong mọi việc, sống chân tình và đã là cán bộ Công đoàn trước hết phải hiểu rõ về tổ chức Công đoàn, phải hiểu rõ các Bộ luật: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn… để giúp đỡ, tạo điều kiện, đảm bảo chế độ chính sách và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Phải thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng người lao động, tham gia đóng góp ý kiến đúng lúc, đúng nơi, với riêng từng người và với từng công việc của cơ quan, đơn vị”.

Từ những tấm gương điểm hình đó, bà Bình hiểu được rằng, một nữ nhà giáo đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” vừa phải nỗ lực phấn đấu, vừa phải năng động sáng tạo lại phải lo toan, chăm sóc cho gia đình, thật không đơn giản chút nào, đặc biệt là đối với các cô giáo vùng cao. “Tôi thực sự cảm phục những tấm lòng nhà giáo, họ đã động viên chúng tôi là những cán bộ Công đoàn luôn hướng về cơ sở, khiêm tốn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Và tôi luôn tự hào mình đã chọn nghề là nhà giáo và là cán bộ Công đoàn trong suốt hơn 30 năm. Chính quãng thời gian hoạt động Công đoàn đã giúp ích tôi trong hoạt động xã hội tại địa phương hiện nay”, bà Bình bày tỏ.

Nói về chặng đường xây dựng và trưởng thành của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, bà Bình cho rằng Công đoàn đã thực hiện tốt các chức năng cơ bản, cốt lõi, đó là: Chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; khơi dậy niềm tin, lòng tự hào, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo trong các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành Giáo dục và Công đoàn Việt Nam.

Đặc biệt, kể từ khi thành lập đến nay, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động lớn. Phong trào thi đua “Hai tốt” với nội dung cốt lõi là “Dạy tốt- Học tốt”, từ năm 2016, phong trào được cụ thể hoá với nội dung “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” gắn với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, góp phần khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”; phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”… Cuộc vận động “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” nhằm đẩy mạnh dân chủ hoá trường học, phát huy những phẩm chất cao quý của cán bộ, nhà giáo, người lao động.../.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này