Yêu rơm, đừng đốt!

Kỳ 1: Viết tiếp “chuyện của rơm”

21:13 | 20/07/2021
(LĐTĐ) Ai cũng biết, đốt rơm là hành động gây ô nhiễm môi trường không khí trầm trọng. Nhưng nếu không đốt rơm, người dân sẽ làm gì với chúng? Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, chúng tôi đã khám phá được nhiều câu chuyện quanh những sợi rơm vàng quen thuộc của nhà nông.
Nói không với ống hút nhựa Hiệu quả từ mô hình tranh bích họa Sông hỏi người… bao giờ xanh trở lại?!

Nhiều người cho rằng, Hà Nội bây giờ không cảm nhận vụ gặt qua hương thơm của lúa, mà là qua khói đốt rơm dọn ruộng. Dù gắn bó hàng thế kỷ với nhà nông, rơm dường như đang bị bỏ rơi, hắt hủi. Thế nhưng, bằng những mô hình xử lý rơm hiệu quả, người dân Hà Nội đang ngày càng chứng minh tình yêu rơm vẫn còn đó, như chưa bao giờ vơi cạn.

Rơm xưa và nay

Rơm, rạ gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam từ hàng nghìn đời nay. Rơm, rạ cũng tạo nên nét đẹp rất riêng của làng quê Việt Nam qua hình tượng cây rơm, mái rạ. Từ xưa đến nay, rơm rạ luôn là sản phẩm rất hữu ích, là nguồn nhiên liệu, nguyên liệu cho rất nhiều lĩnh vực sản xuất và là vật phẩm phục vụ muôn mặt đời sống sinh hoạt.

Trong đời sống, rơm là chổi quét nhà, là mũ đội đầu... Khi dân ta còn nghèo, rơm cũng trở thành những chiếc nệm ấm êm để cho nhiều gia đình nghèo chống lại những mùa đông giá rét. Từ xa xưa, cha ông ta chỉ với cây tre cùng rơm, rạ và đất bùn đã có thể làm nên ngôi nhà hoàn chỉnh, những ngôi nhà rất phổ biến ở vùng nông thôn Việt Nam. Tuy không được bền chắc lắm, song ở những ngôi nhà này lại rất mát mẻ vào mùa hè, ấm ấp vào mùa đông.

Kỳ 1: Viết tiếp “chuyện của rơm”
Rơm, rạ là nguồn tài nguyên rất quý giá

Trong sản xuất nông nghiệp, rơm là nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong những mùa thiếu cỏ, những ngày đông rét mướt. Rơm, rạ được sử dụng để làm phân bón cho cây trồng. Dân ta có nhiều cách làm phân từ rơm, rạ như đem rơm ủ lẫn với phân gia súc làm phân chuồng. Rơm, rạ cũng có thể đem vùi trực tiếp vào đất để đất thêm dinh dưỡng.

Trong sản xuất nấm rơm, nấm rạ - những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao - tất nhiên không thể không có rơm, rạ. Rơm rạ còn được dùng làm vật liệu che phủ cho cây để vừa giữ ẩm vừa giữ ấm vào ngày lạnh, làm mát vào ngày nắng nóng; dùng lót ổ cho gia súc, gia cầm.

Thế nhưng ngày nay, khi cuộc sống đổi thay, hiện đại lên từng ngày, thì rơm đã trở nên vô dụng. Người dân làm nông nghiệp bằng công nghiệp, không dùng vật cày kéo, vì vậy lượng rơm làm thức ăn cho trâu, bò không đáng kể. Xưa rơm dùng làm nhà, ngày nay đã có nhà xây bê tông, cốt thép.... Ngày nay, khi về những vùng quê, thật hiếm khi thấy những con đường phơi rơm vàng óng, những đụn rơm cao ngất làm nơi chơi chốn tìm cho trẻ nhỏ, đầu làng chú trâu khoan khoái nhai từng sợi rơm sau một ngày đi cày vất vả.

Có thể nói rơm, rạ là nguồn tài nguyên rất quý giá nhưng nay nhiều người đã quên mất giá trị của nó trong cuộc sống. Việc đốt rơm, rạ sau mỗi vụ thu hoạch đang là hiện tượng phổ biến ở nhiều nơi, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa hết sức lãng phí.

Thế nhưng, người nông dân làm gì với rơm, nếu không đốt?

Không để đất bị bạc màu, chai cứng vì đốt rơm

Sau cơn mưa mùa hè, ruộng lúa nhà chị Đặng Hồng Chúc (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) xanh mơn mởn. Bây giờ là tháng Bảy, lúa đã lên xanh, đang trong thời kỳ chuẩn bị đẻ nhánh trên thửa ruộng được chăm sóc theo cách đặc biệt của chị.

Chị Chúc vui vẻ nói: “Thửa ruộng này được bón bằng phân hữu cơ ủ từ rơm, rạ, chính vì vậy qua năm tháng đất không bị chai như ruộng chỉ bón phân hóa học. Sóc Sơn là vùng đất bạc màu, khô cằn, chủ yếu là đất cát bạc màu, cho nên việc cải tạo đất ruộng bằng phân hữu cơ không chỉ mang lại dinh dưỡng cho đất mà còn tránh cho đất bị “chai cứng” do sử dụng lượng phân hóa học lâu ngày. Đất có dinh dưỡng sẽ cho cây lúa xanh tốt và cho năng suất cao hơn”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết sau các vụ thu hoạch lúa, nông dân xã Quang Tiến đã tận dụng rơm, rạ ủ thành phân hữu cơ sinh học bón cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Cách làm này đã góp phần giảm giá thành đầu tư cho sản xuất, tạo sản phẩm an toàn khi thu hoạch, hạn chế việc người dân đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa người dân trong xã vẫn có thói quen đốt rơm, rạ ngay tại đồng ruộng. Theo quan niệm của người dân, việc đốt đồng giúp họ không tốn công và chi phí xử lý rơm rạ trên đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh trong quá trình sản xuất, tận dụng tro để cải tạo đất… Tuy nhiên, thực tế việc đốt rơm, rạ trực tiếp trên đồng ruộng đã gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mà nó mang lại. Đó là phá vỡ hệ vi sinh vật có lợi, chất dinh dưỡng, làm đất đai ngày càng thoái hóa, mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Kỳ 1: Viết tiếp “chuyện của rơm”
Ruộng lúa nhà chị Đặng Hồng Chúc lên xanh tươi, bởi trước đó, đất đã được phủ phân bón hữu cơ làm từ rơm, rạ

Từng học trong ngành Nông nghiệp, chị Chúc đã sử dụng phương pháp ủ rơm làm phân hữu cơ từ năm 2018 và vận động bà con cùng làm. Nhờ lượng phân bón hữu cơ ủ từ rơm, rạ mà mỗi vụ mùa, gần 1ha ruộng lúa của gia đình chị Chúc đã giảm được hẳn chi phí bón phân hóa học, lại có thể đảm bảo được sức khỏe cho bản thân và cho những người dân trong vùng. Hiện nay hầu hết người dân ở địa phương đều biết tận dụng rơm, rạ làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất.

“Ưu điểm của ủ rơm, rạ là sau khi ủ, tàn dư thực vật sẽ biến thành phân hữu cơ vi sinh sạch nấm bệnh, ngăn chặn nấm bệnh gây hại qua các vụ. Phân hữu cơ vi sinh có thể đem bón cho đất trước khi gieo trồng sẽ làm tăng lượng hữu cơ bổ sung cho đất, nâng cao độ phì nhiêu của đất, làm cho đất tơi, xốp, giảm bớt khoản chi mua phân hóa học. Mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh xóa đi tập tục đốt rơm, rạ tại cánh đồng, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường. Thay vì lãng phí rơm theo cách đốt bỏ như nông dân vẫn làm, việc biến rơm thành phân hữu cơ có thể giúp người dân tiết kiệm được nguồn nguyên liệu lớn để tái tạo phân bón giàu dinh dưỡng, phục vụ sản xuất nông nghiệp”, chị Chúc cho biết.

Qua thực hiện ủ phân bón hữu cơ từ rơm, rạ sử dụng thay cho phân bón hóa học, nhiều gia đình trong xã đã khẳng định tiết kiệm khá nhiều chi phí sản xuất, quan trọng hơn là sử dụng loại phân bón này giúp lúa đẻ nhánh tốt hơn, rau màu tươi tốt, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

Có thể thấy, các mô hình xử lý rơm, rạ làm phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học bước đầu cho hiệu quả. Công tác tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm, rạ đã được xã, huyện, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thực hiện tại nhiều xã, tuy nhiên việc nhân rộng cho các địa phương trong huyện vẫn còn hạn chế, ở nhiều nơi người dân chưa thực sự mặn mà bởi yếu tố mùa vụ gấp gáp, địa điểm ủ rơm, rạ không thuận tiện. Sau mỗi vụ thu hoạch, lượng rơm, rạ được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp vẫn còn ít, nông dân vẫn duy trì thói quen đốt đồng vì không có chỗ chứa rơm.

“Mô hình này cần được nhân rộng để bà con không lãng phí nguồn nguyên liệu rơm, rạ sau mỗi vụ thu hoạch, tạo ra sản phẩm phân bón hữu ích cho nông nghiệp, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững”, chị Chúc chia sẻ.

Kỳ 1: Viết tiếp “chuyện của rơm”
Ruộng của bà con nông dân xã Quang Tiến (Sóc Sơn) mơn mởn vào tháng 7

Chị Chúc cũng cho biết, trước đây, khi thực hiện ủ rơm bằng chế phẩm vi sinh, bà con phải gom rơm, mang rơm về tập trung để ủ, nhưng sau này, chị đã nghiên cứu cách làm mới là ủ rơm từ ruộng. Sau vụ mùa, trước khi cày ruộng để chuẩn bị cấy vụ sau, chị mang chế phẩm ra rải xuống ruộng, hôm sau cày lên gốc rạ sẽ được lật úp, sau khi có nước, chế phẩm vi sinh sẽ tạo sự phân hủy mục gốc rạ, tạo thành phân hữu cơ. Cách làm này không tốn công thu gom rơm. Chị Chúc cũng đã phổ biến cách làm này cho bà con trong xã cùng làm, mang lại hiệu quả cao hơn.

Theo chị Chúc, nếu ủ được rơm làm phân vi sinh sẽ hạn chế được ngộ độc đất. Hơn nữa khi dùng cách đốt rơm, vẫn còn gốc rạ, thời gian để rạ mục rất lâu, làm cho đất ngày một chai cứng, cây lúa sẽ không lấy đủ dinh dưỡng trở nên khô cằn. Tuy nhiên, điều này phải qua nhiều năm người dân mới nhận ra cho nên trước mắt vẫn chưa ý thức được sự ảnh hưởng nghiêm trọng của việc đốt rơm, rạ.

“Đốt rơm ảnh hưởng đến môi trường, điều đó là tất nhiên, nhưng đốt rơm trên ruộng sẽ làm cho các vi sinh trong đất chết dần, qua nhiều năm khai thác không trả lại được chất hữu cơ cho đất khiến cho đất bị chai, không thể canh tác”, chị Chúc khẳng định thêm.

Được biết, với mong muốn tạo một không gian xanh - sạch - đẹp cho mỗi làng quê, hướng tới mục tiêu sản xuất sạch, góp phần hình thành một nền nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường từ tháng 6/2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn đã triển khai mô hình “biến” rơm, rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng đến tận bà con, hội viên phụ nữ các xã. Hy vọng mô hình này sẽ được 100% người nông dân đón nhận và thực hiện để việc đốt rơm, rạ trên toàn huyện Sóc Sơn sẽ được “xóa xổ”, vùng đất Sóc Sơn sẽ không còn bị khói bụi che mờ sau mỗi vụ mùa.

Loài nấm lên hương từ đụn rơm

Chắc hẳn những người nỡ mang rơm ra đốt sẽ cảm thấy nuối tiếc khi những sợi rơm vô tri vừa bị biến thành tàn tro ấy lại có thể mang lại hàng tỷ đồng cho những người biết “yêu” rơm hơn. Từ mô hình trồng nấm rơm, nhiều hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội đã được lợi từ hàng tấn rơm sau mùa vụ.

Men theo con đường nhỏ xã Liên Hà (huyện Đông Anh), chúng tôi đến cơ sở sản xuất nấm Vân Hương nằm tại một khu đất bao quanh là những đồng lúa đang mùa đẻ nhánh, xanh mượt một vùng. Cơ sở sản xuất nấm có diện tích rộng, có đầy đủ các trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ cho công việc sản xuất nấm.

Kỳ 1: Viết tiếp “chuyện của rơm”
Nhà bà Phạm Thị Vân (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) dùng máy cuốn rơm để thu gom hàng chục tấn rơm cho việc trồng nấm

Chia sẻ với chúng tôi, bà Phạm Thị Vân cho biết, gia đình bà bắt đầu trồng nấm từ năm 2014, tuy nhiên, phải tới năm 2016 mới quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Dưới sự hỗ trợ của huyện Đông Anh, từ một xưởng sản xuất với trang thiết bị đơn giản, gia đình bà Vân đã được hỗ trợ đầu tư một số máy móc phục vụ công việc sản xuất nấm như cabin hấp, nồi hơi, máy đóng bịch… Các loại máy móc được đầu tư đã phát huy hết thế mạnh của mình, giúp nấm sinh trưởng phát triển tốt và làm giảm thiệt hại trong quá trình nuôi trồng.

Cũng nhờ sự quyết tâm, kiên trì và tình yêu với nghề trồng nấm, sau một thời gian trồng và chăm sóc nấm, bà Vân đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho mình. Những loại nấm bà trồng đều được đánh giá cao về chất lượng cũng như hình thức. Mô hình trồng nấm của gia đình bà hiện cũng là một trong những xưởng sản xuất có quy mô lớn trong xã Liên Hà, được nhiều khách hàng biết tới.

Kể từ khi đầu tư phát triển mô hình trồng nấm tới nay, mô hình trồng nấm đã đưa lại nguồn thu ổn định cho gia đình bà Vân. Được biết, gia đình bà đang sản xuất và cung cấp cho thị trường 3 loại nấm chủ yếu bao gồm: Nấm rơm, nấm sò và nấm mỡ. Giá nấm trên thị trường cũng luôn giữ ổn định qua các năm. Với nấm sò dao động 30-50 nghìn đồng/kg, nấm rơm dao động trên 100 nghìn đồng/kg, nấm mỡ có giá khoảng 120 nghìn đồng/kg.

So với việc trồng rau, trồng lúa thì lợi nhuận từ nấm cao hơn nhiều lần. Đặc biệt, công việc tại xưởng nấm đã giúp gia đình bà Vân không phải làm thuê bên ngoài mà vẫn có thu nhập ổn định. Xưởng nấm cũng là nơi tạo công ăn việc làm thời vụ cho người lao động lúc nông nhàn với thu nhập từ 25-30 nghìn đồng/giờ.

Kỳ 1: Viết tiếp “chuyện của rơm”
Bà Phạm Thị Vân và chị Phạm Khánh Hương đang chăm sóc nấm tại cơ sở sản xuất của gia đình

Để có được thành quả như ngày hôm nay, bà Vân chia sẻ: “Một năm, cơ sở làm 2 vụ nấm chính. Vụ nấm rơm mùa hè là từ tháng 4 đến tháng 7, còn nấm mỡ mùa đông từ tháng 10 đến 3 năm sau. Như vậy, rơm thu về phải được xử lý từ tháng 10”.

Thật ngạc nhiên khi bà Vân cho biết số lượng rơm mà cơ sở Vân Hương thu gom từ bà con xã Liên Hà mỗi vụ mùa lên đến trên dưới 10 tấn, tính cả năm cho hai vụ là hơn 20 tấn. Trước đây bà con thu rơm bằng tay rất vất vả, giờ đây xã đã có máy cuốn rơm cho năng suất cao hơn. Cơ sở sản xuất nấm cũng vận động bà con thu gom rơm bán với giá 250 nghìn đồng/1 tạ. Số tiền bán rơm tuy không đáng kể nhưng cũng giúp bà con giảm thiểu đốt rơm, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Cùng với việc phát triển kinh tế từ nghề trồng nấm, cơ sở nấm Vân Hương cũng đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Nếu như trước đây qua mỗi vụ gặt người dân trong xã thường đốt rơm, rạ thì nay tình trạng trên đã được cải thiện. Theo chị Phạm Khánh Hương, người đồng quản lý cơ sở nấm Vân Hương, thời điểm trong vụ gặt, cơ sở phải thuê người đi thu mua rơm, rạ để dự trữ. Có gia đình sau khi thu hoạch còn chở rơm tới tận xưởng bán. Do đó, trên địa bàn thôn không có người đốt rơm, tình trạng môi trường cũng được cải thiện rất nhiều.

Chị Hương cho biết, có được kết quả trên là nhờ vào đề án hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm rơm do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh thực hiện. Theo đó, rất nhiều hộ gia đình tại huyện Đông Anh đã tham gia lớp tập huấn trồng nấm và tận dụng nguồn rơm, rạ để làm nguyên liệu trồng nấm, tăng thu nhập khi mùa vụ kết thúc.

Bảo Thoa

(còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này