Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội:

Khẩn trương hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19

16:17 | 19/07/2021
(LĐTĐ) Nhằm nhanh chóng đưa chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đến với người lao động, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã khẩn trương quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp, chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi trong tổ chức, thực hiện để các đối tượng được nhận hỗ trợ một cách sớm nhất, kịp thời nhất, đảm bảo đúng các quy định.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách Không được phát sinh thêm thủ tục hành chính nào khi triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ Ngừng việc, nghỉ việc do Covid-19, người lao động được hỗ trợ thế nào?

Tạo thuận lợi để các đối tượng được nhận hỗ trợ sớm nhất

Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy trình nghiệp vụ, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ đối với 100% viên chức trực tiếp làm công tác này để mỗi viên chức tiếp thu tinh thần, cũng như các giải pháp triển khai cụ thể.

Hà Nội: Khẩn trương hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19
Bảo hiểm xã hội Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ sớm nhất, kịp thời nhất mà vẫn đảm bảo đúng quy định.

Bảo hiểm xã hội Thành phố cũng đã kịp thời ban hành Quyết định số 1786/QĐ-BHXH ngày 16/7/2021 thành lập Tổ Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, Tổ Chỉ đạo giúp Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội chỉ đạo, điều hành việc phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong phạm vi trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.

Tổ chỉ đạo có nhiệm vụ kiểm tra; đôn đốc; báo cáo kết quả: Việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đối với các đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội. Đồng thời, Tổ Chỉ đạo đề xuất báo cáo cơ quan cấp trên giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong phạm vi trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.

Bảo hiểm xã hội Thành phố giao nhiệm vụ cụ thể, phân quyền và trách nhiệm rõ ràng cho các phòng nghiệp vụ và Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã trong toàn hệ thống. Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ Bảo hiểm xã hội Thành phố, Giám đốc Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và hướng dẫn số số 1988/BHXH-TST của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg mới đây, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phổ biến, quán triệt đến toàn thể viên chức, người lao động nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Công văn và Công văn số 1988/BHXH-TST đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, điều kiện trong thực hiện chính sách hỗ trợ.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố giao Văn phòng, Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã bố trí nơi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ưu tiên, thuận tiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính đối với các trường hợp người lao động và đơn vị nộp hồ sơ theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và Công văn số 1988/BHXH-TST.

Đặc biệt, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của các đơn vị sử dụng lao động và người lao động chuyển đến, viên chức phải giải quyết với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, phối hợp kịp thời, linh hoạt, nhịp nhàng giữa các bộ phận, giảm thời gian tối đa để người lao động và người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ một cách sớm nhất, kịp thời mà vẫn đảm bảo đúng quy trình, quy định, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách. Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Thành phố cần chủ động trong việc xác nhận, tiếp nhận hồ sơ đề nghị, không để tình trạng nhận hồ sơ rồi trả lại, đề nghị bổ sung hoặc hồ sơ không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do.

“Bảo hiểm xã hội Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi trong tổ chức, thực hiện để người lao động và người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ một cách sớm nhất, kịp thời nhất mà vẫn đảm bảo đúng quy định, góp phần giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế’’, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Nguyễn Đức Hòa khẳng định.

Đã sẵn sàng chi hỗ trợ tới đối tượng thụ hưởng

Để hỗ trợ kịp thời người lao động và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ dữ liệu quản lý Thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rà soát đối tượng, điều chỉnh ngay mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Hà Nội: Khẩn trương hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19
Bảo hiểm xã hội Thành phố chỉ đạo: Ciệc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của các đơn vị sử dụng lao động và người lao động chuyển đến, viên chức phải giải quyết với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Chia sẻ thêm về gói hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa được ban hành, có hiệu lực từ 7/7/2021, người lao động và người sử dụng lao động thuôc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, với các điều kiện: Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 4/2021.

Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm bao gồm: Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật trừ đi số lao động mới giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày người sử dụng lao động có văn bản đề nghị; số lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng; số lao động đang nghỉ việc không hưởng tiền lương mà thời gian nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng; số lao động đang ngừng việc mà thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm tại khoản 1 Điều này chỉ bao gồm người làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; không bao gồm người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/5/2021.

Về thủ tục, người sử dụng lao động sẽ lập hồ sơ theo Mẫu số 01 kèm theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội, có thể gửi qua giao dịch điện tử, cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia.

Còn đối với những đơn vị chưa thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội, có thể giao dịch trực tiếp tới cơ quan Bảo hiểm xã hội. Thời gian nhận và xử lý hồ sơ giấy, không quá 4 ngày theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Thông tin thêm về việc giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bà Dương Thị Minh Châu cho biết: Theo quy định Chương 1, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, mức đóng vào Quỹ sẽ được giảm về 0%.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, mức tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là 0,5% hoặc 0,3% trên tổng số mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp sẽ được dành cho chủ sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động trong việc phòng, chống dịch Covid-19.

Về thời gian áp dụng là 12 tháng, từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022. Về thủ tục hồ sơ, người lao động và người sử dụng lao động không phải thực hiện mà do cơ quan Bảo hiểm xã hội hằng tháng căn cứ vào dữ liệu đang quản lý sẽ điều chỉnh mức đóng từ 0,5% hoặc 0,3% xuống 0%. Và sẽ có thông báo đến cho cơ quan bảo hiểm xã hội về số tiền người ta được hỗ trợ là bao nhiêu.

Bày tỏ niềm vui khi đón nhận chủ trương hỗ trợ từ Chính phủ, ngành Bảo hiểm xã hội đến với người lao động, anh Nguyễn Hồng Phúc ở Sóc Sơn (Hà Nội) băn khoăn khi mình thuộc đối tượng tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, vậỵ, có được hưởng chế độ không và thủ tục sẽ tiến hành như nào?

Về việc này, bà Dương Thị Minh Châu cho biết rõ thêm: Lao động được hỗ trợ phải tạm hoãn hợp đồng từ 15 ngày trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Thời điểm tạm hoãn hợp đồng lao động phải nằm trong khoảng thời gian trên, đồng thời người lao động phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm bạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng, hoặc nghỉ việc không hưởng lương; đơn vị của người lao động phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phòng, chống dịch Covid-19. Như vậy, mới đủ điều kiện hưởng. Về thủ tục hồ sơ, người lao động không phải làm mà sẽ do đơn vị sử dụng lao động thực hiện.

Cũng theo bà Dương Thị Minh Châu, người lao động, người sử dụng lao động nếu có băn khoăn, cần được hỗ trợ, có thể liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội gần nhất để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

1.439.694 lao động sẽ được hỗ trợ hơn 643 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, đến ngày 18/7/2021, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã gửi thông báo về số tiền có được do giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến 87.563 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố (đạt 100% số đơn vị) để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, số lao động được giảm mức đóng là 1.439.694 lao động; tổng số tiền (tạm tính) được giảm mức đóng 12 tháng từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022 là 643.320.480.238 đồng.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này