Không chủ quan lơ là trong phòng, chống dịch

09:10 | 08/07/2021
(LĐTĐ) Sau 8 ngày Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới, ngày 5/7 đã xuất hiện 2 ổ dịch, với 10 ca mắc Covid-19 có nguy cơ bùng phát cao. Đáng lo ngại, khi Thành phố cho phép mở lại một số dịch vụ nhằm đảm bảo đời sống nhân dân, thì nhiều người xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, thậm chí còn trốn khai báo y tế gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và ảnh hưởng tới nhiều người xung quanh.
Xử lý nghiêm chợ cóc, hàng quán vi phạm phòng, chống dịch Covid Kịp thời, sát sao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Trốn khai báo y tế

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong các ngày 5-7/7 Hà Nội đã ghi nhận 2 ổ dịch, với 14 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong đó, 5 ca bệnh ghi nhận tại huyện Đông Anh, 7 ca tại huyện Mỹ Đức, 1 ca tại quận Hoàng Mai và 1 ca về từ thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá về nguy cơ các ổ dịch này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho hay: Ổ dịch ở huyện Đông Anh có nguy cơ cao do những ca mắc Covid-19 mới làm việc ở khu công nghiệp, tiếp xúc nhiều người.

Không chủ quan lơ là trong phòng, chống dịch
Tiêm vắc xin một trong những giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Đáng chú ý, ca bệnh đầu tiên tại Đông Anh là H.V.H. (sinh năm 1986, bảo vệ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Linh kiện điện tử SEI Việt Nam - Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long người có kết quả dương tính ngày 5/7) vi phạm về quy định khai báo y tế. Cụ thể, trường hợp này có tiếp xúc với ca bệnh dương tính ở Bắc Giang trong ngày 26-27/6 nhưng không khai báo. Từ ngày 28/6 đến ngày 3/7, anh H. vẫn đi làm. Ngày 1/7, anh H. bị ho, sốt, y tế cơ quan có yêu cầu trường hợp này về nghỉ và khai báo ở Trạm Y tế xã nhưng người này không thực hiện. Trường hợp anh H.V.H giấu việc đi, đến, ở vùng có nguy cơ cao khiến công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn. Từ ca bệnh này đã lây sang 3 trường hợp F1, trong đó có một công nhân làm ảnh hưởng tới đời sống 2.000 công nhân khác…

Từ ca bệnh đầu tiên, ở Đông Anh đã rà soát được 61 trường hợp F1, trong đó 3 ca có kết quả xét nghiệm dương tính, 46 ca có kết quả âm tính lần 1, 12 trường hợp đang được lấy mẫu. Số người liên quan trong khu vực ổ dịch là 1.804 trường hợp đã được lấy mẫu, 1.789 mẫu âm tính lần 1. Còn ở ổ dịch Mỹ Đức đã truy vết được 81 trường hợp F1 và đang xét nghiệm. Số người liên quan là 28 và đã lấy mẫu được 16 trường hợp. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố, hiện tất cả các khu vực liên quan đến các ca mắc Covid-19 mới đều được phong toả, phun khử khuẩn, các trường hợp tiếp xúc và có liên quan tiếp tục điều tra, truy vết. Hiện cả hai ổ dịch mới cơ bản đã được khống chế.

Xét nghiệm ngẫu nhiên người về từ vùng dịch

Nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, hiện dịch đang được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ mắc ngoài cộng đồng ở mức cao. Tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch, ca bệnh tại nhiều địa điểm, nhiều ca bệnh không rõ yếu tố dịch tễ, từ các ca bệnh, ổ dịch này đã lây lan ra các địa phương khác. Một số ca bệnh ghi nhận tại địa phương khác nhưng có lịch sử đi lại, lưu trú tại Hà Nội và có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho người của Hà Nội.

Bởi vậy, trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành và người dân về công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao. Tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chiến lược phòng, chống dịch của Thành phố đó là 5K và vắc xin; đồng thời tuyên truyền về việc đảm bảo an toàn tại các khu vực nguy cơ như nhà máy, công xưởng, cơ sở sản xuất an toàn; trường học an toàn; bệnh viện an toàn; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ an toàn…

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, trọng tâm, các đơn vị duy trì chế độ thường trực 24/24/7 để sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp truy vết thần tốc, khoanh vùng xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch nhỏ lẻ, không để bùng phát thành ổ dịch lớn. Trước mặt cần tập trung khoang vùng xử lý dịch, thần tốc truy vết, cách ly các trường hợp liên quan (F1, F2) tới các ca mắc mới tại Đông Anh, Mỹ Đức, Hoàng Mai.

Song song với đó, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chế xuất. Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người lao động nghiêm túc khai báo y tế. Đối với các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra việc chấp hành các chỉ đạo của Thành phố về công tác phòng, chống dịch, nhất là khi Thành phố cho phép mở lại một số dịch vụ nhằm đảm bảo đời sống của nhân dân…

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, hiện dịch đang được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ mắc ngoài cộng đồng ở mức cao.

Tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch, ca bệnh tại nhiều địa điểm, nhiều ca bệnh không rõ yếu tố dịch tễ, từ các ca bệnh, ổ dịch này đã lây lan ra các địa phương khác. Một số ca bệnh ghi nhận tại địa phương khác nhưng có lịch sử đi lại, lưu trú tại Hà Nội và có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho người của Hà Nội.

Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội sẽ kết hợp với Sở Y tế tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở các khu vực, cơ sở có nguy cơ, xét nghiệm sàng lọc cho người về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như thành phố Hồ Chí Minh; đối tượng là lái xe đường dài Bắc Trung Nam. Liên quan tới vấn đề này, ngay trong ngày 6/7, Sở Y tế Hà Nội cũng đã gửi công văn yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đánh giá nguy cơ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Cụ thể, người dân trên các chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên từ ngày 6/7 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc mẫu gộp xét nghiệm RT-PCR. Sở Y tế Hà Nội giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội là đầu mối, phối hợp Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn và Mê Linh triển khai xét nghiệm và tổng hợp kết quả. Kết quả các mẫu xét nghiệm này phải được báo cáo lại cho Sở Y tế Hà Nội vào 17 giờ hàng ngày. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn và Mê Linh sẽ tiếp tục cử 5 cán bộ/đơn vị luân phiên phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội trong quá trình xét nghiệm.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã chuẩn bị kịch bản chống dịch ở ba cấp độ 300 giường, 500 giường và 1.000 giường điều trị Covid-19. 41 bệnh viện trong Thành phố được huy động “tham chiến”, vừa điều trị F0 vừa tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bắc Thăng Long điều trị các bệnh nhân Covid-19.

Hiện các bệnh viện của Thành phố đang điều trị 43 bệnh nhân F0 (9 bệnh nhân tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, 30 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Thanh Nhàn) và 39 bệnh nhân nghi ngờ là F1 và F2 có triệu chứng. Ngành Y tế đã tổ chức tập huấn về chăm sóc và phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 cho các bệnh viện đang trực tiếp điều trị bệnh nhân F0 và bệnh nhân nghi ngờ. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra an toàn phòng, chống dịch tại các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình phòng, chống dịch tại các khu điều trị bệnh nhân F0 và bệnh nhân nghi ngờ.

Thời gian qua công tác phòng, chống dịch của Thành phố được triển khai một cách chủ động, quyết liệt, đồng bộ nên cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường,Hà Nội vẫn xuất hiện các ca mắc mới ngoài cộng đồng. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong thực hiện các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch, thì ý thức, tinh thần trách nhiệm và sự tự giác của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. /.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này