Nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động

07:45 | 08/07/2021
(LĐTĐ) Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người lao động, khiến tỉ lệ thất nghiệp của cả nước và Hà Nội tăng cao. Mặc dù vậy, với những biện pháp linh hoạt, quyết liệt, chủ động vượt khó, 6 tháng đầu năm, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 100.000 lao động, đạt hơn 60% kế hoạch cả năm, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội giải quyết việc làm cho gần 100.000 lao động trong 6 tháng đầu năm Nỗ lực giải quyết việc làm trong bối cảnh dịch bệnh Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Gần 100 ngàn lao động được giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 100.000 lao động, đạt hơn 60% kế hoạch cả năm, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được là nhờ các cơ quan chức năng của Thành phố luôn tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tự tạo việc làm.

Tổng số tiền Thành phố cho vay để giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm là 1.282 tỷ đồng. Ngoài ra, Hà Nội cung cấp thông tin đa chiều về thị trường lao động, tổ chức hơn 111 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, lưu động, trực tuyến, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận với thị trường lao động... Ngoài ra, có 950 lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động; 46.556 lao động được cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác.

Nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động
Người lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh ngày 3/4/2021. Ảnh minh họa

Với kịch bản xấu nhất là những tháng tiếp theo của năm 2021, dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng không kiểm soát được, hoạt động kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này sẽ khiến các hoạt động công nghiệp, dịch vụ phục vụ thị trường nội địa suy yếu, ví dụ như các hoạt động đầu tư, xây dựng, du lịch sẽ không được triển khai. Số mất việc làm hàng tháng trên địa bàn dự báo sẽ tăng cao, dự kiến khoảng 10.000-12.000 người và số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 60-70%.

Trước thực tế này, thời gian tới, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến cuối năm 2021, toàn Thành phố phấn đấu giải quyết việc làm tối thiểu cho 160.000 lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị dưới 4%, chung toàn Thành phố dưới 3%.

Tăng cường giải quyết việc làm cho người lao động qua việc cho vay vốn

Thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND về nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Thành phố, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Kế hoạch hướng tới tập trung nguồn lực từ ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Về chỉ tiêu, nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố năm 2021 đã được bổ sung sang Ngân hàng Chính sách Thành phố là 550 tỷ đồng và sẽ bổ sung giai đoạn 2022-2025 là 2.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm bổ sung 500 tỷ đồng.

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Thành phố được triển khai thực hiện theo nguyên tắc đối tượng cho vay là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Về việc làm, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn ủy thác của ngân sách Thành phố sẽ góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định bình quân cho 31.000 lao động/năm, tương đương 19% chỉ tiêu giải quyết việc làm của Thành phố hằng năm giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, năm 2021, thu hút, tạo việc làm ổn định cho khoảng 25.100 lao động; năm 2022 là 28.000 lao động; năm 2023 là 31.000 lao động; năm 2024 là 34.000 lao động; năm 2025 là 37.000 lao động. Về chỉ tiêu chất lượng tín dụng, tỷ lệ thu nợ/nợ đến hạn tại Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố tối thiểu đạt 98%; nợ quá hạn duy trì ở mức dưới 0,05%.

Về chỉ tiêu giảm nghèo, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025 cơ bản thành phố Hà Nội không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trương tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, cơ quan liên quan và mọi tầng lớp nhân dân trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.

Thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa hoạt động tín dụng chính sách trở thành công cụ hữu hiệu cho cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn đồng thời huy động, tập trung các nguồn lực xã hội về một đầu mối là Ngân hàng chính sách xã hội, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách ổn định, bền vững.

Ủy ban nhân dân Thành phố và quận, huyện, thị xã quan tâm bố trí ngân sách hằng năm chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay giải quyết việc làm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Thành phố giao các ngành, địa phương cần đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương tín dụng chính sách của Chính phủ và thành phố Hà Nội để mọi người dân trên địa bàn đều hiểu và tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi nếu có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn.

Các ngành, địa phương tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động ủy thác vay vốn của các tổ chức chính trị - xã hội, chất lượng hoạt động các điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã, phường, thị trấn, đảm bảo chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng.

Gắn việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, an sinh xã hội cũng như các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu các cấp, các ngành có thẩm quyền xem xét giải quyết những vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng thụ hưởng tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính sách.../.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này