Đề xuất tăng mức trợ cấp cho người lao động mất việc do dịch Covid-19

20:14 | 23/06/2021
(LĐTĐ) Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp (Hepza) kiến nghị thành phố Hồ Chí Minh tăng mức trợ cấp mất việc do dịch Covid-19, đồng thời không cần phải có đơn đề nghị hỗ trợ của người lao động.
Cần sớm xây dựng Đề án thành lập Trung tâm tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người lao động Những lúc khó khăn nhất Công đoàn càng quan tâm, chăm lo cho người lao động Tập trung chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh một số giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp kiến nghị thành phố điều chỉnh tăng mức trợ cấp đối với người lao động mất việc (bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19). Theo đó, mức trợ cấp đối với các trường hợp mất việc vào năm 2020 là 1 triệu đồng/tháng (áp dụng 3 tháng 4, 5 và 6).

Ban Quản lý cũng đề nghị bỏ bớt thủ tục phải có đơn đề nghị hỗ trợ của người lao động, vì đã có danh sách do công ty lập, có xác nhận của bảo hiểm xã hội. Mặt khác, khi công ty thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc không lương, hầu hết người lao động đều về quê, yêu cầu người lao động quay lại thành phố để ký đơn là gây khó khăn cho họ.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng kiến nghị giảm giá tiền điện, tiền nước đối với chủ nhà trọ công nhân, ký túc xá hoặc nhà lưu trú công nhân; khuyến khích các chủ nhà giảm tiền trọ cho công nhân.

Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có chính sách hỗ trợ vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, bảo lãnh các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19. Ngoài ra, ân hạn tiền gốc đối với những khoản đã vay và gia hạn thời gian thanh toán lãi đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19.

Đề xuất tăng mức trợ cấp cho người lao động mất việc ở thành phố Hồ Chí Minh
Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp kiến nghị thành phố Hồ Chí Minh tăng mức hỗ trợ cho công nhân.

Giảm chi phí và gia hạn thời gian thanh toán tiền điện, nước cho các doanh nghiệp; không tính lãi chậm nộp và đảm bảo cung cấp đủ điện, nước cho doanh nghiệp sản xuất.

Ngoài ra, Ban quản lý kiến nghị thành phố rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (đặc biệt là thủ tục về đất đai, xuất nhập khẩu hàng hóa), tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn vay; chỉ đạo cơ quan thuế nhanh chóng giải quyết các trường hợp hoàn thuế cho doanh nghiệp đủ điều kiện.

“Thành phố chỉ đạo hệ thống các siêu thị rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng; tránh hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu; sớm ban hành các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, chỉ đạo các sở/ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể”, văn bản kiến nghị nêu rõ.

Liên quan đến các gói hỗ trợ của Chính phủ, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020 như: Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn; tiếp tục thực hiện giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ thuế 2021 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu 2021 không quá 200 tỷ đồng.

Các gói vay trả lương cho người lao động, kiến nghị Chính phủ tăng thời hạn cho vay lên 12 tháng, với lãi suất 0%; mở rộng nguồn vay ngoài Ngân hàng chính sách xã hội, có thể vay từ các tổ chức tín dụng khác theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để doanh nghiệp giảm áp lực về tiền lương, doanh nghiệp có nguồn vốn lưu động nhất định để tái sản xuất.

Chính phủ sớm ban hành các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các thủ tục hỗ trợ này cần đơn giản, ngắn gọn, giải quyết nhanh để kịp hỗ trợ.

Đồng thời, theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện chỉ hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất và giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, Ban Quản lý kiến nghị Chính phủ bổ sung khoản hỗ trợ giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội từ 6 - 12 tháng để doanh nghiệp ổn định, phục hồi sản xuất.

Tân Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này