Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

06:53 | 21/06/2021
(LĐTĐ) Bác Hồ kính yêu không chỉ là lãnh tụ của dân tộc, danh nhân văn hóa của nhân loại mà còn là người sáng lập và chỉ đạo báo chí cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, theo dòng chảy của cách mạng, của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Báo chí luôn đồng hành với sự phát triển của Thủ đô Góp phần phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam Luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ

Suốt cuộc đời, Người chỉ có một ham muốn “một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính điều này đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, tìm ánh sáng soi đường cho dân tộc trên con tầu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin vào ngày 5/6/1911 với đôi bàn tay và câu nói đã đi vào huyền thoại: “Đây, tiền đây. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để sống, để đi và để quay về cứu đồng bào mình”.

Người phát hiện ra con đường giải phóng dân tộc chỉ có thể thực hiện được khi gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân, giai cấp tiên tiến nhất đại diện tổ chức này lãnh đạo. Người đã lựa chọn báo chí làm vũ khí đấu tranh cho hoạt động cách mạng, xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, giải phóng con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam
Bác Hồ - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Người làm báo ngay trong hoạt động thực tiễn và đấu tranh cách mạng. Từ khi giác ngộ Chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (1920), Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo cách mạng La Paria (Người cùng khổ) - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, là tờ báo đầu tiên do Người sáng lập. Mục đích của La Paria là tố cáo tội ác xâm lược của bọn thực dân đế quốc, thức tỉnh người lao động ở các thuộc địa hướng tới giác ngộ, tập hợp lực lượng giải phóng dân tộc.

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp đã viết trong lời giới thiệu cuốn sách “Dấu ấn của nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chính Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc” do giáo sư Đỗ Quang Hưng và tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan sưu tầm, biên soạn: “Hơn 90 năm đã trôi qua kể từ khi Bác Hồ viết bài báo đầu tiên, báo chí Việt Nam hôm nay đã phát triển mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng, cả nội dung và hình thức, tính chuyên nghiệp và đội ngũ những người làm báo, đủ các loại hình: Báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử, cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhà báo là những chiến sĩ cách mạng và cây bút trang giấy chính là những vũ khí đấu tranh sắc bén. “Bài báo là tờ hịch cách mạng”, người làm báo phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa. “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng trong bài “Nguyễn Ái Quốc – Người khơi nguồn một dòng báo, một sự nghiệp” đã cho rằng, báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc lập ra ở Quảng Châu (Trung Quốc) - số đầu ra ngày 21/6/1925 - là mở đầu cho cả một dòng báo chí cách mạng của nước Việt Nam mới.

Kể từ khi tờ báo độc đáo này xuất hiện đã thu hút ngay sự chú ý của giới mật thám thực dân, của những nhà nghiên cứu của Quốc tế Cộng sản, và tất nhiên của đông đảo bạn đọc là các nhà cách mạng trẻ tuổi thuộc thế hệ đầu tiên do chính người sáng lập tờ báo là Bác Hồ tổ chức và rèn luyện, đông đảo những người lao động nghèo khổ đang mơ giấc mơ giải phóng bất chấp sự đe dọa của thực dân pháp đối với việc truyền tay nhau đọc mỗi số Thanh Niên mà có thể phải chịu 3-5 năm tù.

Cũng giống như cuốn “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, những trang báo Thanh niên ngay từ những số đầu đã là cuốn sách gối đầu giường của những người yêu nước và cách mạng, chứa đựng biết bao nhiệt huyết của những người đi khai sơn phá thạch cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, cho sự ra đời của nước Việt Nam mới.

Tờ báo có 4 trang, in theo lỗi viết bút sắt trên giấy sáp, gợi cho bất cứ ai thấy được tận mắt cái gì đó rất Hồ Chí Minh. Đành rằng, sau Bác Hồ còn đồng chí Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu giúp sức biên tập bài vở, nhưng rõ ràng Người vẫn đảm trách dường như tất cả từ bài viết đến việc in báo.

Có lẽ Bác Hồ trong những ngày đầu tiên ấy, không những thấm nhuần sâu sắc luận đề của Lênin về báo chí cách mạng, mà Bác còn hiểu rõ những đặc tính của một dân tộc trong nông dân, giai cấp công nhân mới ra đời còn quá non trẻ và người dân chưa hiểu “Chủ nghĩa xã hội” là gì để xác định cho Thanh niên một phong trào làm báo cách mạng Việt Nam.

Trong khuôn khổ hạn hẹp của con chữ, bài dài nhất, có khi đăng tải thành 2-3 kỳ cũng chỉ dưới 1.000 chữ, phổ biến 300-500 chữ, cá biệt có bài chỉ có 3 câu, Nguyễn Ái Quốc vẫn truyền tải được những nội dung to lớn của dân tộc và thời đại. Chỉ một ví dụ về một xưởng đóng giầy, Bác đã cắt nghĩa khái niệm kinh tế học nào là “giá trị thặng dư” của Mác, với hai mẩu chuyện khác, Bác có thể giải thích khái niệm “Chuyên chính vô sản” và “Nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang” của Lênin.

“Như vậy, việc hình thành và phát triển dòng báo chí cách mạng tự do nó đã là một thành tựu quan trọng trong cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp của Đảng ta trước Cách mạng tháng Tám, theo những nguyên tắc xây dựng và hoạt động mà tờ báo đầu tiên của Bác Hồ đã đặt nền móng.

Dù khi được xuất bản công khai hợp pháp (duy nhất trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936 - 1939) hay khi tồn tại trong thế giới bí mật bất hợp pháp (là chủ yếu), các báo cách mạng đã thực hiện một cách xuất sắc quan điểm báo chí của Lênin, báo chí cách mạng không những là người tuyên truyền và cổ động tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể”, giáo sư Đỗ Quang Hưng viết.

Trong bài “Ngọn bút Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và vấn đề giải phóng dân tộc”, ông cũng khẳng định, là lãnh tụ của cách mạng, của Đảng, bản thân Nguyễn Ái Quốc là một cây bút báo chí lớn. Vì thế, ảnh hưởng của Người, ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, đã góp phần to lớn trong việc hình thành và phát triển dòng báo chí cách mạng, di sản quan trọng bậc nhất trong những di sản văn hóa cách mạng của Đảng ta trước khi cầm quyền.

Đã có nhiều người tổng kết rằng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sử dụng tới 40, 50 bút danh, với hàng nghìn bài báo, ngoài Việt Nam là ở hàng chục nước trên thế giới. Nguyễn Ái Quốc cũng học được nghề làm báo từ rất sớm trước khi trở thành nhà Cách mạng chuyên nghiệp. Chính sự lăn lộn của Người trên mặt trận báo chí cách mạng ở nhiều châu lục, tính cách cá nhân, hơn tất cả là việc hướng đến sử dụng vũ khí báo chí cách mạng, đã tạo nên phong cách báo chí độc đáo của Người./.

Diệp Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này