Tăng cường hợp tác bảo mật thông tin trong bối cảnh thanh toán không tiếp xúc gia tăng

21:06 | 09/06/2021
(LĐTĐ) Visa vừa tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thường niên về an ninh thanh toán tại Châu Á - Thái Bình Dương, nêu bật những thay đổi đáng kể khi nhu cầu sử dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc ngày càng tăng mạnh trong khu vực, bên cạnh đó kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường hợp tác để giải quyết các mối lo ngại trong bảo mật thanh toán.
Người tiêu dùng Việt Nam tăng cường sử dụng thanh toán số để thích ứng với đại dịch Covid-19 Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể thúc đẩy kinh doanh trực tuyến Người tiêu dùng Việt Nam tích cực tìm kiếm thông tin về các lối sống lành mạnh

Ông Pavan Kumar - Giám đốc Quản lý Rủi ro tại Visa Đông Nam Á cho biết: Hội nghị thượng đỉnh về an ninh thanh toán tại Châu Á - Thái Bình Dương là sự kiện lớn nhất của Visa trong khu vực, được diễn ra lần thứ 16 tại các thành phố khác nhau. Mặc dù năm nay sự kiện được chuyển đổi sang hình thức hội nghị trực tuyến nhưng vẫn thu hút hơn 1.500 đối tác và khách hàng, con số này tăng gấp đôi so với hình thức thông thường. Đây là một tín hiệu cho thấy trong lĩnh vực thanh toán, sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Tăng cường hợp tác bảo mật thông tin trong bối cảnh thanh toán không tiếp xúc gia tăng
Thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động và thanh toán qua ví điện tử là những phương thức ngày càng được nhiều người sử dụng.

Theo ông Pavan Kumar, qua nghiên cứu thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện, đã chỉ ra ba xu hướng rất rõ ràng của người tiêu dùng.

Đó là, thanh toán không tiếp xúc dần chiếm ưu thế và trở thành một lựa chọn tối ưu giúp đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ. Nghiên cứu của Visa cũng cho thấy 56% người tiêu dùng đã mang ít tiền mặt hơn, khiến số lượng các giao dịch tiền mặt giảm rõ rệt. Một nửa số giao dịch thanh toán trực tiếp ở Châu Á - Thái Bình Dương là thanh toán không tiếp xúc, chứng tỏ hình thức thanh toán này ngày càng được ưa chuộng hơn so với tiền mặt.

Dịch bệnh cũng khiến người tiêu dùng nâng cao nhu cầu được trải nghiệm dịch vụ nhanh chóng và chất lượng. Bằng chứng là 85% người dùng đang mua hàng trên các ứng dụng ít nhất một lần một tuần.

Tuy nhiên, sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu của người tiêu dùng là dấu hiệu cho thấy những lỗ hổng trong hệ sinh thái thanh toán cần được quan tâm đặc biệt. Khi thương mại chuyển sang nền tảng trực tuyến, các hình thức gian lận cũng chuyển đổi theo, dẫn đến các trường hợp đánh cắp thẻ cũng trên đà leo thang, làm gia tăng mối lo ngại về bảo mật thanh toán giữa tất cả các bên liên quan.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Visa, có tới 51% người tiêu dùng Việt Nam lo sợ bị xâm nhập bởi phần mềm độc hại và vi rút trên điện thoại và 41% trong số họ lo ngại về việc bị lộ thông tin khi các bên thứ ba có thể truy cập trái phép vào thiết bị. Đây là những rào cản trong quá trình triển khai rộng rãi các hình thức thanh toán số và do đó cần được giải quyết bằng cách liên tục tạo ra những sáng kiến đổi mới về bảo mật thanh toán.

Nhận định về những tác động đối với ngành thanh toán tại Việt Nam, ông Pavan Kumar cho biết: Theo nghiên cứu thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện, thanh toán bằng mã QR, thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động và thanh toán qua ví điện tử là những phương thức được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Giám đốc Quản lý Rủi ro tại Visa Đông Nam Á cho rằng: Mặc dù 86% người được khảo sát tin rằng thanh toán qua điện thoại di động là một giải pháp an toàn, nhưng Visa nhận thấy cần phải nỗ lực cải tiến, sáng tạo nhiều hơn nữa để tăng cường củng cố lòng tin của người tiêu dùng.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này