Biến nguy thành cơ hội

09:16 | 27/05/2021
(LĐTĐ) Các chuyên gia khởi nghiệp cho rằng, càng trong điều kiện khó lường, khó kiểm soát, trong một tương lai bất định, người khởi nghiệp cần tìm hiểu quá trình khởi nghiệp để giảm rủi ro và nâng cao khả năng thành công hơn.
Bí quyết thành công của chàng trai nghèo chọn con đường học nghề Điểm bán Xanh – Nơi chắp cánh ước mơ cho thanh niên khởi nghiệp

Khởi nghiệp khi có dịch?

Vợ chồng chị Phạm Hải Vân và anh Phạm Lê Tuấn cùng làm việc tại Khách sạn quốc tế Aristo với chế độ đãi ngộ và mức lương ổn định trong nhiều năm. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch bị ảnh hưởng lớn, khách sạn buộc phải cắt giảm nhân lực hoặc cho đi làm luân phiên.

Biến nguy thành cơ hội
Ảnh minh họa.

Thay vì hưởng lương cả tháng, vợ chồng chị Vân chỉ được đi làm 10 ngày/tháng và hưởng ½ lương. Cố gắng thắt chặt mọi chi tiêu, trong suốt hơn một năm, cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn. Chị Vân quyết định nghỉ việc ở khách sạn để tìm công việc khác. Tuy nhiên, sau khi nghỉ việc, chị lại không thể tìm được công việc có thu nhập ổn định bởi hầu hết các doanh nghiệp đều cắt giảm nhân lực, không tuyển dụng thêm.

“Chúng tôi vẫn hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc, nhưng nó cứ kéo dài hết tháng này đến tháng khác, thậm chí từ năm này qua năm khác. Tôi thấy nhiều người thành công với việc kinh doanh online, cũng muốn tự mình khởi nghiệp, nhưng tôi còn nhiều băn khoăn. Hiện nay, tôi chỉ còn một số tiền tiết kiệm nhỏ, nếu khởi nghiệp thất bại, gia đình tôi sẽ gặp khó khăn trầm trọng về tài chính. Nếu không làm gì, cứ để tiền trong ngân hàng rồi hưởng số lãi thấp cũng không đủ chi tiêu. Tôi chưa có kinh nghiệm kinh doanh, nhất là kinh doanh trong thời dịch”, chị Vân cho biết.

Không quá đắn đo như chị Phạm Hải Vân, chị Phạm Phương Dung quyết định khởi nghiệp với homestay ngay trong dịch. Chị Dung cho biết: “Là một giáo viên mầm non tại trường tư thục trên địa bàn quận Ba Đình, chỉ cần hơi bùng dịch là tôi lại lo lắng liệu trường học có bị đóng cửa không? Đối với trường công thì các cô giáo sẽ vẫn có lương nhưng với trường tư thì còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tôi rất may mắn khi nơi mình công tác vô cùng tạo điều kiện cho các cô, tuy nhiên, một lần nữa, tôi cảm thấy phải có nguồn thu khác vào những lúc trái gió trở trời như thế này”.

Sau những suy nghĩ nhiều về dự định khởi nghiệp, tháng 4/2021, chị Phương Dung đã ra mắt một homestay tại phố Xuân Thủy, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Hiện nay, trong lúc dịch đang bùng phát căng thẳng, chị Phương Dung vẫn tự tin với công tác phòng dịch cho homestay và có những chính sách thu hút khách bằng mức giá vừa phải, dịch vụ tốt. Chị Phương Dung chia sẻ: “Trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, hy vọng mọi người sẽ bỏ quỹ thời gian của mình ra để học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, nghiên cứu thị trường thật kỹ và quan trọng nhất là luôn đặt câu hỏi: nếu thất bại, tôi sẽ trở thành thế nào? Sau khi trả lời câu hỏi đó được rồi thì cứ bắt tay vào làm thôi...”.

Các bước tăng khả năng thành công

Theo chuyên gia khởi nghiệp Trương Thị Hương Giang, với kinh nghiệm tham gia nhiều dự án đào tạo, tập huấn cho các dự án khởi nghiệp từ Trung ương đến địa phương, thì càng trong điều kiện khó lường, khó kiểm soát, trong một tương lai bất định, nguyên lý Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) được xem là nguyên lý mà các Startup (người khởi nghiệp) cần hiểu và thực hành để quá trình khởi nghiệp giảm rủi ro và nâng cao khả năng thành công hơn.

“Dịch Covid-19 là một đại dịch khó có một dự đoán gì về sự chấm dứt của nó trong tương lai, mặc dù những nỗ lực của các quốc gia, và cả Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Điều kiện “bình thường mới” được hiểu là tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội phải được điều chỉnh để thích ứng với điều kiện mới, xem đó là hoạt động bình thường, là tất yếu, là quy luật phải trải qua”, chuyên gia Trương Thị Hương Giang cho biết.

Chia sẻ các bước và yếu tố tăng khả năng thành công khi khởi nghiệp, chuyên gia Trương Thị Hương Giang cho biết: Bước một là khám phá khách hàng. Thông thường, các ý tưởng kinh doanh, đa phần đều xuất phát từ năng lực sản xuất của chủ dự án, nên tập trung vào phát triển sản phẩm, sau đó tìm thị trường tiêu thụ. Theo thống kê của CB Insights, trong số 20 nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Startups, nguyên nhân đầu tiên là Sản phẩm không phù hợp với nhu cầu, chiếm đến 42%.

Để tăng khả năng thành công, giảm thất bại, người khởi nghiệp cần xác định nhu cầu, mong muốn của khách hàng tiềm năng, trước khi cung cấp bất kì một sản phẩm/dịch vụ nào. Điểm xác định nhu cầu, là những “vấn đề” (problems) thường xảy ra trong quá trình thực thi một nhiệm vụ nào đó (Job to be done), và “vấn đề” đó cần được khai thác để cung cấp “giải pháp” giải quyết phù hợp, từ đó đem lại lợi ích cho dự án.

Bước hai, căn cứ vào nhu cầu, Startup sẽ phát triển sản phẩm, ban đầu sẽ ở dạng khả dụng tối thiểu. Sản phẩm đó không nhất thiết phải hoàn hảo, đơn giản là chỉ cần có những tính năng cần thiết để cung cấp, quan trọng là kiểm chứng, đem chúng đến khách hàng tiềm năng, cho khách hàng trải nghiệm và thu phản hồi từ họ. Đặc biệt, với điều kiện dịch Covid-19, để tối thiểu hóa chi phí sản xuất, sản phẩm có thể chỉ dừng lại dưới dạng video ý tưởng, hoặc bản thiết kế sản phẩm, hoặc thông tin dịch vụ…, miễn có thể dùng nó để kiểm chứng sự phù hợp nhu cầu thực tế.

Bước ba, là học tập từ khách hàng. Những kết quả phản hồi của khách hàng, giúp người khởi nghiệp điều chỉnh sản phẩm để phù hợp hơn. Quá trình này phải được lặp lại liên tục, được gọi là quy trình Build - Measure - Learn, với tốc độ và số lần càng nhiều càng tốt, đến khi người khởi nghiệp tìm ra mô hình kinh doanh tối ưu.

Bước cuối cùng là xây dựng mô hình kinh doanh và điều chỉnh mô hình. Mô hình kinh doanh biểu đạt cách thức cung cấp giá trị đến khách hàng, và cách thức kiếm tiền từ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp/dự án. Các Startup cần theo dõi sự biến đổi của các hành vi tiêu dùng thời Covid-19 để có thể xây dựng, điều chỉnh các mô hình phù hợp xu thế, khai thác, giáo dục hình thành nhu cầu còn ẩn sâu và nhiều tiềm năng.

Cũng theo chuyên gia Trương Thị Hương Giang, thay vì đề cập đến từ “thành công”, hãy nhìn nhận khởi nghiệp từ góc độ “thất bại”. Đó là vấn đề tư duy. Khi tỉ lệ thất bại trong khởi nghiệp chiếm 90%, chấp nhận thất bại là tư duy cần thiết của doanh nhân, tránh ảo tưởng, khởi nghiệp theo “phong trào”, theo đám đông, bởi lẽ khởi nghiệp không dành cho đa số./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này