Hãy tự hỏi mình đã làm gì được cho Tổ quốc?

20:00 | 25/05/2021
(LĐTĐ) Đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng liên quan không quản ngại gian nguy, sẵn sàng xung phong ra nơi tuyến đầu chống dịch. Vất vả, gian khó, hiểm nguy không sao kể hết. Có những bạn trẻ tình nguyện không quản ngại đường xa, vừa ủng hộ vật chất, vừa đi cả nghìn km từ cao nguyên Lâm Đồng về Bắc Giang chống dịch với Nhân dân. Tất cả chỉ vì nghĩa đồng bào mà mệnh lệnh trái tim lên tiếng, họ không hề phàn nàn, kêu ca khó khăn... Thế mà cũng những ngày này, rất nhiều người, "ngồi trong máy lạnh" chỉ việc duy nhất, viết facebook, viết báo mạng… với cũng chỉ ngôn từ duy nhất: "chê bai", "lên án"!
Mua vắc xin, thời điểm đã chín muồi Không để dịch bệnh lây lan cho người lao động Hãy chung tay để đẩy lùi dịch bệnh

Những ngày cả nước nói chung, một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh và cả Thủ đô Hà Nội... nói riêng đang căng mình chống đại dịch Covid-19, thì đọc báo, lướt trên không gian mạng lại đang có những hình ảnh "bất đối xứng".

Những hình ảnh đội ngũ y, bác sĩ khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ kín mít, dưới cái nóng của mùa hè miền Bắc họ làm việc cật lực (truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh…) để dập dịch Covid-19. Họ làm việc không kể ngày đêm, làm việc không ngưng nghỉ, mệt đến mức lề đường, nền nhà, ban công… cũng trở thành giường làm chỗ tạm nghỉ ngơi lấy sức "chiến đấu" tiếp với đại dịch. Ai nhìn những hình ảnh đó, bên cạnh sự cảm phục, mắt cũng phải đỏ hoe!

Hãy tự hỏi mình đã làm gì được cho Tổ quốc?
Đội ngũ y, bác sĩ không quản ngày đêm, miệt mài lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc bệnh nhân Covid-19 tại các Khu Công nghiệp ở Bắc Giang. Dẫu rất vất vả, hiểm nguy nhưng họ không hề kêu ca, luôn cống hiến sức mình vì sự bình an của Nhân dân. (Ảnh: Bộ Y tế)

Vì nghĩa đồng bào, theo lời kêu gọi của Bộ Y tế, của các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, đồng bào cả nước triệu trái tim đang hướng về đồng bào vùng tâm dịch. Từng đoàn chuyên gia y tế của các tỉnh lân cận được điều về, bộ đội, công an. Từng đoàn xe chở hàng viện trợ nối đuôi nhau về tâm dịch. Có những bạn trẻ như Vũ Trung Hiếu từ Đà Lạt không chỉ gửi qua Tỉnh đoàn Bắc Giang 100 triệu đồng giúp tỉnh chống dịch, mà nghe lời kêu gọi của Tỉnh đoàn Bắc Giang, Hiếu còn ra tận nơi cùng với lực lượng nơi đây tham gia công tác chống dịch. Hay Đặng Minh Trí, 24 tuổi, một mình lái xe cứu thương từ thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình ra Bắc Giang tham gia "cuộc chiến giệt giặc Covid-19". Còn rất nhiều, rất nhiều tấm gương khác mà trong khuôn khổ bài này không thể kể hết.

Nghĩa đồng bào là vậy, song cũng chính tháng ngày cả nước đang "đối diện" với làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, có rất nhiều người, có lẽ cũng chẳng đóng góp được gì nhiều cho Nhân dân vùng dịch nói riêng, thậm chí đất nước nói chung thì ngày nào cũng đều đặn lên Facebook "chém gió". Không cái gì của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước mà họ không chê. Họ gọi nước mình hết ngôn từ "xứ Đông Lào", "xứ An Nam", "xứ mình"… "Con gà tức nhau tiếng gáy", cộng đồng doanh nghiệp, họ làm việc cật lực để tạo ra của cải cho xã hội, công ăn việc làm cho người lao động, đóng thuế cho Nhà nước thì được chê "tài giỏi gì, toàn ăn đất cả"… Trong khi chính cộng đồng doanh nghiệp và người lao động là chủ thể làm ra của cải vật chất để đóng thuế cho Nhà nước xây dựng hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội cho họ hưởng thụ; trong khi chính Nhà nước đã tạo cơ chế để Việt Nam là quốc gia có mạng Internet xếp hàng đầu thế giới, không gian mạng tự do để họ có "đất chém"…

Tất nhiên, vẫn biết cuộc sống không có gì là hoàn hảo; thể chế chính trị cũng vậy, nên mới có việc quốc gia nào cũng phải hoàn thiện thể chế. Để hoàn thiện thể chế, phản biện đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, phản biện khoa học khác hoàn toàn với việc sử dụng không gian mạng để chỉ trích, chê bai… Trong khi nhìn lại chính mình thì cũng chẳng làm được gì nhiều cho đất nước, hay cống hiến cho khoa học, đấy là vấn đề đáng bàn!

Lại nói về "nạn chê bai", tôi từng xem một số kênh online của bà con kiều bào phát trên không gian mạng, bên cạnh một số bà con hiểu chưa đúng về tình hình đất nước, thì rất nhiều bà con có những nhận định rất khách quan, thậm chí có góc nhìn đa chiều và chính xác về tình hình đất nước hơn là một số người đang sinh sống trong nước.

Mới đây, trong buổi trò chuyện giữa nhà báo chủ kênh truyền hình của người Việt tại Mỹ với một Việt Kiều từng dẫn cả gia đình sang Mỹ định cư, nay sau gần 10 năm anh quyết định khi hết dịch sẽ đưa cả gia đình về lại Việt Nam sinh sống. Tôi nhớ, trong cuộc phỏng vấn, nhà báo có hỏi: "Tại sao trong khi nhiều người muốn sang Mỹ sinh sống, anh lại quay về Việt Nam? Trong khi theo nhiều bà con thì ở Việt Nam vẫn thiếu dân chủ, tham nhũng?".

Vị Việt Kiều trả lời, khi nhìn vấn đề gì hãy nhìn thấu đáo hãy nói. Với con người thì không gì hạnh phúc bằng sinh sống trên quê hương của mình. "Còn tự do, dân chủ, tham nhũng? Ôi trời, anh thấy ở Mỹ, ở các nước phát triển thế nào? Đừng có vơ bèo vạt tép, ở đâu nó cũng có những vấn đề của nó thôi. Thể chế chính trị nó phải đi liền với yếu tố văn hóa dân tộc, mặt bằng dân trí, tiềm lực kinh tế. Đừng bao giờ hão huyền bê nguyên giá trị dân chủ Mỹ hay Tây Âu về Việt Nam. Với Việt Nam cái quan trọng nhất bây giờ là phải duy trì sự ổn định về chính trị để nhân dân yên tâm làm ăn. Vấn đề này chính quyền đang làm rất tốt. Và khi kinh tế phát triển mọi thứ ắt sẽ thay đổi theo đó là quy luật. Còn tham nhũng? Ở đâu chả có, chỉ khác nhau quy mô và mức độ. Ở Việt Nam tôi thấy mấy năm nay vấn đề đó đang giảm dần.

Hãy tự hỏi mình đã làm gì được cho Tổ quốc?
Tuy nhiên bên cạnh đó, trên không gian mạng lại xuất hiện không ít người luôn viết những bài viết mang tính hằn học, chê bai, không mang tính xây dựng. (Ảnh minh họa)

Nếu cứ nói Việt Nam tham nhũng tràn lan, thiếu an toàn thì mỗi năm hàng tỷ đô la của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn cứ đổ vào Việt Nam đấy thôi! Chẳng có nhà đầu tư nào "ngu" mà đầu tư vào đất nước như một số người nói. Họ thấy an toàn họ mới đầu tư. Đấy là minh chứng khách quan nhất. Tôi là người sống ở Việt Nam và cả Mỹ nên tôi quá hiểu yếu tố văn hóa cũng như tình hình của mỗi quốc gia. Điều tôi muốn nói, nhìn nhận gì thì nhìn nhận, hãy nhìn nhận khách quan, đa chiều, đừng phiến diện. Đừng ngồi ở Mỹ hay Việt Nam mà mơ về thế giới dân chủ, tự do hoặc muốn bên nguyên giá trị đó về đất nước mình…" - vị Việt Kiều nhấn mạnh.

Đây là góc nhìn chuẩn xác của một Kiều bào có bề dày sống ở Mỹ khi nhìn nhận các vấn đề của đất nước. Họ đi nhiều, am hiểu nhiều mới nói vậy. Ấy thế có những người đang sinh sống chính trên quê hương mình lại luôn nhìn nhận thái độ hằn học, cực đoan!

Lại bàn về "chê", về "phê"! Các chiến sĩ nơi đảo xa ngày đêm canh giữ đất trời, biển đảo cho quê hương; các chiến sĩ biên phòng căng mình nơi biên ải chặn "dịch" tràn vào; các "chiến sĩ" blouse trắng oằn vai trong cuộc chiến chống đại dịch để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, sự bình yên và sức khỏe cho Nhân dân… Tất cả họ đều không "than" thì thôi. Ấy vậy, không ít người, những ngày hè nóng nực này đang ngồi trong phòng lạnh, hoặc chiều rủ nhau ra quán uống bia chẳng phải chịu khổ sở gì thì suốt ngày "chê", "phê" (phê bình) với thái độ thiếu tính xây dựng.

Viết đến đây lại nhớ lời bài hát của nhạc sĩ Vũ Hoàng rằng: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay". Cuộc sống vẫn tiếp diễn, hãy lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu, hãy biết nhìn thẳng vào sự thật để tiến bộ nhưng cũng đừng lấy cá biệt mà quy chụp vào thực tiễn sinh động của cuộc sống bằng nhưng ngôn từ mang tính mỉa mai. Hãy để cuộc sống thêm tươi đẹp bằng những hành động đẹp, góc nhìn và ánh mắt nhân văn.

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này