Khơi dậy khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống

12:06 | 29/04/2021
(LĐTĐ) Tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, sáng 29/4, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã trình bày Dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố.
Hà Nội: Dự thảo Nghị quyết về công tác cán bộ có nhiều quan điểm, nội dung mới Khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII Văn hóa, con người quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô

Đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết, mục tiêu của Chương trình là đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày Dự thảo Chương trình hành động
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày Dự thảo Chương trình hành động

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Dự thảo Chương trình đã đưa ra 11 định hướng lớn phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, trong đó tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường...; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô.

Xây dựng bộ máy chính quyền Thủ đô trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của Thủ đô. Tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Hà Nội cũng sẽ thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc…; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Dự thảo Chương trình vạch ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược.

Hà Nội cũng sẽ phát triển nhanh và bền vững, quản trị xã hội hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn.... Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương, văn minh đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững; tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn....

Về 3 khâu đột phá giai đoạn 2021-2025, theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thứ nhất sẽ ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô.

Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô....

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này