Cần cảnh giác, chủ động phòng chống dịch Covid-19

18:07 | 28/04/2021
(LĐTĐ) Tình hình dịch Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước trong khu vực đang có những diễn biến rất đáng lo ngại, số ca mắc mới, số người chết trong một ngày liên tục gia tăng. Qua phân tích của các chuyên gia cho thấy, những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Do vậy, người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch.
Hà Nội tăng cường phòng dịch Covid-19 trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 Tập huấn công tác tuyên truyền bầu cử cho phóng viên các cơ quan báo chí Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học

Những ngày qua, có thể thấy dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với số ca mắc cao và lây lan diện rộng tại các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil. Tâm điểm dịch vẫn là Ấn Độ, với số ca mắc mới trong 24 giờ qua ghi nhận ở mức rất cao, hơn 323 nghìn ca, trở thành ngày thứ 6 liên tiếp có số ca nhiễm mới trên mức 300 nghìn ca/ngày.

Trước tình hình đó, Chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ giải quyết tình trạng gia tăng số ca mắc Covid-19 đang khiến các bệnh viện quá tải. Chính quyền bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ, đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 27/4 vòng 2 tuần trên toàn bang do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Thái Lan, Malaysia và Úc đã thông báo tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ do lo ngại nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.

Cần cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19
Đoàn kiểm tra của Bộ y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cửa khẩu

Trong khi đó, tại Đông Nam Á cũng đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng tại 3 quốc gia vốn được coi là khá an toàn và hiệu quả trong việc phòng chống đợt dịch bùng phát đầu tiên vào năm ngoái là Lào, Campuchia và Thái Lan.

Sự gia tăng số người nhiễm Covid-19 tại nhiều nước không chỉ là lời cảnh báo mà còn là áp lực về nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ tư ở Việt Nam. Hơn lúc nào hết đòi hỏi các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải có những giải pháp phù hợp và hiệu quả để ngăn chặn dịch xâm nhập và lây lan.

Tại Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và các nước láng giềng, có thể thấy, nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Đặc biệt dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 - 1/5, nếu người dân đổ về các điểm du lịch, tụ tập đông người mà không thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch thì nguy cơ dịch xảy ra là rất hiện hữu.

Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân tuân thủ biện pháp 5K: Khẩu trang – khử khuẩn – không tụ tập – khoảng cách – khai báo y tế. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố nước ta cũng đã có chỉ đạo dừng tổ chức các lễ hội, tạm dừng nhiều hoạt động đông người. Cụ thể, Hà Nội yêu cầu người dân quay trở về Thủ đô sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sẽ phải khai báo y tế. Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu xử phạt người dân không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Để ứng phó với tình huống dịch bùng phát tại Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nam Bộ, Bộ Y tế đã nhận định việc triển khai bệnh viện dã chiến là vô cùng cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Tại buổi làm việc về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Cần Thơ, mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp với địa phương nhanh chóng hoàn thành Bệnh viện dã chiến tuyến Trung ương tại Cần Thơ.

Bệnh viện dã chiến cấp khu vực của Cần Thơ sẽ cùng với một số đơn vị sẽ là đầu mối giúp Bộ Y tế chỉ đạo hoạt động khám chữa bệnh bệnh nhân Covid-19 trong khu vực. Nhiệm vụ số 1 của Bệnh viện dã chiến vùng là thiết lập khoa cấp cứu có khả năng sử dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), cũng như các kỹ thuật cấp cứu về tim mạch, hô hấp và truyền nhiễm và phối hợp với các chuyên khoa cận lâm sàng khác để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Ngoài Cần Thơ, hiện tỉnh Kiên Giang cũng đang khẩn trương xây dựng Bệnh viện dã chiến tại thành phố Hà Tiên. Trong giai đoạn đầu, khu vực này có thể thu dung được khoảng 300 bệnh nhân mắc Covid-19. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, hiện có trên 103.000 người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia. Riêng tại 3 tỉnh giáp biên giới với Kiên Giang gồm tỉnh Kampot, Kép và Preah Sihanouk có trên 700 hộ gia đình, với trên 1.700 nhân khẩu là người gốc Việt đang cư trú.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, diễn biến dịch Covid-19 đang rất phức tạp từ các nước bạn, khu vực biên giới Tây Nam có lượng người nhập cảnh có phép lẫn trái phép khá đông. Việc thành lập các Bệnh viện dã chiến khu vực và Bệnh viện dã chiến của từng địa phương các tỉnh giáp ranh là vô cùng cấp thiết trong thời điểm hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát lại tất cả các kịch bản phòng, chống dịch, cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm. Bên cạnh đó, sẵn sàng kịch bản về cơ sở cách ly, đồng thời coi công tác phòng chống dịch Covid-19 là một nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm kiểm soát và khống chế nếu dịch xảy ra.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này