Doanh nghiệp trong “cuộc chơi” CPTPP: Có bột mới gột nên hồ!

11:40 | 13/04/2021
(LĐTĐ) Sau hai năm thực thi hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhiều doanh nghiệp cho rằng sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ chính là một trong những nguyên nhân làm cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ CPTPP và các hiệp định thương mại tự do trong tương lai.
Doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội từ CPTPP cho xuất nhập khẩu Nhiều doanh nghiệp còn lơ mơ về CPTPP

Nhiều cản trở đến từ chính doanh nghiệp

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI công bố tại Hội thảo “Hai năm thực thi Hiệp định CTCPP tại Việt Nam: Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp”, về những yếu tố mà doanh nghiệp cho rằng sẽ cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) trong tương lai, đứng trong tốp đầu là sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ, tiếp theo các các biến động và bất định của thị trường.

Doanh nghiệp trong “cuộc chơi” CPTPP: Có bột mới gột nên hồ!
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đưa ra một số khảo sát tại Hội thảo.

Cạnh đó, nhóm lực cản thứ ba là liên quan tới yếu tố từ góc độ các cơ quan Nhà nước, như tình trạng thiếu thông tin về các cam kết, cách hiểu và vận dụng các cam kết, sự chậm chạp, vướng mắc, thiếu linh hoạt cũng như các hạn chế khác trong tổ chức thực thi CPTPP và các FTA của các cơ quan Nhà nước. Cuối cùng là một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ quá khó đáp ứng, cam kết FTA bất lợi cho doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân đến từ chính các doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), có tới 75,27% doanh nghiệp không biết có lợi ích gì từ CPTPP để tận dụng; 60,22% doanh nghiệp giao dịch không liên quan tới cam kết CPTPP hoặc đã hưởng ưu đã khác phù hợp hơn; 32,26% không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan; 13,98% không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, chất lượng… để xuất khẩu đi CPTPP; 16,13% do văn bản thực thi phía Việt Nam ban hành chậm chễ, khó hiểu; khoảng từ 13-16% doanh nghiệp gặp vướng mắc khi xin cấp chứng nhận xuất xứ CPTPP, vướng mắc khi làm thủ tục tại cảng cho hàng nhập khẩu về; vướng mắc khi làm thủ tục với các cơ quan khác của Việt Nam và các cơ quan của nước CPTPP. Bà Thu Trang cho rằng, “Dường như sự chủ động tìm hiểu thông tin của các doanh nghiệp đang là vấn đề lớn nhất cản trở họ hưởng lợi từ ưu đãi này của Hiệp định”.

So với khảo sát năm 2016 của VCCI về cùng vấn đề, kết quả này cho thấy những ngạc nhiên tích cực. Nếu như 5 năm trước, bất cập trong thực thi của cơ quan Nhà nước là những lý do chủ yếu cản trở doanh nghiệp (81%-84%) thì nay đây chỉ là vấn đề với khoảng phân nửa các doanh nghiệp, và đứng sau những nguyên nhân chủ quan từ năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp. So với trước đây, doanh nghiệp đã bớt lo lắng hơn từ góc độ thể chế, và cũng đã đối mặt với thực tế rằng, thách thức lớn nhất trong hội nhập là chính bản thân mình.

Để chuẩn bị cho một tương lai xa mà ở đó CPTPP và các FTA có thể là một trợ lực hiệu quả, 3/4 các doanh nghiệp cho biết họ đã hoặc đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng các Hiệp định này. Các doanh nghiệp dân doanh chú trọng vấn đề kỹ năng quản lý và quảng bá sản phẩm. Trong khi đó các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước lại tập trung vào vấn đề đào tạo nâng cao năng lực của cả cán bộ quản lý và người lao động cũng như vấn đề công nghệ để tăng năng suất. Còn các FDI ưu tiên việc chuyển đổi nguồn cung nguyên vật liệu để tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan theo CPTPP và các FTA.

Đối với 1/4 các doanh nghiệp còn lại không có kế hoạch điều chỉnh gì cho tương lai hội nhập CPTPP và các FTA, lý do lớn nhất lại là bởi họ không có đủ năng lực, nguồn lực để làm hoặc không biết phải điều chỉnh thế nào dù biết là điều chỉnh là cần thiết (39% doanh nghiệp nêu lý do này). Nhìn sâu hơn vào nhóm này thì thấy đây phần lớn là các doanh nghiệp dân doanh. Với phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhóm này có năng lực và nguồn lực hạn chế và lại là đối tượng dễ bị tác động bởi hội nhập. Đây chính là nhóm rất cần được quan tâm trong các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhà nước, bởi bản thân họ có nhu cầu, cũng sẽ sẵn sàng để chủ động tận dụng tốt các hỗ trợ cho những điều chỉnh cần thiết.

Cũng có một tỷ lệ nhất định (28-36%) các doanh nghiệp lựa chọn không điều chỉnh do không nhìn thấy sự cần thiết của việc điều chỉnh hay chuyển đổi. Họ hoặc là tự tin năng lực hiện tại đã đủ để tận dụng các cơ hội từ các FTA, hoặc là cho rằng các FTA không có tác động gì tới tương lai kinh doanh của họ. Chỉ có chưa đầy 5% doanh nghiệp lựa chọn không điều chỉnh bởi không tin việc này có tác dụng gì cho mình.

Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu cơ hội

Theo đánh giá của VCCI, từ các kết quả thực thi hai năm đầu thực thi CPTPP, có thể thấy Hiệp định này đã có những tác động tích cực bước đầu, mang tới những lợi ích thực tế cho một số doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những gì đã đạt được còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, mà nguyên nhân không chỉ từ các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch Covid-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan của chính Nhà nước và các doanh nghiệp. Trên cơ sở các phát hiện này, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có thể rút kinh nghiệm để “dọn mình” tốt hơn, sẵn sàng thực thi hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Với Chính phủ, công tác rà soát tính tương thích và chuẩn bị cho việc xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với các cam kết thể chế trong CPTPP cần được thực hiện cẩn trọng hơn, với cái nhìn liên ngành, nhấn mạnh yêu cầu thẩm định kỹ càng và với tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp. Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm dự thảo các văn bản, quy định nội luật hóa cam kết CPTPP cần dự trù thời gian cho công việc này, tiến hành triển khai ngay khi có thể chứ không nên đợi tới thời điểm cam kết có hiệu lực mới bắt đầu soạn thảo.

Liên quan tới việc tổ chức thực thi CPTPP, cần có một đầu mối chính thức để thông tin, tư vấn và giải thích về nội dung cam kết cho doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm thực thi. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi tình hình, tổng hợp các vướng mắc và có biện pháp xử lý kịp thời. Hoạt động phổ biến tuyên truyền về CPTPP trong thời gian tới cần đi vào chi tiết, với các nội dung được thiết kế theo hướng thực tiễn, ngắn gọn, phù hợp với mối quan tâm của từng nhóm đối tượng doanh nghiệp cụ thể.

Các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống đặc biệt là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung cầu. Các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo các nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Với các doanh nghiệp, chủ động tìm hiểu cơ hội, cam kết CPTPP và hành động hiện thực hóa những lợi ích từ Hiệp định là đòi hỏi quan trọng nhất. Nâng cao năng lực cạnh tranh mà bắt đầu từ năng lực cạnh tranh của sản phẩm không chỉ là công việc thường xuyên phải thực hiện mà còn là chìa khóa để doanh nghiệp chớp được các cơ hội từ quá trình hội nhập CPTPP và các FTA.Liên kết và hợp tác trong kinh doanh để cùng mạnh, qua đó thu lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp từ quá trình này cũng là điều cần đặc biệt chú ý. Cũng như vậy, thay vì những nỗ lực đơn lẻ kém hiệu quả, doanh nghiệp cần hợp tác để vận động chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó giải phóng sức sáng tạo và hội nhập thành công./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này