Liên tiếp xảy ra các vụ cháy thương tâm:

Báo động từ những căn nhà ống không lối thoát

12:55 | 06/04/2021
(LĐTĐ) Từ đầu năm đến nay, liên tiếp xảy ra những vụ cháy thương tâm trong khu vực dân cư, đặc biệt là tại những ngôi nhà ống, khiến nhiều người thiệt mạng. Thực trạng này đang đặt ra thách thức về công tác phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư.
Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn Lãnh đạo Thành phố thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân vụ cháy tại phố Tôn Đức Thắng Cháy cửa hàng đồ sơ sinh trên phố Tôn Đức Thắng, 4 người trong gia đình tử vong

Những vụ hỏa hoạn đau lòng

Trong vòng chưa đầy một tuần, tại thành phố Hồ Chí Minh xảy ra hai vụ cháy nghiêm trọng tại thành phố Thủ Đức và Quận 8 làm 9 người chết. Hiện trường của những vụ cháy này, đều là những căn nhà chỉ có duy nhất một lối thoát. Khi cháy xảy ra, lửa bao trùm khiến nạn nhân mắc kẹt và nghạt khói dẫn tới tử vong.

Mới đây, vụ hỏa hoạn làm 4 người chết vào rạng sáng 4/4 ở quận Đống Đa, Hà Nội một lần nữa cho thấy trong các vụ cháy công trình, lối thoát hiểm là cần thiết, đặc biệt là đối với các công trình nhà riêng kiến trúc dạng ống, nhưng thực tế vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Báo động từ những căn nhà ống không lối thoát
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tập trung chữa cháy tại số nhà 311 Tôn Đức Thắng

Theo Công an quận Đống Đa, khoảng 0h25 ngày 4/4, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà 311 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột. Nhận thông tin, lực lượng chức năng đã huy động 6 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ tới hiện trường dập lửa, cứu người. Đến khoảng 3h40 cùng ngày, đám cháy được dập tắt.

Đến 4h30, lực lượng cứu hỏa tìm được 4 thi thể đã biến dạng tại khu vực tầng tum. Các nạn nhân gồm ông N.T.T, 81 tuổi; chị N.A.H, 40 tuổi, đang mang thai khoảng 3 tháng, là con gái của ông T.; anh Đ.H.V, 38 tuổi, chồng của chị H. và cháu Đ.H.T.M, 10 tuổi, con của anh V., chị H. Nhiều khả năng, khi xảy ra cháy các nạn nhân chạy lên tum tìm lối thoát nhưng không thể thoát ra.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Đống Đa cho biết, ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn có dạng ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, diện tích mặt sàn mỗi tầng khoảng 60 m2, mặt tiền rộng khoảng 3,2 m, nhà chỉ có một lối ra vào là cửa chính, không có lối thoát hiểm. Căn nhà được gia đình sử dụng để kinh doanh bỉm, sữa,... cho trẻ sơ sinh ở tầng 1. Các tầng 2, 3 và tum dùng làm kho và sinh hoạt gia đình.

Trước đó, vào tháng 2/2021, một vụ cháy lớn cũng đã xảy ra tại một căn nhà cấp 4 ở quận Đống Đa khiến 4 thanh niên tử vong. Như vậy, chỉ trong mấy tháng đầu năm, đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về người. Đáng chú ý, trước khi những vụ cháy thương tâm này xảy ra, báo chí đã từng thông tin về nhiều vụ cháy trên cả nước, nhất là ở các đô thị mà hiện trường là công trình chỉ có một lối ra, vào duy nhất…

Hiểm họa từ những căn nhà ống

Thời gian gần đây, an toàn cháy nổ, thoát hiểm, cứu nạn cứu hộ ở các nhà chung cư, cao tầng được xã hội quan tâm hơn. Tuy nhiên, những vụ hỏa hoạn thương tâm lại xảy ra ở các khu đô thị cũ với thiết kế nhà riêng dạng ống liền kề. Mỗi ngôi nhà dạng này thường chỉ có một lối ra vào là cửa chính và trở thành “cái bẫy” không lối thoát hiểm cho gia chủ khi gặp sự cố cháy nổ.

Theo thống kê của lực lượng phòng cháy chữa cháy, năm 2020 trên địa bàn Thành phố, số vụ cháy ở khu vực nhà dân chiếm 40% tổng số vụ cháy trong năm. Trong đó, nhiều vụ cháy gây thiệt hại về người đều xuất phát từ nguyên nhân người dân bị mắc kẹt mà không thể thoát nạn. Xảy ra vào thời điểm đêm khuya, rạng sáng. Những ngôi nhà được gia cố bằng nhiều lớp cửa, tầng tum khóa kín,… cho đến khi cháy xảy ra, thì hai chữ “giá như” đã quá muộn.

Trong công tác tuyên truyền, lực lượng phòng cháy chữa cháy tại cơ sở đã tiến hành việc rà soát, hướng dẫn tới từng cụm dân cư, khu phố,…với phương châm đến từng ngõ, gõ từng nhà. Thế nhưng, cũng còn không ít khó khăn khi một bộ phận người dân vẫn có tâm lý chủ quan, phớt lờ và xem nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy.

Dự báo, công tác phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư, nhà dân, nhất là trong mùa nắng nóng sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp. Những hậu quả do cháy nổ gây ra đã luôn được cảnh báo. Thế nhưng, sự chủ quan vẫn tiếp tục phải trả giá bằng mạng sống của nhiều người.

Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – Công an thành phố Hà Nội Phạm Trung Hiếu cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy tại các chung cư cũ, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ống trong ngõ sâu,... Hiện tại, trên địa bàn Thành phố có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát hiểm, khi xảy ra cháy nổ sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Báo động từ những căn nhà ống không lối thoát
Lực lượng chức năng đưa thi thể ra khỏi hiện trường.

Mở lối thoát hiểm là vấn đề cốt lõi

Theo ghi nhận, tại hầu hết các mặt phố lớn, đường ngõ của các quận như Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình,... hầu hết là những ngôi nhà ống, vừa sử dụng để ở vừa kết hợp kinh doanh và không còn không gian để dành cho lối thoát hiểm. Tại một số khu đô thị mới được phát triển đồng bộ, hiện đại, cảnh quan đẹp, nhiều ngôi nhà ống được xây dựng kiên cố, giá trị hàng chục tỉ đồng nhưng cũng không có lối thoát hiểm.

Được biết, theo quy định hiện nay, chỉ có công trình riêng lẻ là khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000 m3 mới buộc phải có thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Thực tế đất chật, người đông cũng khiến hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư đều chỉ chú trọng tận dụng diện tích cho công năng sử dụng, chưa tính toán đến phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ.

Nói về công tác phòng cháy tại các công trình riêng lẻ, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Hùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nhà ở riêng lẻ mặt đất cần có nhiều cửa. Ngoài cửa sổ, lỗ thoáng để thông khí, cần tính đến thiết kế lối thoát hiểm khi có sự cố. Người dân trong các khu dân cư chật hẹp càng cần quan tâm đến việc mở lối thoát hiểm.

“Các tầng đều phải có lối mở ra ngoài, nếu sử dụng khung sắt để chống trộm cũng cần ô thoáng đóng mở được. Khi thiết kế nhà cũng cần có giếng trời cho thông thoáng, cũng là nơi để khói, hơi độc phát tán khi xảy ra cháy,... Chủ sử dụng nên có sẵn phương án thoát hiểm khi gặp sự cố để tự bảo vệ mình trước khi lực lượng chức năng có mặt”, Kiến trúc sư Hùng khuyến cáo.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của một cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an thành phố Hà Nội, đối với những hộ gia đình tại các khu đô thị nói chung và hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh nói riêng (như cửa hàng bán đồ đồ sơ sinh vừa xảy ra cháy), ngoài việc cần bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, cần lưu ý khi gia cố để chống trộm, không nên xây dựng quá kiên cố khiến khi xảy ra sự cố cháy nổ, người trong nhà không thể thoát ra ngoài cũng như lực lượng chữa cháy, cứu hộ rất khó vào trong nhà để cứu người. Nếu gia cố chống trộm thì cần phải có cửa, có khoá để khi xảy ra sự cố có thể nhanh chóng mở cửa để thoát ra ngoài.

Đại tá Lê Văn Hiến, Phó trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, trên địa bàn quận Đống Đa có rất nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh dạng nhà ống, trong số này rất nhiều nhà không có lối thoát nạn. Chính vì vậy, khi xảy ra cháy, ở dạng nhà này luôn thường trực nguy cơ tử vong. Vì vậy, việc mở lối thoát nạn là vấn đề cốt lõi, những nhà ống không thể mở lối thoát nạn, nếu có thể, cần phối hợp với hàng xóm mở lối thông nhau để thoát nạn khi cần.

Đại tá Lê Văn Hiến cũng nhấn mạnh việc các hộ gia đình cần trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc và trang bị kỹ năng sinh tồn cho mình. Nếu xảy ra cháy, không tự dập được thì cần dùng mặt nạ chống độc hoặc khăn ướt trùm vào mặt để vượt qua đám cháy, thoát ra bên ngoài dù có bị bỏng. “Không được chạy lên tum là nơi không lối thoát, vì lên đó là đường cùng, rất ít cơ hội sống sót, chết ngạt rất nhanh, 4 nạn nhân trong vụ cháy cửa hàng bỉm, sữa là ví dụ đau lòng”, đại tá Hiến nói./.

Lưu ý đối với nhà vừa ở vừa kết hợp kinh doanh

Nghị định 136/2020/NĐ-CP (chính thức thi hành từ ngày 10/1/2021) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, tại Điều 7 có quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình.

Theo đó, Khoản 2 của Điều 7 quy định: Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Cụ thể, nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

Bên cạnh đó, có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an. Ngoài ra, có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

Điều 7 của Nghị định cũng quy định, điều kiện an toàn về phòng cháy phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

H. Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này