Quán Thanh xuân tháng 4: Tiếng còi tầm

07:59 | 03/04/2021
(LĐTĐ) Tháng 4, Quán Thanh xuân mang tới những ký ức một thời với âm thanh nôn nao của “Tiếng còi tầm”. Miền ký ức vừa gian khó, vừa thân thương ấy sẽ được kể lại một cách tươi mới, sống động và vẹn nguyên cảm xúc qua câu chuyện của các khách mời tham gia chương trình.
Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền: Còn sức khỏe, còn khán giả là còn hát Quán thanh xuân Tết Tân Sửu: Lắng đọng ký ức xưa

Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, ở những thành phố lớn, cứ mỗi ngày 4 bận tiếng còi tầm lại hụ lên gióng giả, ở cách 2-3 cây số vẫn nghe thấy. Với nhiều người nó còn như một tín hiệu báo giờ giấc chính xác, đó chính là thứ âm thanh “công nghiệp cổ kính” của một thời.

Quán Thanh xuân tháng 4: Tiếng còi tầm
MC và khách mời tại chương trình.

Với người công nhân, tiếng còi tầm chính là một chỉ dấu của hạnh phúc. Tiếng còi buổi sáng báo hiệu ngày làm việc mới bắt đầu - có công việc chính là hạnh phúc. Tiếng còi buổi chiều muộn báo hiệu tan ca, đến giờ về nhà - có một ngôi nhà với người thân đang đón chờ, đó cũng chính là hạnh phúc” - đó là lời chia sẻ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, trong chương trình Quán Thanh xuân tháng 4.

Điểm nổi bật của Quán thanh xuân chủ đề “Tiếng còi tầm” là trong hàng ghế khách mời có tới một nửa là công nhân “xịn”, trong đó có 2 anh hùng lao động. Đó là Anh hùng lao động Lê Thị Ngừng, nữ công nhân lái máy xúc EKG, hơn 10 năm gắn bó với công trường thủy điện Hòa Bình; Anh hùng lao động Lều Vũ Điều (sau này là Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) với 13 năm làm công nhân mỏ than Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh). Họ mang đến Quán thanh xuân hơi thở lấm láp nhưng không thiếu những rộn rã của thực tế đời công nhân thập kỷ 70-80.

Quán Thanh xuân tháng 4: Tiếng còi tầm
Ca sĩ Phạm Thu Hà trình bày bài hát Mẹ Yêu Con tại chương trình.

Là người con gái duy nhất còn trụ được với lái máy xúc trên công trường thủy điện Hòa Bình thời ấy, Anh hùng lao động Lê Thị Ngừng cho biết khi tan ca cả người "chỉ có mệt rũ thôi" vì phải tập trung vận hành máy móc. Tuy nhiên, với khẩu hiệu: “Cao độ 81 hay là chết”, trên công trường ai cũng vui vẻ, hừng hừng khí thế làm việc dù nắng đến cháy da.

Hay như câu chuyện của Anh hùng lao động Lều Vũ Điều về công nhân ngành than. “Ngành than thì đặc thù là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Khi nghe tiếng còi tan ca, mọi người rời lò đi lên thì bụi bặm, than bám đầy mặt chỉ còn nhìn 2 con mắt, về nhà không ai nhận ra, quần áo lúc tan ca ướt đẫm đầy mồ hôi, vắt ra được... Mà khổ là trong lò thì nóng, tan ca lên mặt đất gió thổi, lạnh run từng hồi…”- Anh hùng lao động Lều Vũ Điều kể.

Tiếp nối câu chuyện của 2 Anh hùng lao động, là những câu chuyện ở mỏ than lộ thiên của Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân…

Có thể thấy, những người thực hiện Quán thanh xuân tháng 4 với chủ đề “Tiếng còi tầm” đã cố gắng để mang đến cho khán giả bức tranh khá bao quát của hầu hết các lĩnh vực với những câu chuyện của nhiều thế hệ công nhân về những nét đặc thù nghề nghiệp của từng ngành nghề: Dệt, may, cơ khí... Với những cái tên nổi tiếng như Dệt Nam Định/ mùng 8 tháng 3/Hanosimex, Giấy Bãi Bằng, Gang thép Thái Nguyên, Cảng Hải Phòng, Than Quảng Ninh…

Công nhân - thô nhưng thật, đó là những con người có tính kỷ luật, chăm chỉ, tính phấn đấu và quyết đoán cao. Đó là những nét tính cách cơ bản mà các khách mời của chương trình thống nhất để miêu tả về những người công nhân. Cuộc sống đơn giản, cho dù nặng nhọc nhưng sự vô tư hồn nhiên khiến công nhân khi nào cũng vui vẻ và dễ cởi mở hơn một số ngành nghề khác.

Đăng Khoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này