Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Cần cân nhắc kỹ việc thành lập Học viện Kiểm toán

14:33 | 01/04/2021
(LĐTĐ) Đề cập đến vấn đề thành lập Học viện Kiểm toán, đại biểu Hoàng Văn Cường – đoàn đại biểu Hà Nội cho rằng, cần phải cân nhắc thật kỹ, vì chưa chắc việc thành lập Học viện Kiểm toán thì công tác kiểm toán sẽ được làm tốt hơn. Bởi lẽ, để có một Kiểm toán viên tốt không chỉ cần có các nghiệm vụ đơn thuần, mà còn phải có một kiến thức rất tổng hợp...
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội chúc mừng tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Các đại biểu Quốc hội Khóa XIV đoàn Hà Nội nhận Kỷ niệm chương hoạt động Quốc hội Việt Nam Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội): Một số vấn đề lớn Dự thảo Luật chưa chạm tới

Nêu ý kiến trong phần thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, kết quả qua 5 năm dữ liệu về tài chính cho thấy, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý đạt trên 350 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần kiến nghị giai đoạn 2011-2015; trong khi ngân sách chi tiêu Nhà nước giai 2016 – 2021 tăng gấp 1,4 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; chứng tỏ kết quả, hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2016 - 2021 tăng lên rất nhiều so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện, chuyển sang cơ quan điều tra tăng 45%.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Cần cân nhắc kỹ việc thành lập Học viện Kiểm toán
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Cần cân nhắc kỹ việc thành lập Học viện Kiểm toán

Trong khi chúng ta biết rằng, nhiệm kỳ qua, vấn đề kiểm soát, quản lý tham nhũng rất tốt, điều này giúp cho tính chất kiên định, bản lĩnh của Kiểm toán Nhà nước được nâng cao trong việc phòng chống tham nhũng. Số hồ sơ có dấu hiệu tội phạm cung cấp cho cơ quan Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, thanh tra Nhà nước tăng lên rất nhiều so với trước. Khách quan đánh giá rằng, thành công của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của Kiểm toán Nhà nước; các đợt thảo luận, tranh luận tại nghị trường mà có những con số, số liệu cụ thể để đưa ra tranh luận, đều dựa trên số liệu từ Kiểm toán Nhà nước.

“Kiểm toán Nhà nước đã thể hiện được sự cương trực, bản lĩnh của Kiểm toán và lực lượng Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ qua”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Từ những kết quả trên, để hoạt động Kiểm toán Nhà nước đạt hiệu quả cao hơn trong nhiệm kỳ tới, đại biểu đoàn Hà Nội cũng đưa ra 5 kiến nghị, theo đại biểu, thứ nhất, nhiệm kỳ qua vấn đề kiến nghị xử lý về mặt tài chính mới chỉ đạt 73,6%; kiến nghị xử lý về các văn bản mới chỉ đạt 17,3%, điều này cho thấy, hiệu lực thực hiện của các văn bản còn thấp. Vậy, chúng ta cần xem xét lại thật kỹ nguyên nhân, có phải kiến nghị đưa ra chưa đủ thuyết phục, hay hiệu lực của việc các kiến nghị chưa được thực thi. Nếu vậy, Kiểm toán cần đề nghị với Quốc hội đánh giá lại về luật phải thực hiện.

Vấn đề thứ hai đó là, chúng ta chưa thực hiện được 100% việc kiểm toán Nhà nước đối với những đơn vị thuộc diện kiểm toán hàng năm; nguyên nhân là do lực lượng kiểm toán chưa đủ, số lượng biên chế trong chiến lược phát triển đến giai đoạn 2030. Tuy nhiên, cần phải thực hiện các giải pháp khác như: Cần phải sử dụng lực lượng Kiểm toán độc lập để tham gia vào quá trình kiểm toán, các nước đều sử dụng như vậy. Nếu sử dụng lực lượng này, chúng ta vừa tiết kiệm được nhân sự, vừa thực hiện kiểm soát độc lập, khách quan.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng Công nghệ thông tin trong kiểm toán, trong Luật Kiểm toán cho phép quyền truy cập các dữ liệu về số liệu, tôi cho rằng cần tăng cường việc ứng dụng Công nghệ thông tin hơn nữa, làm tốt được việc này không chỉ tiết kiệm thời gian tiếp cận thời lượng, mà còn tránh việc đơn vị kéo dài thời gian chuẩn bị hồ sơ kiểm toán; tạo được thông tin khách quan, không phải phụ thuộc vào sự chủ quan của người cung cấp, cũng như cá nhân cán bộ kiểm toán,... Vì vậy, nếu thực hiện được chương trình dữ liệu điện tử thì điều này sẽ không thể xảy ra nữa. Và để thực hiện việc này thì cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số quốc gia.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng kiến nghị, cần phải công khai các kết luận kiểm toán, bởi như chúng ta đã biết Luật Kiểm toán đã quy định việc công khai các kết luận kiểm toán trên các hệ thống thông tin để mọi người tiếp cận. Tuy nhiên, việc tiếp cận các báo cáo kiểm toán vẫn rất khó khăn,… Vì thế đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần làm tốt quy định công khai kết quả kiểm toán.

Liên quan đến vấn đề thành lập Học viện Kiểm toán, đại biểu đoàn Hà Nội đề cập, trong báo cáo của cơ quan Kiểm toán có đề nghị việc nâng cấp Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm toán thành Học viện, thì đây là vấn đề cần cân nhắc thật kỹ. Đại biểu cho rằng, chưa chắc việc thành lập Học viện Kiểm toán thì công tác kiểm toán sẽ được làm tốt hơn. Bởi, để có một kiểm toán viên tốt không chỉ có các nghiệm vụ đơn thuần, mà cần phải có một kiến thức rất tổng hợp...

Vấn đề cuối cùng theo đại biểu Hoàng Văn Cường đó là vấn đề liên quan đến chất lượng Kiểm toán Nhà nước, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị, cần phải có quy định rõ ràng hơn về việc kiểm soát chất lượng Kiểm toán. Đề cập vấn đề này đại biểu cho biết, trong Luật chúng ta giao cho các Ủy ban Quốc hội, hội đồng dân tộc việc giám sát lĩnh vực Kiểm toán.

Vì thế, đại biểu đề nghị, cần giao cho một đơn vị, cơ quan cụ thể như Ủy ban tài chính ngân sách; đồng thời, đơn vị này phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các việc kiểm soát chất lượng hiệu quả, các hoạt động giám sát kiểm toán. Bên cạnh đó, không nên tăng cường thêm đội ngũ kiểm toán mà cần kiến nghị những chính sách để tăng cường khuyến khích chế độ cho những người trong lĩnh vực kiểm toán,… Theo đại biểu Cường, khi có được chế độ thỏa đáng, thì sẽ thực hiện được phương châm không cần tham nhũng, kèm theo đó có lực lượng kiểm toán độc lập, cũng sẽ tạo được cơ chế không dám tham nhũng qua đó, sẽ trở thành yếu tố rất tốt trong việc tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này