Góp sức trẻ để phục vụ độc giả tốt hơn

20:36 | 01/04/2021
(LĐTĐ) Nếu ví tòa soạn báo như một “binh chủng”, thì những phóng viên trẻ chính là lực lượng xung kích tuyến đầu. Không kể gian khó, ngày đêm, hễ ở đâu Ban Biên tập yêu cầu là ở đó có đội ngũ phóng viên trẻ sẵn sàng tác nghiệp. Kỷ niệm 28 năm Ngày báo Lao động Thủ đô ra số đầu tiên cũng là dịp để các phóng viên trẻ của Báo nhớ lại những kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp và dự cảm rút ra những bài học cho cuộc sống cũng như góp phần đưa Lao động Thủ đô ngày càng phát triển.
Luôn “sát cánh” cùng người lao động Người bạn thân thiết, tin cậy của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động Tiếp tục khẳng định uy tín của tờ báo Công đoàn

Phóng viên Đinh Luyện:

Mong lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội

Nghề báo đi nhiều. Điều này hẳn nhiên đúng. Nhưng với riêng tôi, có những chuyến đi không đơn thuần chỉ là để tìm đề tài, thu thập tư liệu viết bài mà qua đó còn giúp tôi có những cái nhìn mới về nghề, về cuộc sống để trưởng thành hơn, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn… Chuyến đi theo đoàn cứu trợ Công đoàn Bệnh viện E đến những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của cơn bão số 13 ở các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh năm 2020 là chuyến đi như thế.

Góp sức trẻ để phục vụ độc giả tốt hơn

Đến nơi, tôi xót xa khi nghe những chuyện kể về việc đồng ruộng lũ cuốn bị mất trắng; thương cảnh người dân thiếu thốn, không được đủ đầy… Suốt dọc đường đi, tôi gặp những tấm lòng khắp nơi mang gạo, muối, mì tôm đến với người dân vùng lũ; tấm lòng trị bệnh miễn phí giúp dân nghèo của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ; những nỗ lực của chính quyền địa phương để tìm ra phương cách giải quyết, giúp người dân khôi phục sản xuất.

Thương người như thể thương thân, tôi chợt nhớ lời Phật dạy, yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả. Thời nào, lúc nào, ở đâu cũng gặp tình cảm cao cả ấy. Trong hoạn nạn điều này càng tỏa sáng, rõ nét. Sau bão lũ, đi dọc nhiều cánh đồng, tôi bắt gặp hình ảnh người nông dân bì bõm vung cuốc be bờ. Họ tất bật xuống giống trên những cánh đồng bị bùn vùi ngập. Bà con đang tiếp tục nuôi một tinh thần xuống đồng, khôi phục những vạt đất, vườn rau và bỏ lại phía sau những bão lụt.

Nghề báo là vậy, cuộc đời là những chuyến đi và còn rất nhiều chuyến đi để nhớ, để thương trong tôi. Tôi nhiệm ra rằng, có những chuyến đi, tôi “bội thu” tin, bài, ảnh chất lượng, được bạn đọc đón nhận, song cũng không hiếm chuyến đi “trắng tay” bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, có một điều tôi chắc chắn rằng thời gian công sức mà mình bỏ ra không hề uổng phí bởi mỗi chuyến đi đã giúp tôi có thêm nhiều hiểu biết về những vùng đất, con người nơi tôi đến.

----------------------------------------------------------

Phóng viên Phạm Thảo:

Trưởng thành hơn qua từng chuyến đi

Thấm thoát đã gần bốn năm tôi gắn bó với báo Lao động Thủ đô - một trong những địa chỉ tin cậy của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động. Ai cũng có những bước đi chập chững đầu tiên khi mới bước vào nghề, nhất là trong môi trường khắc nghiệt như làm báo.

Góp sức trẻ để phục vụ độc giả tốt hơn

Sự bỡ ngỡ ban đầu như rào cản mà ai muốn vào nghề cũng cần phải phá vỡ nó. Từ những tin sự kiện nhỏ tới những bài phỏng vấn chuyên sâu, dần dần, tôi bắt nhịp được với sự chuyển động của báo chí, của sự kiện hay những vấn đề nóng đang diễn ra trong đời sống xã hội. Mỗi nghề nghiệp đều phải có những phẩm chất riêng, nhưng nghề báo cần hơn cả là sự tâm huyết, luôn đề cao đạo đức của một người làm báo chân chính.

Nhớ như in buổi ban đầu khi tin/bài mình viết mắc phải những sai sót, những lần bị Ban Biên tập, Trưởng Ban chuyên môn nhắc nhở. Thú thực, có những lúc tôi cảm thấy chạnh lòng. Thậm chí có ý định bỏ cuộc. Nhưng hơn cả, là trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với những gì mình viết. Để từ đó tôi tích lũy kinh nghiệm, rút ra bài học cho chính mình. Tích cực học hỏi từ đồng nghiệp của mình, trau dồi thêm những lĩnh vực đề tài mình theo đuổi. Thế mới nói, nghề báo “đa-zi-năng” hơn bất kể ngành nghề nào.

Gần bốn năm trôi qua, chuyện “ăn ngủ” với đề tài, nhân vật hay những chuyến đi xa bất chợt là chuyện thường tình. Có ai được đi nhiều như nghề báo. Mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm. Mỗi câu chuyện là cách để mình tự rút ra bài học cho mình và cho tất cả mọi người. Được thấy mình trưởng thành qua những chuyến đi, những bài viết luôn khiến tôi tự hào và yêu nghề hơn.

Với những gì đã làm được, trước niềm vui kỷ niệm 28 năm xây dựng và trưởng thành, bên cạnh sự phấn khởi, tự hào, tôi nhận thấy bản thân còn rất nhiều điều phải phấn đấu, tôi luyện để góp sức đưa báo Lao động Thủ đô ngày càng gần gũi hơn với bạn đọc, không xa rời cuộc sống; xứng đáng là diễn đàn của tổ chức Công đoàn và công nhân lao động Thủ đô, nơi gửi gắm niềm tin của công nhân viên chức lao động và cán bộ Công đoàn.

----------------------------------------------------------

Phóng viên Phương Ngân:

Luôn tự làm mới bản thân

Làm việc tại cơ quan đã 3 năm, tôi may mắn khi được chứng kiến tờ báo của chúng tôi “thay da đổi thịt” và ngày càng phát triển vững mạnh, là một tờ báo có bản sắc rất riêng. Không chỉ đầu tư về nội dung chuyên sâu, các bài viết trên báo cũng được trình bày đẹp mắt, đa dạng về cách thức thể hiện. Đó chính là những bài longfrom, emagazine (dạng bài sâu được thiết kế như tạp chí trên báo in), giao lưu trực tuyến… được đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của báo đầu tư rất nhiều chất xám, được đông đảo độc giả đón nhận.

Góp sức trẻ để phục vụ độc giả tốt hơn

Để có được sự đổi mới đòi hỏi phóng viên phải “làm mới bản thân” và không ngừng trau dồi kiến thức để bắt kịp với xu hướng phát triển của thời đại công nghệ số. Những người làm báo không chỉ trang bị kỹ năng thu thập thông tin, phỏng vấn, viết bài mà cần phải sử dụng thành thạo công nghệ để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng, thu hút độc giả.Vốn là đã quen với cách làm báo truyền thống, khi các hình thức sáng tạo trở thành xu thế của nhiều tờ báo, tôi đã mày mò, thử nghiệm cách làm các tác phẩm dạng longform và các sản phẩm đồ họa.

Ở các chuyến công tác hay những lần đi tác nghiệp, hành trang của tôi mang theo không chỉ còn cuốn sổ, cây bút ghi chép và thay vào đó là hàng loạt các thiết bị như điện thoại thông minh, laptop, máy ghi âm, máy ảnh, máy quay nhằm tối ưu hóa việc sáng tạo tác phẩm làm sao đảm bảo nhanh, đa dạng tư liệu để tạo nên tác phẩm hấp dẫn, thỏa mãn thị giác của bạn đọc vốn đang chịu ảnh hưởng văn hóa đọc từ không gian mạng…

Không chỉ riêng tôi mà phần lớn phóng viên của báo Lao động Thủ đô đang không ngừng trau dồi nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân, dù là bất kể ai, ở bất kỳ độ tuổi nào để tờ báo ngày càng phát triển và phục vụ nhu cầu độc giả. Cống hiến từng ngày được độc giả đón nhận chính là niềm hạnh phúc của phóng viên trẻ báo Lao động Thủ đô.

----------------------------------------------------------

Phóng viên Minh Phương:

Yêu “sứ mệnh” của một người truyền tin

Tròn một năm trải nghiệm công việc của phóng viên với nhiều thử thách đã cho tôi sự trưởng thành cả về vốn sống và tri thức. May mắn đến với tôi khi được cơ quan phân công đi cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh vùng 2 hải quân đến thăm, chúc Tết sớm các nhà giàn DK1 trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc trong những ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020. Lần đầu tiên xa nhà, xa gia đình đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc mãi đến hôm nay.

Góp sức trẻ để phục vụ độc giả tốt hơn

Chuyến hành trình trên biển nhiều ngày, tôi được cùng ăn, ngủ, sinh hoạt, được đón giao thừa sớm cùng các chiến sĩ Hải quân. Những ngày đầu, trong điều kiện biển động, sóng gió cấp 6, cấp 7,đoàn không thể tiếp cận nhà giàn nên đã chuyển quà và chúc Tết qua hệ thống thông tin. Và rồi, điều mong chờ nhất của tôi và các đồng nghiệp đã đến, lần đầu tiên chúng tôi được trải nghiệm cảm giác “bay” qua nhà giàn bằng ròng rọc.

Đặt bước chân đầu tiên lên bậc cầu thang trên nhà giàn, tôi tự nhủ “những bước chân đầu tiên trong đời làm nghề đã đưa tôi đến đây, phải làm sao để bước qua sóng gió, thử thách để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ truyền trải thông tin”. Sau hơn 12 ngày vượt sóng to gió lớn, đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về đất liền với bao cảm xúc không thể nói hết bằng lời.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, báo Lao động Thủ đô thành lập nhóm phản ứng nhanh Covid-19 để kịp thời lao vào những tâm nóng đưa những thông tin, hình ảnh sinh động, thực tế về cuộc chiến chống lại đại dịch. Với tôi, dù có khó khăn đến mấy thì những phóng viên chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục dấn thân bởi sứ mệnh của người làm báo là đưa đến thông tin mà người dân cần.

----------------------------------------------------------

Phóng viên Mai Quý:

Hạnh phúc khi cầm đàn hát giữa Trường Sa

Vốn là một sinh viên khoa Văn của trường Sư phạm nhưng đam mê với nghề báo đã thôi thúc tôi thử sức tại các tòa soạn báo ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Tốt nghiệp đại học không lâu, tôi được nhận vào làm việc tại báo Lao động Thủ đô - một môi trường báo chuyên nghiệp, năng động, nơi mà những điều tốt đẹp trong xã hội được lan tỏa qua từng trang báo.

Góp sức trẻ để phục vụ độc giả tốt hơn

Và thật may mắn khi tôi được Ban Biên tập cử đi công tác ở những nơi mà có lẽ nếu không theo nghề báo chắc hẳn tôi sẽ hiếm có dịp được đặt chân đến, đó là các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các Nhà giàn DK1, các đồn biên phòng dọc biên giới giữa Việt Nam và nước bạn Lào, Campuchia…

Mỗi chuyến công tác với tôi là một hành trình đầy thú vị. Mặc dù nhiều khi thấm mệt vì phải băng qua đèo núi hiểm trở hay phải vượt những con sóng dữ ngoài biển khơi bao la nhưng tôi luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng bởi tôi biết mình sắp được đặt chân đến những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Khi đến đồn biên phòng, ra Trường Sa hay lên Nhà giàn DK1, tôi được chứng kiến và tham gia vào nhiều hoạt động của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây, từ hoạt động văn hóa thể thao, tăng gia sản xuất đến tuần tra canh gác và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Được hòa mình vào cuộc sống của người lính nơi biên cương, đặc biệt được ôm đàn ghi- ta hát cùng các chiến sĩ ở đảo Trường Sa đã giúp tôi thấu hiểu, sẻ chia với những hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ đang ngày đêm vững tay súng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.Qua mỗi chuyến đi đã bồi đắp thêm trong tôi tình yêu Tổ quốc.

Từ tình yêu đó, tôi đã cụ thể hóa bằng những tác phẩm báo chí chân thực, sinh động để truyền tải tới bạn đọc trong và ngoài nước. Qua đó, khẳng định chủ quyền dân tộc và góp phần tiếp thêm sức mạnh để những cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở các vùng biên giới, ngoài các đảo Trường Sa, các Nhà giàn vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

----------------------------------------------------------

Phóng viên Lương Hằng:

Nghề cho tôi sự tự tin và trải nghiệm

Có lẽ, may mắn nhất của tôi là được đứng trong hàng ngũ phóng viên báo Lao động Thủ đô. Từ một phóng viên trẻ thiếu kinh nghiệm, tôi đã được Ban biên tập và các anh chị phóng viên kỳ cựu bảo ban, chia sẻ những kỹ năng trong quá trình tác nghiệp. Với tôi, mỗi cuộc gặp gỡ nhân vật hay mỗi chuyến công tác đều để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm.

Góp sức trẻ để phục vụ độc giả tốt hơn

Nhớ lại, những ngày đầu bước chân vào nghề, tôi khá rụt rè và nhút nhát. Ban đầu, khi phỏng vấn một ai đó, tôi rất ngần ngại vì sợ họ không trả lời. Thế nhưng, nhận thấy việc khai thác thông tin qua phỏng vấn là điều rất quan trọng, tôi đã dần khắc phục hạn chế đó của bản thân.Tôi bắt đầu cởi mở, giao tiếp nhiều hơn với những người xung quanh và cũng tự tin hơn khi phỏng vấn nhân vật. Cùng với việc tự tin hơn, tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm với nghề báo.

Kỷ niệm tôi nhớ nhất có lẽ phải kể đến lần quay phóng sự truyền hình về chương trình Mái ấm công đoàn cùng phóng viên Mai Quý. Do không quen nói trước máy quay nên nhân vật chúng tôi quay phỏng vấn khá run. Sau khoảng 15 phút, chị vẫn chưa thể trả lời trọn vẹn câu hỏi. Khi đó, anh Mai Quý đã rất kiên trì giúp chị bình tĩnh và trả lời câu hỏi của anh đưa ra. Dù chỉ là những điều nhỏ, thế nhưng việc bình tĩnh xử lý tình huống cũng là một trong kỹ năng quan trọng mà tôi học hỏi từ phóng viên Mai Quý để áp dụng vào công việc sau này.

Hay kỷ niệm trong chuyến thăm chúc Tết các cán bộ chiến sỹ Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân vào tháng 1/2020. Trong chuyến đi đó, có thời điểm, chúng tôi phải đi bộ khoảng 2km đường núi để gặp các chiến sỹ chốt trực trên đỉnh núi. Đến nơi, chưa kịp nghỉ ngơi, cả đoàn phải tranh thủ phỏng vấn, ghi hình để cho kịp thời gian về đất liền. Dù mệt nhọc, thế nhưng, ai nấy đều thấy vui vì đã chinh phục được ngọn đồi cao, được gặp các cán bộ chiến sỹ trên trạm. Còn tôi, sau mỗi chuyến đi, tôi luôn tự nhủ với bản thân phải đi thật nhiều để mở rộng hiểu biết, từ đó có những bài viết hay, xứng đáng là một phóng viên của tờ báo Thủ đô.

----------------------------------------------------------

Phóng viên Lê Thắm:

Nghề báo giúp tôi bản lĩnh hơn

Tính đến nay tôi đã có hơn 2 năm gắn bó với nghề báo, mặc dù khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để cảm nhận được những cung bậc cảm xúc vui buồn mà nghề mang đến. Nếu cho tôi được lựa chọn thêm lần nữa tôi vẫn sẽ chọn nghề báo – nghề đã mang lại cho tôi sự tự hào và bản lĩnh.

Góp sức trẻ để phục vụ độc giả tốt hơn

Ngày đầu tiên làm báo, nhiệm vụ đầu tiên mà tôi được phân công là đưa tin về vụ cháy khiến 2 người thiệt tại Đê La Thành (Hà Nội). Thời điểm tôi tới hiện trường lửa vẫn chưa được dập tắt, xe cứu hỏa liên tục hoạt động. Giữa đám đông hỗn độn, cô phóng viên nhỏ vừa run vừa mệt cứ loay hoay tìm cách tới thật gần để chụp ảnh, phỏng vấn người dân, đưa tin vụ cháy sao cho nhanh chóng và kịp thời nhất. Cuối cùng, bỏ qua những câu cảm thán: “Con gái không nên chọn theo mảng pháp luật, vất vả, nguy hiểm…” của các bạn nam xung quanh, tôi cũng thành công cho ra những tin bài thời sự đầu tiên.

Sau này, được Tòa soạn cho phép cùng làm đơn thư bảo vệ người lao động với các anh chị, qua mỗi vụ việc lại học hỏi được thêm cách thu thập thông tin, xử lý vấn đề, vận dụng kiến thức pháp luật vào quá trình làm việc, cách chống lại những cám dỗ mà nghề nghiệp mang tới.

Đặc biệt, khi theo mảng tòa án, ngoài việc đưa tin về các vụ án, phiên xét xử, với kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy tôi có thể tự tin tham gia tư vấn, đòi quyền lợi chính đáng cho những người yếu thế. Điển hình như đối với người nhà các nạn nhân trong vụ cháy xưởng khiến 8 người thương vong tại Trung Văn, Nam Từ Liêm…

Có thể nói, với tôi nghề báo là một nghề vinh quang, nhưng, vượt lên tất cả, điều giúp chúng tôi tiếp tục gắn bó và cống hiến với nghề đó chính là sự say nghề, trách nhiệm, đạo đức nghề báo và mục đích cuối cùng mà chúng tôi gửi gắm qua mỗi tác phẩm của mình đó chính là vì một xã hội tốt đẹp. /.

Nhóm phóng viên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này