Luôn “sát cánh” cùng người lao động

08:03 | 01/04/2021
(LĐTĐ) Thời gian qua, báo Lao động Thủ đô luôn đồng hành cùng người lao động. Ngoài nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhiều năm qua, báo Lao động Thủ đô còn chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chế độ, chính sách pháp luật đến đông đảo công nhân, viên chức, người lao động. Đặc biệt, khi nhận được đơn thư của người lao động gửi đến tòa soạn, Báo đã nhanh chóng cử cán bộ, phóng viên hỗ trợ người lao động, giúp họ đảm bảo những quyền lợi chính đáng.
Bắt đầu từ hỗ trợ, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động Chăm lo, bảo vệ người lao động hiệu quả

Giúp người lao động không bị mất tiền oan

Theo đơn phản ánh của chị Hoàng Thị Thuận trú tại thôn Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội), do cuộc sống gia đình khó khăn nên giữa năm 2019 anh Lê Thanh Sơn (chồng chị Thuận) có ý định đi xuất khẩu lao động để thay đổi cuộc sống. Qua giới thiệu của một số người quen ở Hà Tĩnh, vợ chồng chị Thuận đã tìm đến Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư VHC Jinzai Network (Công ty VHC) có trụ sở tại số 42 Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Luôn “sát cánh” cùng người lao động
Đơn thư phản ánh của chị Thuận về việc bị nhân viên Công ty VHC ôm tiền đặt cọc bỏ trốn

Trực tiếp đến Công ty VHC để được tư vấn, vợ chồng chị Thuận đã gặp Hoàng Viết Đức (sinh năm 1990) tại tầng 1 của công ty và giới thiệu là nhân viên tuyển dụng. Sau khi được Đức tư vấn về thị trường lao động Romania với mức giá xuất khẩu lao động 58 triệu đồng, vợ chồng chị Thuận đã đồng ý. Khoảng đầu tháng 9/2019, Đức có điện thoại cho vợ chồng chị thông báo chuẩn bị sang Đông Anh để thi tay nghề theo đơn hàng đã đăng ký. Ngày 14/9/2019, Hoàng Viết Đức có thông tin vào zalo của chị Thuận cho biết chồng chị đã thi đậu. Theo đó, Đức cũng thông báo cho gia đình chị Thuận chuẩn bị một số giấy tờ cùng với số tiền là 30 triệu đồng để đặt cọc, đồng thời cho biết, sau 2-3 tháng thi đỗ và hoàn thiện hồ sơ thì anh Sơn sẽ xuất cảnh. Ngày 20/9/2019, theo lịch hẹn, vợ chồng chị Thuận đến Công ty VHC gặp Đức để nộp tiền cọc nhưng không gặp. Sau đó, Đức đã nhờ một nhân viên tư vấn khác tên là Phương nhận giúp.

Sự việc không có gì để nói nếu như anh Lê Thanh Sơn đi xuất khẩu lao động thành công. Thế nhưng, gần 8 tháng trôi qua việc xuất cảnh của anh Sơn vẫn “bặt vô âm tín”. Nóng ruột, đầu tháng 3/2020 chị Thuận tìm đến Công ty VHC để hỏi nhưng không gặp Đức, liên hệ theo điện thoại thì không liên lạc được. Sau đó, chị Thuận nhắn tin vào zalo thì Đức hồi âm và cho biết, chồng chị không đi được, đồng thời hứa sẽ trả lại tiền đặt cọc sau 10 ngày nhưng hiện tại vẫn không thấy. Quá bức xúc, chị Thuận tìm đến Công ty VHC để làm rõ sự việc thì được đại diện Công ty cho biết Đức đã nghỉ việc. Đồng thời, người đại diện công ty cũng thông báo trả lại hồ sơ nhưng không kèm theo tiền cọc, do đó chị Thuận không đồng ý rút hồ sơ về.

Để làm rõ thông tin phản ánh của gia đình chị Thuận, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã tìm hiểu, liên hệ làm việc với Công ty VHC và đã giúp vợ chồng chị Thuận lấy lại số tiền đã nộp cho Hoàng Viết Đức - nhân viên tuyển dụng của Công ty VHC.

Người lao động khởi kiện thành công

Tháng 8/2019, Tòa án nhân dân quận Đống Đa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Kim Yến và bị đơn là Công ty Thắng Lợi. Hội đồng xét xử đã yêu cầu Công ty Thắng Lợi phải trả lương cho bà Yến (từ tháng 7/2019 đến 11/8/2020) và hỗ trợ trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật với tổng số tiền là 89.489.660 đồng. Đồng thời, buộc Công ty Thắng Lợi phải đóng bảo hiểm xã hội cho bà Yến từ tháng 7/2019 đến tháng 8/2020, sau đó trả sổ bảo hiểm xã hội cho bà Yến.

Trước đó, trong đơn kêu cứu gửi đến báo Lao động Thủ đô, bà Yến cho biết, bà làm việc cho Công ty Thắng Lợi theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 01/4/2007. Vào đầu năm 2019, do mẹ bị bệnh nặng nên bà có đơn gửi Công ty Thắng Lợi xin nghỉ không hưởng lương. Công ty Thắng Lợi chấp thuận đề nghị của bà. Thế nhưng, trong khi bà đang nghỉ không lương thì Công ty Thắng Lợi ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà.

Cho rằng, Công ty Thắng Lợi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với mình như vậy là chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên bà Yến đã gửi đơn kêu cứu đến báo Lao động Thủ đô. Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã trực tiếp làm việc với các bên liên quan. Quá trình xác minh cho thấy trong suốt quá trình làm việc tại Công ty Thắng Lợi, bà Yến luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không vi phạm Hợp đồng lao động, không bị xử lý kỷ luật lao động,... Đặc biệt, từ khi bà Yến xin nghỉ, Công ty Thắng Lợi chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu bà Yến đi làm trở lại. Bên cạnh đó, mặc dù xin nghỉ không hưởng lương nhưng khi Công ty có yêu cầu, bà Yến vẫn hỗ trợ Công ty giải quyết các công việc phát sinh.

Nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm hại nghiêm trọng, báo Lao động Thủ đô đã giúp người lao động kết nối với các luật sư, đồng thời tiếp tục đồng hành với người lao động trong quá trình khởi kiện tại Tòa án. Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Bích Lan – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Yến nhận định, trong toàn bộ quá trình làm việc tại Công ty Thắng Lợi, bà Yến luôn hoàn thành tốt công việc theo Hợp đồng và các công việc được giao. Mặt khác, trong quá trình giải quyết việc chấm dứt Hợp đồng lao động với bà Yến, cũng như trong quá trình giải quyết tại Tòa án, Công ty Thắng Lợi không đưa ra được bất kỳ căn cứ nào chứng minh Công ty có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với bà Yến. Sau khi nghe các bên trình bày, hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Yến và xác định Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty Thắng Lợi với bà Yến là trái pháp luật. Theo đó, bà Yến được hưởng những quyền lợi theo đúng quy định pháp luật.

Báo Lao động Thủ đô luôn xác định, khi đã đồng hành cùng người lao động thì phải tìm mọi biện pháp để mang lại kết quả tốt nhất theo đúng quy định của pháp luật. Nếu vụ việc kéo dài thì Báo vẫn đồng hành cùng người lao động chứ không “đem con bỏ chợ”. Điều này đã mang lại niềm tin cho người lao động. Cũng qua những việc làm này, người lao động thực sự nhận được nhiều quyền lợi và sự quan tâm.

Đây chỉ là một trong số những người lao động đã được báo Lao động Thủ đô hỗ trợ đòi quyền lợi. Sau phiên xét xử, bà Yến xúc động nói lời cảm ơn và chia sẻ: “Trong nhiều năm công tác, tôi luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao và sống chan hòa với các đồng nghiệp vậy mà đột nhiên bị công ty ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tôi rất buồn và hoang mang. Trong lúc bế tắc như vậy, tôi đã được báo Lao động Thủ đô hỗ trợ và giúp tôi đòi được quyền lợi chính đáng”.

Trách nhiệm của tổ chức Công đoàn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Báo Lao động Thủ đô cũng trên tinh thần ấy mà luôn “sát cánh” cùng người lao động. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà Báo sẽ tư vấn, hỗ trợ người lao động sao cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với những vụ việc người lao động có hành vi vi phạm và phía doanh nghiệp đã làm theo đúng trình tự thủ tục thì cán bộ, phóng viên sẽ phân tích, giải thích cho người lao động hiểu. Ngược lại, đối với trường hợp hồ sơ của người lao động có cơ sở, có cơ hội thắng thì Báo sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ tận tình nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ. Có những vụ việc chỉ cần cán bộ, phóng viên đồng hành với người lao động ngay từ đầu là có thể sớm đòi được quyền lợi. Báo Lao động Thủ đô luôn xác định, khi đã đồng hành cùng người lao động thì phải tìm mọi biện pháp để mang lại kết quả tốt nhất có thể. Nếu vụ việc kéo dài thì Báo vẫn đồng hành cùng người lao động chứ không thể “đem con bỏ chợ”. Điều này đã mang lại niềm tin cho người lao động. Cũng qua những việc làm này, người lao động thực sự nhận được nhiều quyền lợi và sự quan tâm./.

H.Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này