Công nhân mong muốn thay đổi gì về đời sống, việc làm?

12:58 | 30/03/2021
(LĐTĐ) Với mong muốn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, thông qua trang Fanpage của mình, Công đoàn Việt Nam đã lấy ý kiến rộng rãi trong công nhân lao động với chủ đề: “Là một công nhân, bạn có mong muốn thay đổi gì đời sống và việc làm”?
Thiết lập kênh thông tin thông suốt để chủ động nắm tình hình quan hệ lao động Khẳng định vai trò kênh thông tin quan trọng Kênh thông tin thiết thực cho người lao động

Mong muốn bình dị của công nhân lao động

Có thể nói, nội dung trên đã “chạm” đến tâm tư, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Theo đó, chủ đề đã nhanh chóng nhận được những chia sẻ tâm huyết và những bàn luận khá sôi nổi. Chia sẻ về mong ước của mình, bạn Hòa Thu ở Nam Định bày tỏ: Mong cho tất cả các công nhân lao động đi làm thuê được các chủ công ty, doanh nghiệp thực hiện đúng Luật lao động của Nhà nước. Vậy là hạnh phúc lắm lắm rồi.

Còn bạn Nguyễn Thọ bày tỏ: Là công nhân, chỉ mong được tăng lương, giảm giờ làm, lương đủ trang trải cuộc sống, nhưng vẫn có thời gian lo cho gia đình và vui chơi, chứ như bây giờ, nếu công nhân về sớm thì lương không có bao nhiêu, mà tăng ca suốt thì không có thời gian lo cho gia đình, về tới nhà là con cái ngủ hết rồi.

Fanpage Công đoàn Việt Nam kênh thông tin hữu ích

Công nhân lao động luôn mong có việc làm, thu nhập ổn định. (Ảnh minh họa: B.D)

Tâm huyết với chủ đề này, bạn Bích Thuận chia sẻ: Là một người công nhân, tôi mong muốn tất cả mọi người đã và đang đi làm trước hết có một công việc ổn định, phù hợp với khả năng lao động của bản thân, một mức thu nhập hợp lý phù hợp với sức lao động mình bỏ ra.

Mong sao cho các ông chủ công ty, doanh nghiệp luôn tuân thủ và thực hiện đúng, đủ Luật lao động của pháp luật Nhà nước Việt Nam, luôn tạo cho người lao động môi trường làm việc thoải mái, an toàn và công bằng nhất có thể trong quá trình sản xuất, luôn lắng nghe, quan tâm đến ý kiến đóng góp của người lao động để góp phần tạo ra một môi trường, không khí làm việc lành mạnh nhất có thể.

Mong đồng lương mình làm ra, dù không dư thừa nhưng cũng đủ để trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Mong công việc mình đang làm không gặp phải áp lực, khó khăn để khi tan ca về bên gia đình có thể vui vẻ, thoải mái, không phải lo nghĩ gì. Mong anh chị trong công ty doanh nghiệp luôn vui vẻ, hoà đồng để có thể xem nơi mình làm việc là ngôi nhà thứ hai. Mong Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh và phát triển hơn nữa để luôn xứng đáng là chỗ dựa vững chắc cho công nhân lao động và vì người lao động.

Cũng rất tâm huyết với chủ đề này, anh Tú ở Thái Nguyên cho biết: Là một công nhân, một đoàn viên công đoàn, tôi và phần lớn các bạn công nhân khác, khi bước ra khỏi nhà đến công ty, xí nghiệp... đều có những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn thay đổi cái gì đó trong đời sống cũng như công việc làm của mình được tốt đẹp hơn.

Theo anh Tú, về đời sống, có lẽ mong muốn lớn nhất của công nhân là có thật nhiều sức khỏe, không bị ốm đau bệnh tật gì cả, để có thể làm việc kiếm tiền nuôi sống chính mình và gia đình. Về thời gian, mong muốn có nhiều thời gian hơn bên gia đình, người thân, chăm sóc con cái học hành; các bạn trẻ, thanh niên có nhiều thời gian để tìm hiểu yêu đương hơn.

Mong sao tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có nhà trẻ, trường mầm non cho con công nhân, để không còn cảnh con em công nhân phải xa bố mẹ, gửi về quê cho ông bà chăm sóc nữa. Mong sao nhà ở xã hội giá rẻ cho công nhân được hình thành xây dựng nhiều hơn, để công nhân lao động không phải sống trong căn phòng trọ chật hẹp, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần nữa.

Mong Nhà nước kiểm soát lạm phát tốt hơn nữa, không mỗi lần tăng lương là giá cả xăng dầu, điện nước, thức ăn... đều tăng theo. Không nên tăng tuổi nghỉ hưu tất cả ngành nghề, mà chỉ nên tăng 1 số ngành nghề, công việc tiếp xúc yếu tố nguy hiểm, độc hại...

Về việc làm, có lẽ mong muốn lớn nhất lúc này là dịch Covid-19 chấm dứt, công ty ổn định, phát triển trở lại, qua đó tạo ra nhiều việc làm cho lao động. Mong công ty đưa vào sử dụng nhiều máy móc trang bị hiện đại hơn nữa giúp giải phóng sức lao động cho công nhân. Môi trường làm việc tuyệt đối an toàn, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, đảm bảo giảm thiểu tối đa bệnh nghề nghiệp cho công nhân.

Đối xử bình đẳng, không trù dập công nhân. Nâng cao hơn nữa chế độ phúc lợi cho công nhân. Khen thưởng kịp thời với những cải tiến có lợi cho công ty. Và mong muốn cuối cùng, chắc hẳn tất cả công nhân lao động đều mong muốn đó là tiếp tục tăng lương, giảm giờ làm thêm. Mong Công đoàn cơ sở ngày càng phát triển lớn mạnh, quan tâm hơn nữa, là chỗ dựa vững chắc cho công nhân lao động.

Mong có môi trường làm việc an toàn

Qua tổng kết các ý kiến trên Fanpage Công đoàn Việt Nam cho thấy, phần lớn công nhân lao động bày tỏ mong ước về môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, từ đó sẽ tạo không khí hăng say lao động sản xuất, hứng khởi đóng góp cho doanh nghiệp. Theo bạn Tiên Nguyên ở Hưng Yên: Tạo môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, năng động, đoàn kết, để người lao động có cảm hứng sáng tạo, gắn bó hoàn thành tốt công việc được giao.

Cùng chung ước nguyện này, bạn Dương Tú Quỳnh ở Hải Phòng cho biết: Là công nhân, tôi mong muốn có một môi trường làm việc an toàn và ổn định, thu nhập đủ điều kiện nộp thuế thu nhập cá nhân, làm tròn trách nhiệm với xã hội.

Đặt vấn đề mong chủ doanh nghiệp cùng Ban lãnh đạo công ty tạo cho công nhân một cảm giác “An toàn” trong đời sống và tinh thần, bạn Ngọc Mai ở Gia Lai bày tỏ: An toàn trong đời sống là đảm bảo công việc lâu dài, ổn định, tuân thủ đầy đủ về pháp luật lao động... An toàn về tinh thần là công nhân được làm trong môi trường mà tinh thần được thoải mái, được quan tâm, bố trí đầy đủ chỗ ở, cơm trưa, thăm hỏi khi ốm đau…

Đây cũng là mong ước của bạn Chu Bằng, khi cho rằng: Mong muốn giản dị của công nhân và người lao động là: Công việc ổn định, được công nhận và nhận được sự tôn trọng, môi trường làm việc thoải mái, cam kết lâu dài với công việc, hạn chế yếu tố gây khó chịu, tăng cường những mặt khiến người lao động hài lòng, cân bằng được giữa công việc và cuộc sống, thời gian và không gian làm việc hợp lý, dành thời gian nghỉ ngơi, tạo điều kiện cho công nhân đi nghỉ mát để tạo cảm giác gắn bó, có chế độ tuyên dương khen thưởng để họ có động lực cống hiến nhiều hơn; và Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên và Liên đoàn Lao động cũng phải khẳng định rõ hơn vai trò của mình, để bảo vệ, hỗ trợ đoàn viên, công nhân, người lao động tốt hơn.

Công nhân mong gì ở tổ chức Công đoàn?

Bày tỏ nguyện vọng của mình trên Fanpage của Công đoàn Việt Nam, bạn Vô Thường cho rằng: Công đoàn là mái ấm, là động lực để đoàn viên phấn đấu và phát triển, mong Công đoàn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của tất cả các đoàn viên. Cụ thể hơn nguyện vọng của mình, bạn Hung Nguyen ở Yên Bái bày tỏ: Mong Công đoàn phát động đến toàn thể đoàn viên công đoàn, người lao động phong trào tập thể dục giữa giờ làm việc (từ 5-10 phút), để giảm thiểu bệnh về cột sống. Từ buổi thể dục do Công đoàn phát động, mỗi đoàn viên cũng thấy được vai trò của Công đoàn trong chăm lo sức khoẻ cho đoàn viên, người lao động…

Đáp ứng nguyện vọng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, trong tháng 5/2021 - tháng cao điểm của các hoạt động Tháng Công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở tổ chức lắng nghe đoàn viên, người lao động trong doanh nghiệp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc và cấp bách, có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng đến đông đảo đoàn viên, người lao động

Chia sẻ về Chương trình “Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ” trong Tháng Công nhân năm nay, ông Trần Thanh Hải cho biết: Nhiệm kỳ 2018-2023, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Vì vậy, Công đoàn Việt Nam cần khẳng định vai trò là điểm tựa của người lao động và để người lao động tin tưởng, đồng hành và lựa chọn, gắn bó như một thành viên hữu cơ trong gia đình Công đoàn. Đây cũng là lý do thực hiện Chương trình “Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ” như một sự cam kết Công đoàn luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu để đặt đoàn viên làm trung tâm trong mọi hoạt động./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này