Chuyện người phụ nữ vùng cao thoát nghèo

10:26 | 30/03/2021
(LĐTĐ) Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, ngay từ nhỏ, chị Lò Thị Liên đã thấm thía được nỗi vất vả của công việc đồng áng. Để vươn lên thoát nghèo và khẳng định phụ nữ cũng có thể làm kinh tế giỏi, chị Liên đã mạnh dạn triển khai mô hình sản xuất tinh dầu quế, tinh dầu sả ngay trên địa bàn xã, mang lại công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Trao cơ hội thoát nghèo Hướng đi mới, thoát nghèo từ mô hình trồng sen

Tận dụng thế mạnh của vùng nguyên liệu

Chúng tôi gặp chị Lò Thị Liên trong hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, thành phố Hà Nội. Trong bộ trang phục dân tộc Tày truyền thống, chị Liên đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vì đã có thành tích tiêu biểu trong triển khai chương trình OCOP.

Chuyện người phụ nữ vùng cao thoát nghèo
Chị Lò Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vì có thành tích tiêu biểu trong triển khai chương trình OCOP. Ảnh: Lương Hằng

Dáng người nhỏ bé, thế nhưng, khi nói chuyện với chúng tôi về sản phẩm tinh dầu, ánh mắt chị toát lên sự nhiệt huyết và đam mê. Chị Lò Thị Liên là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên. Hợp tác xã chuyên sản xuất sản phẩm tinh dầu quế và tinh dầu sả nguyên chất cung cấp cho thị trường trong nước. Có thể nói, sản phẩm tinh dầu sả, tinh dầu quế Bảo Yên đã trở thành thương hiệu không thể không nhắc đến của huyện Bảo Yên hiện tại.

Có lẽ vì gắn bó với cái nghèo quá lâu nên mong ước đổi đời, vươn lên thoát nghèo của người dân nơi đây càng lớn. Được biết, xã Vĩnh Yên là xã vùng III có điều kiện kinh tế khá khó khăn của huyện Bảo Yên. Sinh sống trên địa bàn xã hiện tại có 4 dân tộc chủ yếu gồm: Người Tày, người H’Mông, người Kinh, người Dao,trong đó dân tộc Tày chiếm đại đa số. Cách đây khoảng hơn chục năm về trước, cây lúa và một số loại cây hoa màu khác là nguồn thu nhập chính của người dân. Tuy nhiên, khi làm nông nghiệp, người dân chịu không ít những rủi ro như sâu bệnh hại, bão lũ… nhiều gia đình không thể trụ được bằng nghề làm nông nghiệp nên phải đi nơi khác kiếm sống.

Mãi cho tới năm 2002, nhận thấy giá trị kinh tế lớn của cây quế, cây sả, nhiều hộ gia đình tại xã Vĩnh Yên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ những quả đồi trọc khô cằn, người dân đã phủ xanh bằng những cây quế khỏe mạnh; các vùng trồng ngô, sắn kém hiệu quả cũng được thay thế bởi màu xanh cây sả. Do khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên chỉ sau một vài năm, xã Vĩnh Yên đã trở thành vùng nguyên liệu quế, sả lớn của huyện Bảo Yên, được nhiều thương buôn tìm tới thu mua nguyên liệu.

Theo thống kê của xã Vĩnh Yên, tính đến tháng 6/2020 trên địa bàn xã Vĩnh Yên có trên 2.200 ha trồng quế và 60ha trồng sả. Toàn huyện Bảo Yên có trên 20.000 ha trồng quế và trên 300 ha trồng sả. Nhận thấy tiềm năng của vùng nguyên liệu là rất lớn, chị Liên đã nảy sinh ý tưởng thu mua tinh dầu thô của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn chế biến nông sản xuất khẩu Sơn Hải để tinh chế thành sản phẩm tinh dầu.

Cùng đó, chị Liên vận động các hộ dân trong xã liên kết trồng giống quế do bên chị cung cấp, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân, cam kết thu mua bằng với giá thị trường để người dân yên tâm trồng trọt. Để hoàn thành dự kiến sản xuất khoảng 200 lít tinh dầu nguyên chất trong 1 năm, chị Liên đã cùng người dân trong xã thành lập Hợp tác xã để cùng nhau phát triển sản phẩm.

Tới tháng 6/2020, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Vĩnh Yên chính thức được thành lập. Hiện tại, hợp tác xã đang duy trì 12 thành viên tham gia vào sản xuất tinh dầu quế, tinh dầu sả. Do còn khó khăn về vốn nên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên không tiến hành thu mua tận gốc nguyên liệu, thay vào đó, Hợp tác xã thu mua dầu thô để tinh chế thành sản phẩm tinh dầu nguyên chất.

“Hiện nay, nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động sản xuất, chế biến tinh dầu quế, tinh dầu sả của hợp tác xã Vĩnh Yên còn hạn chế, chưa thể mở rộng dây chuyền sản xuất khép kín từ chế biến nguyên liệu đầu vào đến đóng gói sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Do vậy, Hợp tác xã đã tiến hành liên kết với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn chế biến nông sản xuất khẩu Sơn Hải để hợp đồng mua dầu quế, dầu sả thô để tinh chế, lọc bỏ tạp chất cho ra sản phẩm tinh dầu quế, tinh dầu sả Bảo Yên nguyên chất”- chị Liên chia sẻ.

Thành sản phẩm tinh dầu nguyên chất giá trị cao

Theo chị Liên, để sản xuất ra sản phẩm tinh dầu quế nguyên chất phải trải qua rất nhiều công đoạn. Ngay sau khi thu mua cành, lá, ngọn quế từ người dân, các nguyên liệu sẽ được băm nhỏ và được đưa vào hệ thống nồi hơi. Bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước hiện đại, tinh dầu quế sẽ ít bị nhiễm tạp chất và có độ tinh khiết, đạt chất lượng cao. Chính do quy trình sản xuất phức tạp nên giá tinh dầu quế nguyên chất khi bán ra thị trường cũng có giá rất cao.

“Tinh dầu quế nguyên chất có tính nóng, có khả năng khử trùng và sát khuẩn tốt. Không chỉ vậy, tinh dầu quế còn đặc biệt tốt cho lưu thông máu. Chỉ cần nhỏ vài giọt tinh dầu vào chậu nước ấm, ngâm khoảng 15 phút sẽ giúp bàn chân cực kỳ thoải mái, mềm mại. Các bà nội trợ cũng rất ưa chuộng sản phẩm này vì chúng có nguồn gốc thiên nhiên, có khả năng khử mùi mạnh, rất hiệu quả trong việc vệ sinh sàn nhà, trong bếp, đồ gỗ…” – chị Liên cho hay.

Theo tính toán với việc phát triển sản phẩm tinh dầu quế, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên sẽ có tổng doanh thu khoảng 500 triệu đồng trong năm đầu tiên phát triển sản phẩm. Sau khi trừ chi phí, Hợp tác xã sẽ thu về khoảng gần 150 triệu đồng. Như vậy, nếu có thị trường ổn định, nguồn cung dồi dào và dây chuyền sản xuất được mở rộng thì doanh thu đưa lại từ tinh dầu quế sẽ rất lớn.

Bên cạnh sản phẩm tinh dầu quế, sản phẩm tinh dầu sả của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên cũng được người tiêu dùng biết đến. Hiện tại, sản phẩm tinh dầu quế và tinh dầu sả của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên đã có mặt tại nhiều địa phương và được khách hàng ưa chuộng. Để tránh tình trạng giả mạo sản phẩm, chị Liên đã làm tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm để khách hàng có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc của hàng hóa, đảm bảo quyền lợi khi mua hàng.

“Mình là người phụ nữ ở nông thôn nên sẽ hơi vất vả vì phải vừa lo công việc, vừa chăm sóc con cái. Hiện tại, mình chỉ mong muốn làm thế nào để đưa sản phẩm tinh dầu quế và tinh dầu sả trở thành sản phẩm thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường. Cùng đó tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp người dân yên tâm về đầu ra cho cây quế và cây sả”- chị Liên chia sẻ./.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này