Khơi thông dòng tiền trong dân

14:08 | 25/03/2021
(LĐTĐ) Hơn 15 năm trước có lần đến Ngân hàng Nhà nước phỏng vấn một lãnh đạo cấp Vụ về vấn đề lãi suất, vị này ước lượng rằng số tiền nhàn rỗi trong dân (thời điểm năm 2005) khoảng 8 tỷ USD. Nếu chúng ta biết huy động nguồn vốn nhàn rỗi này, cả hệ thống ngân hàng, lẫn thị trường chứng khoán dư sức thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế.
Cần quản lý chặt để tránh những hệ lụy Vì sao thu nhập giảm, giá bất động sản tăng? Đất nền vùng ven tăng giá, “đi ngược” mùa dịch
Khơi thông dòng tiền trong dân
Ảnh minh họa.

Nay đã hơn 15 năm không biết số tiền “găm” trong dân chính thức là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là rất lớn. Những tháng qua, khi giá bất động sản lên “cơn sốt”, rất nhiều người chuyển sang đầu tư lĩnh vực này càng chứng minh tiền trong dân cư vẫn rất nhiều.

Như đã đề cập, đối với nhà đầu tư nói chung, người dân nói riêng họ có quyền đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào mà pháp luật cho phép miễn có lời. Đặt trong bối cảnh do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm sâu, thị trường chứng khoán cũng không mấy khởi sắc… nhà đầu tư, người dân lại “đổ” tiền vào bất động sản để kiếm lời cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, xét trên bình diện kinh tế, việc người dân “đổ” tiền đầu tư vào thị trường bất động sản sẽ không phải là dấu hiệu tốt. Vì như vậy, “mạch máu” cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán, tài chính, ngân hàng sẽ bị nhỏ lại. Đặc biệt, trong bối cảnh liên tiếp những năm qua, do nguồn ngân sách chưa đủ mạnh, mỗi năm nước ta phải đi vay khoản tiền khá lớn cho đầu tư…thì việc huy động hàng tỷ USD “găm” trong dân mới thấy quý giá.

Vấn đề đặt ra, thời gian tới khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, bên cạnh việc khai thông điểm nghẽn nguồn vốn huy động qua hệ thống tín dụng, thị trường chứng khoán… các cơ quan quản lý Nhà và hoạch định chính sách cần nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ mở thêm các “kênh” đầu tư hấp dẫn để người dân “tự nguyện” góp vốn vào.

Ví như cơ chế hợp tác công- tư (PPP) vào các lĩnh vực giao thông, xây dựng, dịch vụ… Vì khi và chỉ khi nhà nước có các cơ chế khai thông nguồn vốn trong dân thì chúng ta mới tận dụng “sức mạnh” nội lực cho đầu tư, phát triển, còn không khai thông được nguồn vốn nhàn rỗi “găm” trong dân thì chúng ta vẫn phải đi vay để lấy tiền đầu tư. Dòng tiền nhàn rỗi “đôi khi” bị cuốn vào xu thế đầu tư đám đông, như lĩnh vực bất động sản hiện nay sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường.

Bởi thế, khai thông đồng vốn trong nhân dân theo các chuyên gia là cùng lúc thực hiện được hai mục đích: Có vốn cho đầu tư phát triển, giảm phụ thuộc nguồn vốn vay nước ngoài; Tiền không bị “bàn tay vô hình” lôi kéo vào những vụ đầu tư bất động sản để tạo nên những cơn sốt ảo…

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này