Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, kết nối giao thương qua các cửa khẩu biên giới

21:55 | 19/03/2021
(LĐTĐ) Ngày 19/3, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về tình hình thương mại biên giới, xuất khẩu nông thủy sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP Doanh nghiệp Israel quan tâm lớn đến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam Sắc Thái trên đất Việt: Bước đệm mở ra nhiều cơ hội kết nối thương mại

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân, các cơ quan, lực lượng chức năng và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã báo cáo về tình hình cũng như những khó khăn, vướng mắc, công tác quản lý đối với hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Cụ thể, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, đạt 70,3% kế hoạch, giảm 15,2% so với năm 2019. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu và hoạt động xuất nhập cảnh đều giảm so với năm 2019.

nong-san-un-u-bo-cong-thuong-khuyen-cao-doanh-nghiep-khan-cap
Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, kết nối giao thương qua các cửa khẩu biên giới

Trong đó, xuất khẩu đạt 1,16 tỷ USD, đạt 68,2% kế hoạch, giảm 26,9%; nhập khẩu đạt 576,3 triệu USD, đạt 72% kế hoạch, giảm 18,6%; các loại hình khác (tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khác) đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 1,4% so với năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Phốt pho vàng, thanh long, xoài, vải tươi, dưa hấu, chuối, sắn các loại…; Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Phân bón, than cốc, năng lượng điện, rau củ quả các loại, máy móc thiết bị, hóa chất…

Từ năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng hợp tác kinh tế, thương mại giữa tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) vẫn duy trì phát triển ổn định. Các lực lượng chức năng tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới không thực hiện được. Tại khu vực cửa khẩu quốc tế, do cả hai bên cùng tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng chống dịch bệnh nên đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa so với thời gian trước dịch bệnh.

Xuất khẩu nông, thủy sản của ta sang Trung Quốc đang gặp phải một số khó khăn do nhu cầu của thị trường Trung Quốc sụt giảm sau các biến động kinh tế và tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới theo hướng chính quy, nề nếp trên cơ sở các quy định, chính sách đã ban hành với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm,…

Sau khi nghe các nội dung báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có ý kiến trao đổi với Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ, khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy giao thương, xuất khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực, trái cây tươi của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương biên giới phía Bắc để triển khai các giải pháp như, trao đổi, vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường sớm cho các mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, tổ yến, khoai lang tím, thủy hải sản tươi sống, sản phẩm sữa các loại... để đáp ứng hơn nữa nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc, góp phần tăng trưởng thương mại song phương.

Trao đổi, vận động phía Trung Quốc sớm xem xét bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền, đặc biệt qua các tuyến vận tải đường sắt - là phương thức vận chuyển mà hai nước đang thống nhất thúc đẩy phát triển trong thời gian tới; đồng thời tăng cường các chuyến tàu hàng chuyên dụng nhập khẩu nông sản của Việt Nam nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của mỗi bên.

Phối hợp chặt chẽ, tích cực với phía Trung Quốc tuyên truyền, phổ biến và định hướng các doanh nghiệp hai nước tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và sử dụng hình thức thương mại điện tử (một hình thức thương mại mới đang phát triển hiệu quả) để thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời thay đổi tập quán kinh doanh theo hướng chủ động ký kết hợp đồng kinh tế, thực hiện đúng các yêu cầu hiện hành của hai nước về nhập khẩu nhằm hạn chế rủi ro trong thương mại…

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này