Đại dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em gái

13:50 | 18/03/2021
(LĐTĐ) Chiều 17/3, tại Hà Nội, tổ chức Plan International Việt Nam và Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) phối hợp tổ chức tọa đàm “Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em gái như thế nào?”.
Huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái An toàn cho trẻ em gái - phòng tránh quấy rối, xâm hại trẻ em Nỗ lực vì thành phố an toàn và thân thiện cho trẻ em gái

Với khách mời là đại diện từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ cùng giáo viên và các bạn thanh thiếu niên… tọa đàm là cầu nối giúp trẻ em gái được lắng nghe và chia sẻ về những thách thức ảnh hưởng đến việc học tập trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Tại tọa đàm, bà Hà Thị Oanh, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, thời gian qua đại dịch Covid-19 có tác động đến mọi mặt đời sống, trong đó trẻ em là đối tượng chịu tác động mọi mặt. Trước bối cảnh này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức khảo sát, đánh giá từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Đại dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em gái
Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Đinh Luyện

Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen học tập của trẻ, trong đó thay vì đến trường được học tập cùng thầy cô, bạn bè thì nay các em ở nhà và học qua các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, việc tiếp cận với công nghệ dường như khó khăn hơn với trẻ em vùng dân tộc miền núi.

Ông Lưu Quang Đại, đại diện tổ chức Plan International Việt Nam cho biết, trước tác động của đại dịch Covid-19, công tác giáo dục được chú trọng quan tâm. Tuy nhiên, từ dịch Covid-19 cũng cho thấy một vấn đề là, bản thân thầy cô giáo ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn lúng túng trong tiếp cận công nghệ…

Với góc nhìn đa chiều cùng mục tiêu xây dựng môi trường học tập bình đẳng hơn, những giải pháp được các khách mời đề cập tới bao gồm tập trung nâng cao nhận thức cho trẻ em gái, gia đình các em và cộng đồng về quyền được hoàn thành 12 năm học; loại bỏ các rào cản tài chính đối với việc tiếp cận, hoàn thành chương trình học; quan tâm hơn việc giáo dục cho trẻ em tại vùng sâu vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật.

Ngoài ra, các khách mời đều đồng ý việc chấm dứt tình trạng kết hôn sớm, cũng như việc giảng dạy giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em tại vùng sâu vùng xa cần được quan tâm đẩy mạnh.

Tại sự kiện, em Yến Nhi (19 tuổi), đại diện cho nhóm thanh thiếu niên hoạt động cùng Plan International đã chia sẻ báo cáo với chủ đề “Đầu tư vào giáo dục cho trẻ em gái trong giai đoạn ứng phó và phục hồi sau Covid-19”. Báo cáo đề cập đến tác động của đại dịch đối với trẻ em gái khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương, cùng những trải nghiệm cá nhân của các em trong việc tiếp cận giáo dục trung học cơ sở trong 12 tháng vừa qua. Báo cáo chỉ ra rằng trong giai đoạn Covid-19, trẻ em gặp nhiều áp lực từ chính môi trường gia đình, sức khỏe tinh thần không được đảm bảo, nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới gia tăng.

Thông qua báo cáo “Đầu tư vào giáo dục cho trẻ em gái trong giai đoạn ứng phó và phục hồi sau Covid-19”, bà Sharon Kane, Giám đốc Quốc gia thuộc tổ chức Plan International hy vọng những đề xuất từ nghiên cứu có thể được áp dụng, từ đó hỗ trợ các tổ chức thiết kế những chương trình hiệu quả, đảm bảo trẻ em gái trong khu vực có thể hưởng lợi từ giáo dục.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này