Hồi ức của những nữ công nhân Nhà máy Dệt 8/3

15:34 | 08/03/2021
(LĐTĐ) Nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chúng tôi ghé thăm và trò chuyện với những nữ công nhân đã về hưu của Nhà máy Dệt 8/3 vang danh một thời. Dù trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thế nhưng những nữ công nhân ngày đó vẫn sôi sục tinh thần yêu nước, luôn lạc quan yêu đời.
Tạo môi trường nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho nữ công nhân viên chức lao động Nữ công nhân, viên chức, lao động quận Đống Đa duyên dáng hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam” Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho trên 95% nữ công nhân viên chức lao động

Giữa nhịp sống hối hả, tấp nập của Thủ đô hoa lệ, chúng tôi tìm về con phố có tên rất lạ giữa lòng Thủ đô, con phố có tên 8/3. Phố 8/3 nằm bên bờ Tây của sông Kim Ngưu, thuộc địa bàn phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng. Đặc trưng dễ nhận biết của phố 8/3 là nơi đây tập trung khá nhiều các khu nhà tập thể cũ, đây cũng là nơi sinh sống của phần lớn công nhân Nhà máy Dệt 8/3.

Hồi ức của những nữ công nhân Nhà máy Dệt 8/3
Phố 8/3 gợi nhắc về một thời vàng son của Nhà máy Dệt 8/3.

Theo những công nhân làm việc tại Nhà máy Dệt 8/3, Nhà máy Dệt 8/3 được khởi công xây dựng vào năm 1960, đây là nhà máy sản xuất công nghiệp nổi tiếng nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Tuy Nhà máy Dệt 8/3 đã dừng hoạt động, nhưng kỷ niệm khi còn làm việc tại nhà máy vẫn theo những nữ công nhân đến tận bây giờ.

Chúng tôi tình cờ gặp bà Bùi Thị Hợi – Công nhân về hưu Nhà máy Dệt 8/3 (bà Hợi về hưu từ năm 1998), hiện tại bà Hợi đang sinh sống tại khu tập thể Dệt 8/3. Bà Hợi dáng người nhỏ nhắn, mái tóc đã bạc màu vì thời gian. Nghe chúng tôi hỏi thăm về những công nhân từng làm việc tại Nhà máy Dệt 8/3, bà Hợi phấn khởi tiếp đón và kể cho chúng tôi về những kỷ niệm của bà khi gắn bó với Nhà máy dệt 8/3.

Bà Hợi kể, ngày trước phố 8/3 không được đông đúc, sầm uất như hiện tại, cuộc sống của công nhân làm việc ở đây cũng rất khó khăn. Thời gian làm việc tại Nhà máy Dệt 8/3, mẹ con bà Hợi được phân chia ở cùng với 2 mẹ con đồng nghiệp trong căn phòng 18 m2. Căn phòng khá chật chội và chỉ có 1 nhà vệ sinh chung nên rất bất tiện. Cùng đó, việc ăn uống cũng khá thiếu thốn, lương thực không đầy đủ như hiện tại.

Hồi ức của những nữ công nhân Nhà máy Dệt 8/3
Bà Bùi Thị Hợi – Công nhân về hưu Nhà máy Dệt 8/3 chia sẻ về những kỷ niệm khi còn gắn bó với Nhà máy.

“Như các bác đi làm thời đó chỉ mang theo chút cơm nguội rồi mua nước ốc mang vào chan để ăn qua bữa chứ không dám ăn xôi vì xôi hồi đó những 3 hào 1 gói. Ngày đó thu nhập chẳng được bao nhiêu mà còn phải lo cho con ăn uống nên rất khổ, mỗi tháng chỉ được 1 kg gạo, còn đâu là mỳ, ngô, hạt bo bo”- bà Hợi nhớ lại.

Không chỉ khó khăn vì thiếu thốn lương thực, thực phẩm, bà Hợi cùng nhiều công nhân làm việc tại Nhà máy Dệt 8/3 còn gặp khó khăn vì vừa lao động sản xuất vừa tham gia kháng chiến. Thời điểm đó, mỗi công nhân là một dân quân tự vệ, ban ngày bảo vệ nhà máy, ban đêm tăng gia sản xuất. Dù đi làm nhưng mỗi người đều phải mang theo mũ rơm và khẩu súng sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào.

Trong khó khăn, vất vả, con người càng thêm trân quý nhau, đây cũng chính là điều bao lâu nay là Hợi vẫn gìn giữ. Kỷ niệm mà bà Hợi nhớ nhất có lẽ phải kể đến lần Hà Nội bị dội bom trong đợt chiến tranh “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không 1972”. Hôm đó, bà Hợi đang trên đường trở về nhà, giữa đường về 2 hàng cây bị đổ rạp do bom Mỹ bắn phá.

Trên đầu máy bay Mỹ đang gào thét, trong khi đó đoạn đường bị bắn phá không thể vượt qua, bà Hợi đã nhận được sự giúp đỡ của một người lạ, họ cùng nhau tìm đến hầm trú ẩn gần nhất để tránh bom rơi, đạn lạc. Dù không quen, không thân thiết thế nhưng trong lúc khó khăn mọi người sẵn sàng giúp đỡ nhau không chút ngần ngại. “Chúng tôi ngày đó nghèo về vật chất nhưng lại rất giàu tình cảm”- bà Hợi nói.

Tạm biệt bà Hợi, chúng tôi được gặp và được trò chuyện cùng bà Hoa và bà Chúc. Bà Hoa và bà Chúc cũng là công nhân về hưu của Nhà máy Dệt 8/3. Cùng chung một căn nhà, chỉ khác tầng nên hai bà gắn bó với nhau như người thân ruột thịt. Mỗi ngày đều đặn sáng tối, bà Chúc và bà Hoa lại xuống sân khu tập thể để cùng nhau trò chuyện, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm khi còn làm việc ở Nhà máy Dệt 8/3.

Hồi ức của những nữ công nhân Nhà máy Dệt 8/3
Bà Hoa (bên trái ảnh) và bà Chúc (bên phải ảnh) là những công nhân gắn bó với Nhà máy Dệt từ khi nhà máy mới thành lập.

Không may mắn như bà Hợi, cuộc đời bà Chúc lại gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Bà Chúc cho hay, bà về nhà máy Dệt từ năm 1963, một năm sau bà sinh con gái đầu lòng. Những tưởng bà sẽ có cuộc sống bình yên với chồng và cô con gái, thế nhưng, trong đợt tòa nhà tập thể Dệt 8/3 bị dội bom năm 1972, cô con gái của bà đã bị thương và không qua khỏi, khi đó, con gái bà còn chưa tròn 10 tuổi.

Một thời gian sau, bà Chúc sinh hạ được 1 người con trai và 1 người con gái. Khi các con chưa kịp trưởng thành, chồng bà Chúc đã qua đời do bị cảm. Nén những đau thương, mất mát, bà Chúc tiếp tục tham gia vừa chiến đấu vừa sản xuất tại nhà máy Dệt để nuôi các con ăn học chu đáo. Đến nay, 2 người con của bà Chúc đều đã trưởng thành. Với bà Chúc, việc nuôi các con khôn lớn, công ăn việc làm ổn định là thành công lớn nhất trong cả cuộc đời bà...

Có lẽ đối với những nữ công nhân Nhà máy Dệt 8/3, những kỷ niệm về thời vàng son vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu với kẻ thù là những hồi ức không thể nào quên. Tuy rằng không có cơm ngon, áo đẹp như cuộc sống hiện đại nhưng trong họ luôn tràn ngập tình yêu nước, lòng yêu nghề, đây chính là động lực để những nữ công nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp họ luôn lạc quan, vui vẻ đến hiện tại.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này