Khi hệ thống loa phường, xã kích hoạt đúng lúc

10:45 | 04/03/2021
(LĐTĐ) Trong bối cảnh xã hội ngày một phát triển, công nghệ thông tin có những bước tiến vượt bậc, có thời điểm tưởng rằng hệ thống loa truyền thanh phường, xã đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”. Tuy nhiên, mỗi khi thiên tai, dịch họa xảy ra, điển hình như đại dịch Covid-19, “kích hoạt”, sử dụng hệ thống loa truyền thanh xã, phường vẫn vẹn nguyên giá trị và mang lại hiệu quả rất cao.
Loa phường phát huy hiệu quả tuyên truyền trong mùa dịch Tuyên truyền chống Covid-19 không thể bỏ được loa phường! Hà Nội chính thức quyết định số phận loa phường tại 4 quận trung tâm

Phát huy vai trò từ nội thành đến ngoại thành

Ông P. L năm nay đã bước sang tuổi 75 hiện sinh sống ở Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội, vì không biết sử dụng điện thoại thông minh, cũng ít xem thời sự, nên những ngày trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, ông cứ mặc nhiên đều đặn ra quán bia, cũng chẳng cần đeo khẩu trang. Cứ như Thủ đô không ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thế rồi, khi trên địa bàn quận Đống Đa kích hoạt lại hệ thống loa phường, tuyên truyền (có mốc thời gian) việc phòng, chống dịch cũng như cách chỉ dẫn phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau Tết Nguyên đán ông L chấp hành rất nghiêm chỉnh. Đi đâu ra ngoài cũng đeo khẩu trang, đặc biệt không ra quán uống bia. Trường hợp ông L là ví dụ nhỏ trong công tác tuyên truyền phòng dịch của hệ thống loa truyền thanh xã, phường.

Khi hệ thống loa phường, xã kích hoạt đúng lúc
Hệ thống loa truyền thanh có mặt tận thôn cùng, xóm vắng, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để phòng chống Covid-19. Ảnh: Đinh Luyện

Nhìn lại thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua có thể thấy, tất cả các biện pháp, phương tiện, các cấp độ tuyên truyền đều được huy động và đã phát huy hiệu quả. Nhờ công tác tuyên truyền đồng bộ, những thông tin, khuyến nghị, ý kiến của các chuyên gia y tế được truyền tải kịp thời giúp cho người dân có quyết định đúng để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Đáng chú ý, trong quá trình phóng viên tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ cơ sở tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội không ít người đều có chung nhận định, hoạt động của loa phường vô cùng cần thiết. Xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa là ví dụ. Trước đây, hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn xã mỗi ngày đều thông báo thông tin về tình hình an ninh trật tự, lịch tiêm chủng, lịch chăm sóc cây trồng, vật nuôi… để người dân trên địa bàn nắm được.

Từ khi có dịch, thông tin về dịch bệnh Covid-19, về cách phòng tránh, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đến nơi đông người… được tổ chức phát nhiều lần trong ngày. Với hình thức truyền tải thông tin sâu rộng, nhắc lại nhiều lần đã giúp lượng lớn người dân nắm bắt, cập nhật được thông tin dịch Covid-19 theo ngày.

Hơn hết, qua hệ thống loa phát thanh, những thông điệp xuyên suốt của Chính phủ, thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân huyện được lan tỏa đến từng người dân, từng mái nhà, góp phần nâng cao ý thức phòng dịch trong toàn dân, từ đó chung tay sớm khống chế và dập tắt dịch bệnh.

Đó là với các địa phương ngoại thành xa, tại các quận nội thành hình thức truyền thanh cơ sở cũng phát huy những mặt tích cực. Từ tầng 2 ngôi nhà trên đường Phúc Diễn, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 1 có thể vừa tập thể dục, vừa nghe thông tin từ loa phát thanh.

Theo ông Hà, mỗi ngày 2 lần đều đặn, 7h và 17h là loa khu phố lại phát đi những thông tin nhắc nhở mọi người phòng chống Covid-19. Từ cách rửa tay, phòng dịch, không tụ tập đông người, ra đường phải đeo khẩu trang… đây là những thông tin mà ông được nghe từ loa phường và đã áp dụng vào chính gia đình mình..

Dù trong nhà được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như ti vi, điện thoại thông minh để theo dõi, cập nhật thông tin, nhưng ông Hà cho biết vẫn ủng hộ phường trong việc duy trì loa phường vì đôi khi bận việc thì vừa có thể làm lại vừa có thể cập nhật thông tin từ loa phát thanh. “Nhà tôi cách gia đình có người mắc Covid-19 khoảng 2 - 3 nhà.

Khi chính quyền cách ly tại các điểm có người mắc, người tiếp xúc gần với các ca bệnh, người dân sống xung quanh đây đã hoang mang và lo lắng. Nhưng ngay sau đó, nhờ việc tiếp cận được thông tin kịp thời, tôi và dân cư sống quanh đây đã hoàn toàn yên tâm vì hiểu rõ về dịch bệnh cũng như cách phòng tránh” - ông Hà chia sẻ.

Thông tin thêm về nội dung này, ông Nguyễn Xuân Vinh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cho biết, trong đợt dịch mới này, trên địa bàn phường Xuân Phương xuất hiện 7 ca bệnh dương tính với Covid-19. Do vậy, phường tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về công tác phòng chống dịch bệnh đối với người dân, để người dân chấp hành các biện pháp vệ sinh đối với cá nhân, các biện pháp cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cũng như việc rửa tay, không tụ tập đông người, tự bảo vệ sức khoẻ, đo thân nhiệt thường xuyên…

“Trong các hình thức tuyên truyền, loa phường là một hình thức thông tin truyền tải đến nhân dân nhanh, kịp thời giúp phường chủ động được thông tin. Nhân dân từ đó cũng tiếp cận được nguồn thông tin chính xác, nhanh nhạy” - ông Vinh khẳng định.

Mục đích cao nhất là sức khỏe người dân

Theo tìm hiểu, cùng với hệ thống truyền thông báo chí chính thống, các đài phát thanh, truyền hình… trên cả nước hiện có hàng nghìn đài, trạm truyền thanh cấp xã, phường đã và đang tham gia một cách tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thông thường, phát thanh phường, xã thường tuyên truyền qua hệ thống loa 1 ngày 2 lần khung giờ 7h và 17h, tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì nhiều nơi đã tăng cường thêm 4 ngày được phát 4 lần vào khung giờ 7h, 10h, 15h và 17h. Các chương trình phát thanh cập nhật diễn biến của dịch theo thông tin từ Bộ Y tế và thành phố Hà Nội và thông tin các triệu chứng ban đầu khi nhiễm bệnh, các biện pháp phòng chống dịch…

Khi hệ thống loa phường, xã kích hoạt đúng lúc
Tại các bến xe, ngoài hình thức tuyên truyền qua hệ thống loa, việc tuyên truyền phòng chống dịch trên các bảng tin cũng đnag mang lại hiệu quả tích cực. Ảnh: Đinh Luyện

Theo bà Nguyễn Thị Thịnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Lãm (quận Hà Đông), bên cạnh tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn theo đúng tinh thần của thành phố Hà Nội, trong thời gian này phường chủ động nhắc nhở người dân liên tục trên hệ thống loa truyền thanh.

“Loa truyền thanh của phường thường được phát từ 3 – 5 lần/ngày với thời lượng 15 phút/lần phát nhằm thông báo tình hình dịch bệnh khẩn cấp trong điều kiện cần truyền tải đến nhân dân ngay. Qua theo dõi, những thông tin như vậy rất kịp thời, hướng dẫn nhân dân có các biện pháp phòng chống dịch” - bà Thịnh thông tin.

Chung quan điểm về những lợi ích hệ thống loa truyền thanh mang lại, bà Nguyễn Vân Anh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Văn Miếu (quận Đống Đa) chia sẻ, hiện tất cả các văn bản liên quan đều được phường cho triển khai thông tin trên hệ thống loa. Qua theo dõi, bà Vân Anh nhận định, nếu không có hệ thống loa phường thì công tác tuyên truyền rất khó đạt được những hiệu quả như mong muốn.

Lấy ví dụ trên địa bàn, trước đây phường Văn Miếu có khoảng 30 loa truyền thanh, tuy nhiên sau này chỉ còn lại 10 loa nhưng hiệu quả vẫn rất cao. “Với loa phường, điều dễ thấy nhất là ai ai cũng có thể nghe được, nếu tuyên truyền ở các khu dân cư, tổ dân phố chỉ thông qua hệ thống bảng tin hoặc qua các cuộc hội họp thì rất khó phổ biến rộng ra được 100%.

Bên cạnh hệ thống loa phường, các bộ phận chức năng của Ủy ban nhân dân còn sử dụng loa kéo tay ở những nơi ngõ ngách sâu, loa phường không thể phủ đến được…” Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Văn Miếu cho biết.

Nhìn rộng về vấn đề này, ông Lê Đại Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân nhân thị xã Sơn Tây cho rằng, với mục đích cao nhất là sức khỏe người dân và tinh thần “chống dịch như chống giặc” thì bên cạnh hệ thống loa truyền thanh cơ sở, các phương cách tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, các tin bài, khuyến cáo “5k” trực quan trên các bảng tin, các pano, băng rôn… cũng phải cùng vào cuộc.

“Tại thị xã, thông qua tuyên truyền qua các loa đài, cổng thông tin điện tử, các tin bài, khuyến cáo “5k”, tuyên truyền để mọi người chấp hành, lực lượng Công an còn sử dụng hình thức tuyên truyền lưu động, đi vào các điểm như chợ đầu mối, khu vực tập trung nhiều quán xá để tuyên truyền; với những nơi như đường giao thông, trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước đều bố trí tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trực quan…” ông Lê Đại Thăng chia sẻ.

Có thể thấy trong các hình thức tuyên truyền thì loa truyền thanh, xã, phường là một trong số hình thức truyền tải thông tin sâu rộng đến nhân dân, giúp lượng lớn người dân kể cả khu vực nội và ngoại thành nắm bắt, cập nhật được thông tin theo ngày, theo giờ.

Nói cách khác, bên cạnh nguồn thông tin từ tivi, báo chí chính thống thì thông tin từ loa phường vừa gần gũi, lại có tính hiệu quả cao. Mọi đối tượng và lứa tuổi từ người già đến trẻ nhỏ - những thành phần chiếm số đông chưa thông thạo công nghệ thông tin đều có thể dõi theo tình hình dịch bệnh để từ đó có cách phòng tránh phù hợp.

Bài học từ trong đại dịch Covid-19 đã chứng minh, chỗ đứng riêng của hệ thống loa truyền thanh là không thể phủ nhận, có chăng là phương cách sử dụng nó như thế nào cho hợp lý và hiệu quả./.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này