Nhiều mặt hàng nông sản ở Đông Cao (Mê Linh) bị ùn ứ, không tìm được đầu ra

20:22 | 26/02/2021
(LĐTĐ) Ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu mối tại các tỉnh ngừng thu mua khiến các mặt hàng nông sản thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) bị tồn đọng. Để giải quyết vấn đề này, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao đã và đang kêu gọi nhân dân Thủ đô hỗ trợ tiêu thụ nông sản, cùng người dân Đông Cao vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thấm đậm tình người Thủ đô Giải cứu nông sản nhưng vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch Vận động đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ Hải Dương, Quảng Ninh tiêu thụ nông sản

Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh được biết đến là vùng cung cấp rau, củ lớn của Thủ đô. Thôn có khoảng 5.000 dân khẩu với hơn 600 hộ dân đang canh tác nông nghiệp. Những năm gần đây, củ cải và cà chua đã trở thành mặt hàng nông sản thế mạnh đưa lại thu nhập ổn định, giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế gia đình.

Nhiều mặt hàng nông sản ở Đông Cao (Mê Linh) bị ùn ứ, không tìm được đầu ra
Ông Võ Văn Yên (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) bên ruộng cà chua chín đỏ chưa tìm được thị trường tiêu thụ.

Việc tiêu thụ nông sản những năm trước dễ dàng bao nhiêu thì năm nay người dân thôn Đông Cao gặp khó bấy nhiêu. Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thọ (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương lái từ Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên… không về thu mua nông sản, do đó, nhiều loại nông sản không tìm được đầu ra dẫn tới tình trạng ùn ứ, bán không ai mua.

Cùng đó, cà chua không chỉ được trồng tại thôn Đông Cao mà còn được trồng ở nhiều địa phương lân cận, do đó, thị trường Thủ đô cũng không thể tiêu thụ được hết số lượng cà chua lớn như hiện tại.

Cùng chia sẻ với bà Thọ, ông Võ Văn Yên (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) cho hay, trải qua gần 50 năm gắn bó với nghề trồng cà chua, chưa năm nào ông thấy thị trường tiêu thụ chậm như hiện nay. “Cà chua được gia đình tôi trồng từ cuối tháng 7 âm lịch, trước Tết đã cho thu hoạch nhưng không được nhiều. Giờ đến lúc thu hoạch nhiều nhất thì không có nơi để bán. Nhà tôi mọi năm đều xuất vào Nam nhưng năm nay không thể đẩy hàng đi được”- ông Yên bần thần tâm sự.

Nhiều mặt hàng nông sản ở Đông Cao (Mê Linh) bị ùn ứ, không tìm được đầu ra
Ruộng củ cải của vợ chồng chị Yến, anh Vân phải nhổ bỏ vì quá lứa.

Củ cải vốn là nông sản thế mạnh của thôn Đông Cao, thế nhưng, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh mà nhiều diện tích củ cải của người dân đến lứa vẫn không thể thu hoạch. Trên cánh đồng củ cải rộng khoảng 5 sào, vợ chồng chị Yến, anh Vân (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) đang tiến hành công việc nhổ bỏ do củ cải đã quá lứa, xuất hiện tình trạng thối, hỏng, nếu cố tình bán ra sẽ làm mất thương hiệu củ cải của thôn Đông Cao.

Không chỉ có vợ chồng chị Yến, anh Vân, theo quan sát, trên cánh đồng củ cải thôn Đông Cao còn khá nhiều diện tích đang đến thời gian thu hoạch. Nếu không tìm được thị trường tiêu thụ, chỉ một thời gian nữa, cánh đồng củ cải trắng nõn sẽ phải nhổ bỏ vì quá lứa như 3 sào củ cải của gia đình chị Yến. Theo tính toán, với mỗi sào cà chua, củ cải nếu không tiêu thụ kịp thời, người dân sẽ bị lỗ từ 4 - 5 triệu đồng.

Nhằm san sẻ khó khăn với bà con nông dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ khoảng 1 tuần nay, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao đã tiến hành thu mua nông sản và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng trên.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đàm Văn Đua, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết, do ảnh hưởng của dịch nên các mặt hàng nông sản chủ lực đang bị tồn đọng. Nếu như trước kia, mỗi ngày Hợp tác xã xuất đi khoảng 20 – 30 tấn các loại rau củ thì khoảng 1 tháng trở về đây, các mặt hàng rau củ không có thị trường tiêu thụ nên tồn đọng rất nhiều, nhất là khi các trường học, nhà hàng đóng cửa.

Nhiều mặt hàng nông sản ở Đông Cao (Mê Linh) bị ùn ứ, không tìm được đầu ra
Các thành viên Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao vận chuyển nông sản đến các điểm tiêu thụ trên địa bàn huyện và các quận, huyện Thủ đô.

Để giúp bà con giải quyết được vấn đề trên, Hợp tác xã đã tiến hành thu mua nông sản của bà con xã viên. Không giống như những lần hỗ trợ khác, trong đợt hỗ trợ này, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao sẽ trực tiếp thu mua và vận chuyển nông sản tới các điểm bán. Việc làm này sẽ hạn chế tình trạng một số thương lái lợi dụng về giá cả, bán hàng kém chất lượng cho người mua. Toàn bộ nông sản sẽ được Hợp tác xã kiểm tra trước khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm kém chất lượng sẽ được tiêu hủy hoàn toàn.

Trong đợt hỗ trợ này, thôn Đông Cao có các mặt hàng như củ cải, cà chua cần sự hỗ trợ của người tiêu dùng. Theo chia sẻ của Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao, số lượng củ cải cần hỗ trợ vào khoảng trên 200 tấn, cà chua khoảng 100 tấn.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, Giám đốc Hợp tác xã Đông Cao cho biết, Hợp tác xã sẽ hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản đến khi nông sản chất lượng được tiêu thụ hết, dự kiến cần khoảng trên 10 ngày.

“Thời điểm hiện tại rất mong muốn người dân hỗ trợ thôn Đông Cao tiêu thụ nông sản để vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh. Sau khi các bếp ăn tại trường học, nhà hàng mở cửa thì hoạt động tiêu thụ nông sản của thôn Đông Cao sẽ quay trở lại bình thường, ổn định về giá cả”- ông Đua nói.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này