Đề nghị xem xét, xử lý hình sự trên 30 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

17:06 | 15/02/2021
(LĐTĐ) Thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thời gian qua, Liên đoàn Lao động Thành phố đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an xem xét xử lý hình sự trên 30 doanh nghiệp cố tình nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Tăng cường chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân Phấn đấu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc với hơn 14,8 triệu người tham gia Tăng cường phòng chống dịch, đẩy mạnh giải quyết thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến

Đánh giá tình hình công nhân viên chức lao động Thủ đô trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVI (từ năm 2018 đến nay), Liên đoàn Lao động Thành phố thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những điều đáng phấn khởi, đời sống, việc làm, quyền lợi của người lao động Thủ đô còn những vấn đề bất cập.

Đó là, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động của một số doanh nghiệp còn chưa nghiêm túc, nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước: không đóng hoặc nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Thành phố, năm 2018 có 69.659 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội từ 02 tháng trở lên với số tiền trên 973 tỷ đồng; năm 2019 các doanh nghiệp nợ 1783 tỷ đồng; năm 2020 có 68.449 doanh nghiệp nợ 6.627,6 tỷ đồng.

Việc vi phạm chế độ bảo hiểm của các doanh nghiệp đã làm cho hàng ngàn lao động không thanh toán được chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không xây dựng thang bảng lương, vi phạm thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trang bị phương tiện bảo hộ lao động thiếu và không đảm bảo chất lượng, chưa quan tâm khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân lao động.

Điều kiện làm việc của công nhân trực tiếp sản xuất trong một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chậm cải thiện, tình trạng công nhân lao động phải lao động thủ công, nặng nhọc, làm việc với máy móc, thiết bị cũ, trong môi trường không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động còn khá phổ biến ở các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Tai nạn lao động vẫn còn nghiêm trọng, 3 năm qua đã xảy ra 79 vụ tai nạn lao động làm 86 người chết, 11 người bị thương. Đã xảy ra 14 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, với hơn 3.000 công nhân lao động tham gia.

Đề nghị xem xét, xử lý hình sự trên 30 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
Lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chủ trì một cuộc đối thoại với các đơn vị, doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2018. Ảnh minh họa

Trước tình hình này, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, nhất là quyền lợi về bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, Liên đoàn Lao động Thành phố đã chủ động phối hợp với các sở ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012; ký chương trình phối hợp với Ủy ban nhân dân, Thanh tra, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Cục thuế, Bảo hiểm xã hội Thành phố…. Trong 3 năm qua, các cấp Công đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng Thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Công đoàn tại 555 doanh nghiệp (năm 2018 kiểm tra 260 doanh nghiệp, năm 2019 là 220 doanh nghiệp và năm 2020 là 75 doanh nghiệp), trong đó kiểm tra việc thực hiện sau kết luận của Thanh tra và kiểm tra nợ đọng bảo hiểm xã hội tại 315 doanh nghiệp, thu được gần 285,36 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng trong 3 năm qua, các cấp công đoàn đã phối hợp kiểm tra hơn 3.100 doanh nghiệp về thực hiện chế độ chính sách liên quan đến người lao động và chính sách đối với lao động nữ; phối hợp giải quyết kịp thời 14 cuộc tranh chấp lao động; qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho hàng nghìn lao động.

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai thực hiện Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ ngày 30/6/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về “Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể”.

Tính đến nay, các cấp Công đoàn Thành phố đã tiếp nhận được 592 bộ hồ sơ của các đơn vị, doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ cơ quan Bảo hiểm xã hội với số tiền nợ 475,6 tỷ đồng và có 175 hồ sơ Công đoàn khởi kiện đã được chuyển sang Tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý. Qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức Công đoàn, đã có 114 đơn vị, doanh nghiệp tự giác nộp trên 108 tỷ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Cùng đó, thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Lao độngThành phố đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an xem xét xử lý hình sự trên 30 doanh nghiệp cố tình nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này