Chung tay xây dựng "Trường học hạnh phúc"

07:29 | 30/01/2021
(LĐTĐ) Vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, Trường Tiểu học Kim Đồng đã tổ chức hội thảo giáo dục "Trường học hạnh phúc". Hội thảo được tổ chức với mong muốn tích lũy cho giáo viên những kiến thức thiết thực, mang tính chuyên sâu, từ đó tạo ra các động lực bên trong để giáo viên tự thay đổi, tự chuyển hóa bản thân giúp trở nên hoàn thiện hơn, cùng xây dựng nên một "Trường học hạnh phúc".
Để trường học thực sự là nơi hạnh phúc Ý nghĩa hội nghị nói chuyện chuyên đề “Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc” Triển khai phong trào xây dựng ''Trường học hạnh phúc'' một cách thiết thực

Cụm từ "Trường học hạnh phúc" không còn xa lạ với nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh. Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, mô hình "Trường học hạnh phúc" bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều nhà trường khi ngày 22/4/2019, người đứng đầu ngành Giáo dục đã phát động phong trào "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một môi trường hạnh phúc".

Đến nay việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút sự chung sức của cả thầy và trò cùng tham gia, từ đó nâng chất lượng giáo dục.

Chung tay xây dựng "Trường học hạnh phúc"
Thầy cô giáo chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm của mình về xây dựng "Trường học hạnh phúc".

Đến với buổi hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe các thầy cô giáo Trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ những ý kiến, kinh nghiệm của mình trên con đường xây dựng "Trường học hạnh phúc". Chẳng hạn, cô giáo Đặng Thu Trang đưa ra quan điểm về sự "Hiểu và Thương", thức tỉnh từ sâu trong tâm trí mỗi người niềm hạnh phúc an yên để cảm nhận được giá trị những điều mình đang có, từ đó nuôi dưỡng mầm xanh hạnh phúc trong mỗi giáo viên.

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đã chia sẻ về những tiết học hạnh phúc mà ở đó người giáo viên với vai trò thắp lửa, khơi gợi niềm vui thích, đam mê học tập của học sinh bằng những kĩ thuật, phương pháp dạy học tích cực và hiệu quả. Còn cô giáo Phạm Ngọc Anh lại nêu lên những việc mà cô đã làm khiến cho học sinh cảm thấy hạnh phúc. Đó chính là con đường nuôi dưỡng "Thân - Tâm - Trí" với những câu chuyện rất chân thực, xúc động, đầy tâm huyết của mình.

Mỗi ý kiến, mỗi sự chia sẻ của các nhà giáo đều nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình từ phía người nghe. Tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường cũng hăng hái đóng góp thêm ý kiến của bản thân khiến không khí buổi hội thảo trở nên sôi nổi, đầm ấm.

Cũng trong buổi hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe thầy giáo Phan Anh (Chuyên gia giáo dục của hệ thống trường Vinschool) chia sẻ về "Công thức" làm nên hạnh phúc. Theo thầy giáo Phan Anh, học sinh hạnh phúc khi các em có được môi trường học tập lành mạnh, cảm thấy vui vẻ, tích cực tham gia và đạt được thành công.

Từ đó, thầy giáo Phan Anh đưa ra những suy ngẫm về cách ứng xử với học sinh, giới thiệu những "văn hóa" của lớp học hạnh phúc mà ở đó "nhân cách được đề cao, thái độ chăm chỉ được coi trọng, sự khiêm tốn được yêu quý và sự hỗ trợ nhau là vô điều kiện", xây dựng "chân dung" người thầy làm nên hạnh phúc với sự thấu cảm, niềm đam mê và tri thức.

Chung tay xây dựng "Trường học hạnh phúc"
Ông Hoàng Hữu Trung (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Hữu Trung (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) ghi nhận và biểu dương Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Kim Đồng cùng tập thể đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường đã không ngừng nỗ lực, thi đua dạy tốt - học tốt trong hoàn cảnh nhà trường đang phải đi học tạm ở 3 điểm trường khác nhau; đồng thời đánh giá cao các hoạt động mang ý nghĩa và tính thực tiễn nhà trường đã triển khai qua hội thảo.

"Thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm lan tỏa tinh thần của hội thảo; tăng cường các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, đưa phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc" đi vào thực chất và đạt kết quả cao" - ông Hoàng Hữu Trung nhấn mạnh.

Cuối hội thảo, cô giáo Bùi Bích Phượng đã gửi tặng bài thơ "Gieo mầm hạnh phúc" lấy cảm hứng từ 5 giá trị cốt lõi trong việc xây dựng "Trường học hạnh phúc", đó là: "An toàn - Yêu thương - Tôn trọng - Hiểu - Có giá trị".

Được biết, tháng 10/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã có kế hoạch liên tịch yêu cầu các đơn vị, trường học tiếp tục cụ thể hóa nội dung xây dựng “Trường học hạnh phúc” cho phù hợp với mỗi trường, mỗi vùng, mỗi cấp học, bậc học và ngành học để thực hiện trong năm học 2021 - 2022 và các năm học tiếp theo. Qua đó mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động có ý thức và giải pháp để thường xuyên cải tiến, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác, giảng dạy và giáo dục của mình; mỗi tập thể có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, chủ động tiếp cận chủ trương, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình triển khai đổi mới một cách hiệu quả.

Ngoài ra, các đơn vị, trường học cần triển khai phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” một cách thiết thực, hiệu quả, hạn chế tính hình thức; chú ý lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Ngành, trọng tâm là cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và xây dựng "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”...

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này