Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn đáp ứng tình hình mới

12:07 | 17/01/2021
(LĐTĐ) Ngày 16/1, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn tỉnh, thành phố khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn từ nay đến Tết Nguyên đán Ban hành mức hỗ trợ quà Tết cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 và thiên tai Xác định nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cơ sở trong tình hình mới

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do ông Lê Cao Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công đoàn làm chủ nhiệm.

Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn đáp ứng tình hình mới
Ông Lê Cao Thắng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công đoàn phát biểu tại Tọa đàm

Khai mạc Tọa đàm, ông Lê Cao Thắng nhấn mạnh, Công đoàn Việt Nam trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam và là tổ chức duy nhất đại diện cho đoàn viên và người lao động trong cả nước.

Bối cảnh mới hiện nay đang đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải nghiên cứu và đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn cho phù hợp với việc thực các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những quy định tại Bộ luật Lao động 2019 về sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Vì vậy, Tọa đàm nhằm làm rõ mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn trong các cơ quan hành chính nhà nước, trong doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; chia sẻ những thuận lợi và khó khăn của tổ chức Công đoàn Việt Nam khi tham gia các hiệp định; đề xuất các giải pháp để đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trao đổi tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, tổ chức Công đoàn Việt Nam theo mô hình thống nhất từ trên xuống dưới và quản trị theo chức năng, nhiệm vụ, chưa quản trị theo đối tượng mục tiêu, trong khi đối tượng ngày càng mở rộng. Do đó, cần phải thay đổi mô hình, hình thành ban đối tượng kết hợp với các ban cốt lõi, nghiên cứu mô hình Văn phòng của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố tại các quận, huyện để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn như phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và thu kinh phí công đoàn…

Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến nêu, công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở còn bất cập, ngay cán bộ chuyên trách thì mới chỉ đào tạo lớp lý luận và nghiệp vụ công đoàn; cán bộ công đoàn cấp trên, nhất là ở Công đoàn cấp tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương trở lên thì cán bộ công đoàn được chuyên môn hóa theo nhiệm vụ chuyên môn. Trong khi đó, đoàn viên, người lao động khi có thắc mắc cần giải đáp, tư vấn, hỗ trợ thì chỉ biết phản ánh với cán bộ công đoàn.

Từ thực tiễn hoạt động công đoàn thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu đề xuất một số giải pháp, trước hết là xác định nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cấp trên cơ sở, như: Thực hiện chức năng chính đại diện, bảo vệ, chăm lo; tập hợp đội ngũ và xây dựng tổ chức công đoàn; tài chính công đoàn; công tác tổ chức cán bộ công đoàn; thực hiện vai trò là thành viên hệ thống chính trị của Đảng… Đồng thời, cần phải đổi mới công tác đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn để có giải pháp giúp họ nắm bắt nhanh hơn, nhiều hơn về kỹ năng làm việc và công tác công đoàn.

N.Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này