Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Góp phần đẩy lùi vi phạm giao thông

09:27 | 12/01/2021
(LĐTĐ) Sau một năm áp dụng vào thực tiễn, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã phát huy tác dụng mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ với chế tài xử phạt nghiêm minh, bước đầu thu được hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.
“Phạt nguội” – người dân có thể tự tra cứu xe vi phạm giao thông Những con số sau gần 1 tháng tổng kiểm soát phương tiện Tội phạm công nghệ cao dụ người dân nộp phạt vi phạm giao thông

Việc nâng mức xử phạt đã tạo sự răn đe

Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. Đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Góp phần đẩy lùi vi phạm giao thông
Cán bộ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông tại đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. (Ảnh: Doãn Tuấn)

Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 16 – 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 – 6 tháng.

Một điểm mới nữa được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP là đi xe đạp uống rượu, bia cũng bị xử phạt. Theo đó, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 – 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng đối với người điều khiển xe mô tô. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên sẽ bị phạt từ 400 –600 ngàn đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Theo đó, chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm, nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.

Điểm nổi bật của Nghị định 100/2019/NĐ-CP so với các nghị định, quy định khác trước đây trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông là bổ sung, mô tả, làm rõ hơn các hành vi vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi trực tiếp là nguyên nhân xảy ra các tai nạn giao thông. Thực tế có thể thấy, việc nâng mức xử phạt đã tạo sự răn đe, lời cảnh báo có sức nặng đối với người có ý định vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Điểm sáng trong đảm bảo an toàn giao thông

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác đảm bảo an toàn giao thông 5 năm (2016 – 2020) với các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình đánh giá Nghị định 100/2019/NĐ-CP là điểm sáng trong nhiệm kỳ qua của Chính phủ.

Đánh giá kết quả đảm bảo an toàn giao thông 5 năm qua, Phó Thủ tướng cho biết, so sánh giai đoạn 2016 – 2020 và 5 năm trước số vụ tai nạn giao thông giảm hơn 42%, số người chết giảm hơn 19% và số người bị thương giảm gần 54%. Đặc biệt năm 2020, tai nạn giao thông đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20% và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người.

Theo Phó Thủ tướng, có được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của hệ thống chính trị thì việc hoàn thiện thể chế an toàn giao thông có vai trò quan trọng.Quốc hội đã ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Trong đó, điều chỉnh toàn diện, nâng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về ý thức và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. “Việc ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ra quân xử lý vi phạm với mức phạt nặng đã tạo chuyển biến rõ nét trong đảm bảo an toàn giao thông nên cần tiếp tục kiên quyết hơn nữa trong thực hiện Nghị định”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, ý thức của người tham gia giao thông đã thay đổi rất nhiều, đại bộ phận đều không dám điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia. Đó cũng là một trong những tác động rất tích cực giúp Hà Nội kéo giảm 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, và bị thương) trong năm qua. Tình hình trật tự, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô cũng như cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, người tham gia giao thông đã biết tuân thủ luật hơn trước.

Theo Phó Thủ tướng, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng ảnh hưởng một phần đến sản xuất, kinh doanh mặt hàng này nhưng các cơ sở sản xuất rượu bia cũng ủng hộ. Điều đó cho thấy sự đồng thuận cao trong xã hội, gia đình cũng vui vẻ, đầm ấm hơn, vợ vui vì chồng không rượu bia, con vui vì bố về nhà sớm. Các đám nhậu không ép nhau uống rượu khi biết phải lái xe. Nhiều người xác định đi uống rượu bia là không lái xe và đi phương tiện công cộng.

“Việc triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP là điểm sáng trong nhiệm kỳ này của Chính phủ. Nhiều người ví Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng hiệu quả như nghị định cấm đốt pháo trước đây, được sự đồng thuận ủng hộ trong nhân dân”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Cần tiếp tục tuyên truyền

Một số chuyên gia nhận định, mức phạt đã đủ sức răn đe nhưng vẫn có hàng nghìn trường hợp vi phạm, đó là vấn đề về ý thức. Không ít người biết lái xe sau khi đã uống rượu, bia là phạm luật nhưng vẫn cố tình vi phạm, đó là vì chưa ý thức được nguy cơ mất an toàn giao thông đối với bản thân, cộng đồng và những hệ lụy cho chính gia đình họ nếu chẳng may xảy ra tai nạn giao thông. Muốn giải quyết vấn đề này cần làm thật tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức, văn hóa giao thông.

Luật sư Nguyễn Văn Dũng – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc giáo dục ý thức, văn hóa giao thông phải được thực hiện liên tục, trong mọi môi trường, từ cơ quan, nơi ở, trường học cho đến nơi công cộng. Tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông phải đa dạng, gần gũi, dễ tiếp thu, có các biện pháp đặc thù phù hợp với từng nhóm đối tượng. “Ví dụ như học sinh, sinh viên thì đẩy mạnh tuyên truyền trong nhà trường; cán bộ, công chức thì phải coi chấp hành luật giao thông là yếu tố đánh giá đạo đức, kỷ luật. Với người lao động tự do hoặc kinh doanh buôn bán thì phải đẩy mạnh tuyên truyền ở khu phố, nơi ở, nơi kinh doanh…”, luật sư Dũng phân tích.

Luật sư Dũng nhấn mạnh: “Xử phạt nặng và tuyên truyền, giáo dục tốt luôn phải song hành với nhau, không thể thiếu, cũng không thể coi nhẹ vấn đề nào hơn. Muốn người dân chấp hành luật, tham gia giao thông một cách có văn hoá vừa phải làm cho họ hiểu, vừa phải khiến họ không nhờn luật. Riêng với vi phạm nồng độ cồn, việc xử phạt nặng đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng muốn duy trì hiệu quả bền vững không thể buông lỏng công tác tuần tra, xử lý, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết và lễ hội Xuân”./.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này