Vì một Hà Nội bình yên đón Tết

10:30 | 05/01/2021
(LĐTĐ) Hà Nội đang bước vào tháng cuối năm theo lịch âm, thời điểm này luôn đặt ra cho các cơ quan chức năng lẫn người dân Thành phố mối lo về tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm tràn lan làm nơi kinh doanh, ảnh hưởng đến giao thông công cộng. Để bảo đảm an ninh, đảm bảo trật tự đô thị trong những ngày cận Tết, các đơn vị quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị. Đồng thời siết chặt an ninh để người dân Thủ đô vui xuân đón Tết.
Ngày 5/1, Hà Nội tổ chức lễ phát động ra quân năm An toàn giao thông 2021 Những kết quả nổi bật của ngành Du lịch Hà Nội trong năm 2020 Đón năm mới trong bình yên

Nhiều vi phạm dịp cuối năm

Vào dịp cận Tết Nguyên đán, do nhu cầu mua bán của người dân tăng cao, việc kinh doanh các loại hình dịch vụ diễn ra nhộn nhịp, tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán càng trở nên phức tạp. Theo ghi nhận, thời điểm này, nhiều chủ cửa hàng đang bắt đầu xả hàng năm cũ nên bày bán, đổ đống nhiều mặt hàng ra vỉa vè. Nhiều nhất là các mặt hàng quần áo, giầy dép, chăn, ga, gối, đệm. Lợi nhuận từ kinh doanh dịp cuối năm rất lớn nên những chủ hàng vô tư chiếm dụng vỉa hè bất chấp sự quản lý của cơ quan chức năng.

Không chỉ các mặt hàng quần áo, hàng tạp hóa biến vỉa hè thành “sân nhà”, thời điểm Tết cũng là dịp để các thương lái hoa, cây cảnh tận dụng nhiều tuyến đường, góc phố để kinh doanh mặt hàng này. Có thể kể đến như khu vực chợ Tân Xuân, chợ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm).

Hay tại phố Kẻ Vẽ (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), vào mỗi buổi sáng, buổi chiều, nhất là những ngày cuối tuần, tình trạng người bán hàng rong, xe máy đỗ ở lòng đường gây mất trật tự đô thị và ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Mặc dù các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra, chấn chỉnh, xử phạt, nhưng ngay sau khi các lực lượng chức năng rút đi, tình trạng vi phạm tiếp tục tái diễn.

Vì một Hà Nội bình yên đón Tết
Nhiều vi phạm trật tự đô thị vẫn diễn ra dịp cuối năm (Ảnh: K.Tiến)

Thực tế cho thấy, công tác quản lý trật tự đô thị luôn là vấn đề khó, nhất là tại đô thị đông dân, có tốc độ đô thị hóa nhanh. Và để duy trì hiệu quả công tác này, việc thực hiện kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm cần được thực hiện thường xuyên, kiên trì, bài bản ngay từ cấp cơ sở. Bàn về vấn đề này, không ít ý kiến cho rằng, ngoài ý thức tự giác nâng cao nếp sống văn minh đô thị của một bộ phận người dân chưa cao, sở dĩ công tác quản lý trật tự đô thị khó khăn và hay tái diễn xuất phát từ bất cập của hạ tầng.

Chẳng hạn, với tình trạng dừng đỗ xe sai quy định, thậm chí ngay trước biển cấm là bởi các điểm đỗ xe lại quá ít so với nhu cầu. Hay với tình trạng chợ cóc, chợ tạm tái diễn thì đang tồn tại một thực tế là, Hà Nội có rất nhiều khu đô thị, khu tập thể cũ. Tại các khu vực này, dù đông dân nhưng lại không được quy hoạch chợ dân sinh hay siêu thị, trung tâm thương mại… để phục vụ nhu cầu của người dân. Hệ lụy là, hàng rong, quán cóc len lỏi để phục vụ nhu cầu mua sắm.

Ngoài ra, với các vi phạm như tái diễn chợ tạm, chợ cóc, các hành vi vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường… theo ghi nhận dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc song hiện tượng này vẫn chưa dứt điểm. Đáng chú ý, để triệt để vấn nạn này cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn nhất định.

Chẳng hạn, hiện để xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, các lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo quy định các lực lượng chức năng không được phép xử lý tại các tuyến đường không có tên, các ngõ, ngách. Bởi vậy, đối với các trường hợp vi phạm trật tự đô thị tại các ngõ, ngách, các tuyến đường chưa được đặt tên, các lực lượng chức năng chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể xử phạt.

Những năm qua, có thể thấy các biện pháp được các lực lượng chức năng đã và đang thực hiện là rất cần thiết để bảo đảm trật tự đô thị, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông có thể xảy ra khi nhu cầu đi lại, mua bán của người dân tăng cao. Song, thẳng thắn mà nói, những biện pháp trên chỉ có tác dụng hạ nhiệt điểm nóng chứ chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề luôn tồn tại... từ năm này sang năm khác.

Xử lý triệt để, đảm bảo an ninh trật tự

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự phục vụ cho nhân dân cả nước đón Tết vui xuân bình yên và an toàn, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn Hà Nội triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp và tăng cường lực lượng, phương tiện tổ chức trực ban, trực chiến, ứng trực nghiêm túc để đảm bảo, giải quyết các công việc thường xuyên, đột xuất xảy ra.

Vì một Hà Nội bình yên đón Tết
Các cửa hàng thời trang, quần áo chiếm dụng vỉa hè…để “xả” hàng (ảnh: K.Tiến)

Theo đó, từ 15/12 đến ngày 28/2/2021, Công an các đơn vị đồng loạt ra quân tấn công trấn áp tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tạo môi trường bình yên để người dân Thủ đô vui xuân, đón Tết.

Trong dịp ra quân này, các đơn vị hướng đến mục tiêu kiên quyết không để tội phạm hoạt động manh động, lộng hành gây bức xúc trong nhân dân, phấn đấu không để xảy ra án đặc biệt nghiêm trọng trong các ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Tập trung trấn áp mạnh tội phạm có tổ chức, “tín dụng đen”, cờ bạc, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm cướp, tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia... ; đẩy mạnh phát hiện đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, khoáng sản…

Với các đơn vị quận, huyện, thị xã, để bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là trong dịp “năm hết, Tết đến” chính quyền các địa phương cũng triển khai nhiều đợt cao điểm ra quân xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Trong đó, các hành vi như dừng, đỗ phương tiện sai quy định, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dựng biển hiệu, biển quảng cáo, xả, tập kết rác sai quy định… sẽ được các lực lượng chức năng ưu tiên thực hiện để xây dựng một Thủ đô “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.

Tại phường Kim Liên (quận Đống Đa), ông Nguyễn Quang Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường cho biết, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2020, Uỷ ban nhân dân phường Kim Liên đã chỉ đạo, xây dựng, tổ chức thực có hiệu quả nhiều chương trình nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Phường đã thành lập các tổ công tác tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn giao thông, mỹ quan, trật tự đô thị.

Riêng trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021, phường Kim Liên xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, trật tự đô thị, trật tự xây dựng, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường trên địa bàn. Cụ thể, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phường sẽ tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ đề Năm an toàn giao thông quốc gia năm 2021 trọng tâm là “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, mục tiêu là 100% người ngồi trên xe mô tô, xe máy tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm chuẩn. Đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện tham gia giao thông hoạt động không đúng nơi quy định, xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông…

Tương tự, tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình), mới đây các cơ quan chức năng đã ra quân xử lý vi phạm trật tự xây dựng khu vực bờ ven sông Hồng. Bà Trần Thị Tố Tâm, Bí thư Đảng uỷ phường Phúc Xá, cho biết Lực lượng chức năng phường đã phối hợp với cấp uỷ địa bàn dân cư số 5 vận động những hộ dân có công trình vi phạm ký cam kết không tái vi phạm; tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân sinh sống gần khu vực bờ vở sông Hồng tự giác chấp hành nghiêm quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng đất công.

Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý đất công và trật tự xây dựng, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân phường sẽ tăng cường triển khai các phương án duy trì, quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn phường, đặc biệt là những khu vực dễ lấn chiếm như bờ sông Hồng thuộc địa bàn dân cư số 1, số 2, số 4, số 5.

Vì một Hà Nội bình yên đón Tết
Lực lượng chức năng thường xuyên ra quân xử lý các vi phạm (Ảnh: K.Tiến)

Tại quận Ba Đình, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị dịp Tết 2021, Ban Chỉ đạo 197 quận Ba Đình cho biết đã tổ chức Lễ ra quân cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh dịp Tết Dương lịch 2021, Tết Nguyên đán Tân Sửu và phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo 197 quận Ba Đình sẽ lồng ghép các nội dung tuyên truyền phục vụ Đại hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Theo đó, các phường thuộc quận Ba Đình sẽ tổ chức triển khai lực lượng đến từng hộ kinh doanh và các hộ dân trên các tuyến phố để hướng dẫn cam kết thực hiện, nhất là việc đảm bảo không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Công an quận Ba Đình xây dựng phương án bố trí thêm lực lượng điều tiết giao thông tại các điểm vui chơi công cộng và các địa bàn trọng điểm như khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Tòa nhà Lotte, Bến xe buýt Yên Phụ…; tập trung lực lượng phân luồng chống ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm tại các tuyến phố như Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Hoa Thám...

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, mặt khác là địa bàn thường xuyên diễn ra các sự kiện quan trọng, do đó công tác bảo đảm an ninh, trật tự luôn được chú trọng, đi trước một bước. Bởi vậy, sự chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường bình yên để người dân Thủ đô vui xuân, đón Tết là hết sức cần thiết.

Nhờ sự chủ động của các ngành chức năng, tình trạng vi phạm trật tự đô thị tại Hà Nội thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm. Không tồn tại các tụ điểm phức tạp, kéo dài về tội phạm và tệ nạn xã hội, không để các ổ nhóm tội phạm hoạt động công khai, trắng trợn, lộng hành…/.

Thường xuyên ra quân xử lý vi phạm

Trung tá Nguyễn Duy Định – Trưởng Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội): Phường Phương Mai là 1 trong 10 địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự của thành phố, do đó về công tác an ninh trật tự, phòng chống tội phạm tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhất là dịp cuối năm. Theo đó, căn cứ vào Kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự cuối năm của quận, của Thành phố, Công an phường Phương Mai đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể. Đặc biệt, nhằm đảm bảo trật tự đô thị, Công an phường đã tiến hành ra quân, thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm. Hiện nay, trên địa bàn phường Phương Mai, lưu lượng tham gia giao thông rất cao, nhất là khu vực cổng sau Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Da liễu Trung ương. Hằng ngày, buổi sáng công an phường triển khai lúc 6h-8h để triển khai phân luồng chống ùn tắc giao thông; buổi trưa từ 11h-12h15; buổi chiều 5h-7h tối. Bên cạnh đó, Công an phường phối hợp Ban kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các bãi xe nhằm tuần tra kiểm soát phát hiện vi phạm. Đặc biệt, dịp cuối năm việc buôn bán sôi động hơn, lưu lượng tham gia giao thông nhiều hơn, do vậy lực lượng Cảnh sát trật tự cũng phải làm nhiều phần việc hơn.

Cần đồng bộ các giải pháp

Nhà văn Nguyễn Văn Học: Vấn đề lớn nhất của Hà Nội là sự phát triển “nóng” đang tạo ra sự mất cân đối giữa hạ tầng, giao thông và dân số. Phần lớn các nước phát triển đều không có tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng, bởi họ phát triển đồng bộ từ hạ tầng giao thông đến hạ tầng xã hội như hệ thống siêu thị để hạn chế buôn bán nhỏ lẻ, đô thị vệ tinh giảm ùn tắc khu vực trung tâm. Còn ở Hà Nội, tình trạng buôn bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra tương đối phổ biến. Để thực hiện trật tự đô thị đồng bộ giải pháp, từ thực hiện đúng quy hoạch đến ý thức người dân, thậm chí dư luận cho rằng nếu chính quyền sở tại xử lý nghiêm thì đã hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Hơn hết, theo quan sát của cá nhân tôi, tại nhiều địa bàn dân cư ở Hà Nội việc huy động sức mạnh của cộng đồng, kết hợp với chế tài nghiêm minh đã xóa được “điểm đen” về trật tự đô thị. Nói cách khác, qua các mô hình hay, sáng tạo đã tạo sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, từ đó tạo lập cảnh quan đô thị văn minh hiện đại.

Lắp camera, áp dụng khoa học công nghệ

Chị Đinh Thị Lệ, phường Phú Lãm, quận Hà Đông: Tình trạng quản lý trật tự đô thị, vỉa hè được nhắc đến nhiều. Sau nhiều năm kiên trì, tình hình có tiến bộ so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng sau các đợt ra quân hiện tượng người dân tái lấn chiếm để phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các phố nhỏ, khu vực trung tâm thương mại, khu vực có nhiều nhà hàng…

Để giải quyết vấn đề này, Thành phố cần thường xuyên ra quân xử lý và có những đợt cao điểm. Sau các đợt ra quân, việc lắp camera, áp dụng khoa học công nghệ để có những chế tài kết hợp song hành với tuyên truyền vận động là hết sức cần thiết. Qua đây sẽ từng bước duy trì và hình thành thói quen, từ đó sẽ tạo dựng nếp văn hóa người Hà Nội theo đúng bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng./.

Luyện Đinh – Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này