Doanh nghiệp Việt chủ động tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài

Nếu biết cách đi sẽ thắng

16:42 | 24/12/2020
(LĐTĐ) Thời gian qua, hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã và đang trở thành một trong những kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững đối với hàng hóa Việt Nam. Thông qua hệ thống phân phối này, nhiều hàng hóa Việt đã tới tay người tiêu dùng trên khắp thế giới. Quan trọng là vậy nhưng, hiện doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể trở thành nhà cung cấp chính, hay nói đúng hơn là chưa thể “chen chân” vào mạng lưới của các nhà phân phối hàng đầu thế giới...
Hệ thống phân phối nước ngoài kênh xuất khẩu hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Góc nhìn từ một doanh nghiệp điện tử

Doanh nghiệp mới chỉ biết bán “cái mình có”

Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020 do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với sự hỗ trợ của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may…đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp toàn thế giới. Đặc biệt, xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững.

Nếu biết cách đi sẽ thắng
Nhiều doanh nghiệp Việt thiếu chủ động trong việc kết nối với hệ thống phân phối lớn trên thế giới.

Đề cập đến tính hiệu quả trong việc xuất khẩu qua hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài cho thấy, với tập đoàn Central Group, nếu như lượng xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước qua hệ thống này trong năm 2012 mới chỉ đạt 21 triệu USD, thì tới năm 2019, xuất khẩu qua hệ thống này đã lên đến 205 triệu USD. Trong khi đó, với hệ thống siêu thị Aeon, nếu như năm 2017, các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu qua hệ thống siêu thị này mới chỉ đạt 200 triệu USD, thì trong năm 2020, con số này được dự kiến sẽ đạt khoảng 500 triệu USD…

Từ số liệu trên cho thấy, hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ nước ngoài có vai trò rất lớn trong việc giúp hàng hóa Việt xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù xuất khẩu qua hệ thống phân phối nước ngoài rất lớn, nhưng nhìn chung chưa có một doanh nghiệp nào có thể trở thành nhà cung cấp chính tại các hệ thống này. Hay nói đúng hơn, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể tự “chen chân” vào các hệ thống phân phối lớn trên thế giới.

Theo đại diện Tập đoàn Aeon Việt Nam cho biết, năm 2018 Aeon đã khảo sát hơn 300 nhà cung cấp Việt Nam và trực tiếp hướng dẫn cho 33 doanh nghiệp về quy chuẩn chất lượng hàng hóa được nhập khẩu thông qua hệ thống siêu thị Aeon, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp có hàng hóa đạt chuẩn phân phối qua Aeon không nhiều. Lý giải về vấn đề này đại diện Aeon cho rằng, đó là do các doanh nghiệp thiếu tính ổn định trong sản xuất; đặc biệt là có sự chênh lệch lớn trong suy nghĩ với Aeon. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp không hiểu, thậm chí không chấp nhận việc phải đáp ứng theo yêu cầu chất lượng mà phía nước ngoài đưa ra…

Cũng đề cập đến vấn đề trên, ông Trần Trí Cường (Trưởng phòng Xuất khẩu, Tập đoàn MM Megamarket) cho biết, không phải nhà máy nào cũng đáp ứng được yêu cầu của nhà phân phối dù đã qua sàng lọc. Trong khi đó, do đặc thù của nông sản Việt Nam là thường không có vùng trồng lớn, nên chất lượng không đồng đều. Trong khi MM Megamarket lại rất chú trọng đến vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vì “không muốn bị kiện” ở thị trường quốc tế về vấn đề này...

Sức cạnh tranh kém do phí vận chuyển

Mặc dù khó “chen chân” vào các hệ thống phân phối lớn trên thế giới, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, cũng như nhận định của đại diện các hệ thống phân phối bán lẻ nước ngoài cho thấy, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu hiện được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng và đánh giá cao. Cụ thể, theo ông Ma Jung Uk, Giám đốc Lotte Mart tại Hà Nội, hiện nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như hoa quả, thủy sản... đang nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng Hàn Quốc, bởi các sản phẩm này không chỉ đảm bảo về mẫu mã, chất lượng, mà còn là sự an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bởi thế, theo ông ông Ma Jung Uk, hệ thống này đang lên kế hoạch tăng sản lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc vào năm sau. Tuy nhiên, khó khăn là năng lực sản xuất liên tục, lâu dài của nhà cung cấp tại Việt Nam, nhất là với hàng phi thực phẩm đang thiếu sự ổn định. Trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng hóa Việt Nam hiện đang cao hơn một số nước, đơn cử như với Thái Lan, hàng hóa Việt Nam đang cao hơn 1 USD/kg. Do đó, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt cũng bị kém hơn so với các nước có cùng nguồn hàng xuất khẩu.

Cũng đề cập đến vấn đề trên, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada Đỗ Thị Thu Hương cho biết, tại Canada hàng hoá của Việt Nam đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm bởi giá cả cạnh tranh, do được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% theo quy định thỏa thuận tại Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, nhiều Việt kiều tại Canada đang giữ những vị trí chủ chốt tại các tập đoàn phân phối lớn và muốn đưa hàng Việt Nam xuất hiện nhiều hơn ở các hệ thống của tập đoàn.

Tuy nhiên, vấn đề mà một số nhà phân phối lớn của Canada đang gặp phải đó là “sự thiếu nhiệt tình” từ phía các đối tác tại Việt Nam. Ví dụ, một nhà phân phối lớn có doanh thu 20 tỷ USD/năm, chuyên phân phối hoa quả tại Canada cũng đã sang Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng; khi tìm hiểu họ cảm thấy thích thú với sản phẩm Việt Nam và mong muốn 2 bên cùng hợp tác xây dựng chiến lược lâu dài từ 5-7 năm, tuy nhiên mong muốn này chưa thành công do “không có hồi âm” từ các cơ quan Việt Nam, không biết liên hệ với ai để bàn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để có thể đưa hàng lên kệ siêu thị…

Từ những chia sẻ trên có thể thấy, nhu cầu của các nhà phân phối lớn trên thế giới là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh việc không ổn định trong việc cung cấp sản lượng, chất lượng, chi phí cao…thì việc nhiều doanh nghiệp Việt “rụt rè” trong việc nắm bắt thời cơ đang khiến cho họ mất đi cơ hội “bước chân” trực tiếp vào các hệ thống phân phối bán lẻ lớn trên thế giới. Bởi thế, theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận chủ động, quyết liệt hơn để đưa sản phẩm vào các nhà phân phối lớn trên thế giới, thì doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức, tư duy để tiếp cận. Và rõ ràng, chương trình thúc đẩy doanh nghiệp vào hệ thống phân phối ở nước ngoài của Bộ Công Thương là một cơ hội rất lớn để doanh nghiệp vươn dài xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.

Nhằm hướng tới định vị Việt Nam trở thành một nguồn cung quan trọng trong khu vực ASEAN của các tập đoàn phân phối bán lẻ quốc tế, theo đại diện Bộ Công Thương, hiện Bộ đang tập trung phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang hiện diện tại Việt Nam, hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nghiên cứu, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này.../.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này