Xã Tiền Phong, huyện Mê Linh:

Người dân hối hả vào vụ rau Tết

13:45 | 23/12/2020
(LĐTĐ) Những ngày này, dù thời tiết có phần lạnh giá, thế nhưng ngay từ sớm, trên những cánh đồng rau thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đã thấp thoáng bóng dáng của các cô, các bác nông dân. Đây là thời điểm người dân nước rút làm đất trồng các loại rau củ để cung cấp cho thị trường trong đợt Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Ngắm cuộc sống bình yên qua con đường bích họa tại xã Tự Lập Huyện Mê Linh có 49 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao 51 sản phẩm của huyện Mê Linh tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Được biết đến là nơi cung cấp rau sạch và hoa tươi lớn của huyện Mê Linh, những năm qua, người dân thôn Yên Nhân đã có nguồn thu nhập ổn định hơn nhờ thay đổi thành công cơ cấu cây trồng. Vụ mùa năm nay với người dân thôn Yên Nhân là một vụ mùa thắng lợi, các loại rau, củ ít bị sâu bệnh hại, giá cả tương đối ổn định.

Người dân hối hả vào vụ rau Tết
Bà Hoàng Thị Hiền (thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong) đang chăm sóc cà chua phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tới thời điểm hiện tại, các cánh đồng rau trên địa bàn xã Tiền Phong đang rộn ràng bước vào vụ mới để chuẩn bị lượng rau củ quả phục vụ cho thị trường Tết. Những ngày này, thời tiết miền Bắc đang đón đợt không khí lạnh, thế nhưng, từ sớm bà Hoàng Thị Hiền (thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong) đã có mặt ở cánh đồng gần nhà để chăm sóc cho hơn 1 sào cà chua đang ra hoa. Cùng đó, thời điểm này, bà cũng đang tất bật với công việc làm đất trồng rau cho kịp vụ Tết Nguyên đán.

Theo bà Hiền, có được thành quả như hôm nay là nhờ người dân thay đổi thành công cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng rau, hoa. "Năm nay rau đẹp lại được giá nên người dân trong thôn cũng phấn khởi. Nhà tôi trồng 2 loại rau chính là súp lơ và su hào. Thời điểm thu hoạch, giá su hào khoảng từ 4 - 5 nghìn/củ, súp lơ khoảng 10 nghìn/cây nên sau khi trừ chi phí, gia đình tôi đã thu được một khoản tiền" - bà Hiền cho hay.

Theo khảo sát của phóng viên ở một số vườn rau tại xã Tiền Phong, cũng như những năm trước hiện xã đang trồng khá nhiều các mặt hàng rau củ quả để cung cấp cho thị trường trong đợt Tết này. Các mặt hàng được trồng chủ yếu là bắp cải; su hào; củ cải; súp lơ... Thế nhưng, mỗi gia đình chỉ trồng từ 2 tới 3 loại rau trồng chuyên biệt để tránh việc sản xuất ồ ạt dẫn đến tình trạng nguồn cung lớn hơn cầu.

Người dân hối hả vào vụ rau Tết

“Bây giờ các gia đình tại thôn Yên Nhân đang bắt đầu tất bật trồng rau để phục vụ thị trường Tết. Để đảm bảo đủ nhu cầu cho thị trường, mỗi gia đình thường trồng một vài loại rau củ quả khác nhau. Như nhà tôi năm nay thì trồng su hào, súp lơ, cà chua, nhà khác thì trồng hành tây, cải bắp…” - bà Hiền cho biết thêm.

Cách thửa ruộng nhà bà Hiền không xa, ông Phạm Văn Nhạn (thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong) đang tranh thủ tưới cho hơn 1 sào rau. Loại rau gia đình ông trồng để cung cấp cho thị trường Tết là su hào. Để rau đạt sản lượng và chất lượng, mỗi ngày vào sáng sớm và chiều tối ông Nhạn đều phải ra ruộng để tưới nước cho rau. Bên cạnh đó, ông cũng phải mất nhiều công sức trong công đoạn làm đất, rắc phân, bổ hố và cấy rau giống…

Theo dự đoán của ông Nhạn, nếu thời tiết lạnh từ giờ đến Tết Nguyên đán thì rau củ sẽ rất được giá. Với hơn 1 sào rau su hào, ông tính sẽ mang về cho gia đình khoảng 6 tới 7 triệu đồng/sào nếu giá cả thuận lợi. Còn đối với các loại rau khác như súp lơ, bắp cải nếu trời lạnh cũng sẽ đưa về nguồn thu cao cho người dân.

Trên những cánh đồng bạt ngàn của thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, những con người nhỏ bé vẫn nỗ lực chạy đua với thời gian để phủ xanh những mảnh đất. Mỗi cây rau giống được cấy xuống đồng là biết bao niềm hy vọng của người dân về một vụ rau Tết bội thu.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này