Xin đừng bê tông hóa!

12:22 | 17/12/2020
(LĐTĐ) Phát triển kinh tế để khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh gắn với bảo tồn thiên nhiên, môi trường sinh thái là hai nhiệm vụ song hành. Tuy vậy, không ít nơi dường như vì lý do kinh tế, tốc độ “bê tông hóa” trong phát triển du lịch đang là vấn đề được dư luận và các nhà khoa học quan tâm.
Câu chuyện rừng phòng hộ Đổi mới tư duy về phát triển du lịch Phát triển du lịch bài bản là cách tốt nhất để gìn giữ rừng
Xin đừng bê tông hóa!
Ảnh minh họa: Vietnam+

Ngày 10/12/2020 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 10356/VPCP-KGVX về việc “xử lý thông tin báo nêu”. Theo Văn phòng Chính phủ, báo chí vừa qua có bài viết: "Bê tông hóa khu du lịch, Rất khó để sửa sai", trong đó thông tin: Bê tông hóa các điểm du lịch đang trở thành "hội chứng" ở Sapa, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang.

Muốn phát triển du lịch bền vững, cần phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược trong quản lý quy hoạch, lấy ý kiến từ nhiều bên. Xây dựng thì dễ, nhưng để "sửa sai", "dọn dẹp" tình trạng bê tông hóa là rất khó và tốn kém. Về việc này, “Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh: Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang và Khánh Hòa và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý”.

Với điều kiện khí hậu và tự nhiên đa dạng, Việt Nam được thiên nhiên ban tặng nhiều địa điểm, địa danh nổi tiếng tầm khu vực và thế giới. Những Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, Phú Quốc…đã góp phần làm nên thương hiệu du lịch Việt Nam. Cách đây trên 25 năm, có dịp đến Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo ta mới hiểu thế nào là vẻ đẹp của “Đà Lạt mộng mơ”; “Sapa thị trấn trong mây”; “Tam Đảo mù sương”.

Nay những địa danh này vẫn là một trong những điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có một thực tế những địa danh du lịch này đã bị “bê tông hóa” quá lớn. Ngoài những quần thể du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng tầm cỡ được quy hoạch bài bản, rất nhiều nơi hệ thống khách sạn mini, nhà nghỉ mọc lên san sát làm mất đi không gian rất đỗi tự nhiên của những địa danh này.

Có một người bạn của tôi cách đây không lâu đã dẫn một câu chuyện liên quan đến quy hoạch Sapa (tỉnh Lào Cai) đại thể, những năm 2000 thời ông Bùi Quang Vinh (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư) đang giữ các chức Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, chính quyền tỉnh này đã “lặn lội” sang tận Cộng hòa Pháp để “nhờ” các nhà quy hoạch, kiến trúc Pháp quy hoạch chi tiết về kiến trúc cho thị trấn Sapa (nay là thành phố Sapa).

Cuối cùng bản quy hoạch chi tiết cho thị trấn này cũng hình thành, song do thời gian mà đến nay bản Quy hoạch chi tiết đó không được áp dụng một cách triệt để, Sapa vẫn đẹp, nhưng do sự phát triển nóng về xây dựng khiến thành phố này cũng nằm trong chuỗi các địa điểm du lịch có nguy cơ bị “bê tông hóa” cao!

Quy luật kinh tế chỉ ra rằng, muốn phát triển phải đánh đổi, nhưng quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là không “đánh đổi mọi giá về môi trường sinh thái để phát triển kinh tế”. Vì vậy, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan làm quy hoạch phải làm sao gắn phát triển kinh tế với gìn giữ môi trường, cảnh quan thiên nhiên một cách hài hòa nhất. Kiên quyết “không bán rẻ”, không “vá vỡ” không gian, cảnh quan, môi trường để xây dựng những khách sạn, nhà nghỉ một cách “phi mã” để rồi chúng ta vô tình tự mình đánh mất đi những vẻ đẹp mà tạo hóa ban cho những địa danh này. Cái giá cho tương lai sẽ rất đắt!

H.Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này