Sống là để san sẻ yêu thương!

14:19 | 26/11/2020
(LĐTĐ) Nhiều năm nay, có một nhóm thiện nguyện đã trở thành cầu nối giữa những mạnh thường quân với những mảnh đời còn nhiều khó khăn, những vùng bị thiên tai, bão lũ. Để duy trì được hoạt động của nhóm, chị Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng nhóm thiện nguyện đã phải trăn trở, hy sinh rất nhiều, coi việc giúp đỡ người khác như lẽ sống của đời mình.
Trao yêu thương tới người dân vùng lũ Quảng Trị Ấm áp chương trình “Sáng mãi vầng trăng yêu thương”

Tốt nghiệp học viện Hành chính Quốc gia, Nguyễn Thị Kim Chi về nhận công tác tại Ban quản lý chợ Mơ. Sau 7 năm công tác, sau Đại hội Hội phụ nữ năm 2016, chị được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nguyễn Du.

Sống là để san sẻ yêu thương!
Chị Nguyễn Thị Kim Chi trong một lần làm từ thiện. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhận nhiệm vụ mới, chị hiểu mình phải nỗ lực hơn nữa trong công tác để có được sự ủng hộ của các hội viên phụ nữ, từ đó mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, đối với chị, việc điều hành một tổ chức gần một nghìn thành viên như hiện nay không phải là điều khó khăn nhất mà chị đang làm. Một trong những điều tâm huyết nhất mà chị luôn luôn theo đuổi, như chị nói “là một con nghiện”, đó chính là những việc làm thiện nguyện.

Mọi chuyện bắt đầu từ những năm 2000, chị có một chuyến đi lên vùng cao tỉnh Lào Cai, khi được chứng kiến các em nhỏ mang theo đu đủ xanh và muối trắng, vượt qua hàng chục cây số đường rừng để đến trường học, chị đã không cầm được nước mắt. Vào những buổi trưa, chúng tự nấu ăn ngoài trời, chủ yếu là đu đủ chấm muối ăn qua ngày. Những ngày giá rét, trên người bọn trẻ chỉ có chiếc áo cộc tay và chiếc quần mỏng. Chân đi đất, môi tím tái vẫn băng rừng đến trường học. Những hoàn cảnh đáng thương ấy đã ám ảnh chị nhiều ngày sau đó. Với mong muốn có thể làm một điều gì đó thiết thực giúp đỡ những em nhỏ thiệt thòi ở vùng cao, chị ngày đêm suy nghĩ về cách thức, mong có thể tìm ra được phương pháp làm thiện nguyện một cách thiết thực, hiệu quả.

Dù vậy, đây là công việc không hề dễ dàng. Bởi các tổ chức từ thiện từ bấy lâu nay mọc lên như nấm, thật có, giả có, thành tâm có, mua danh cũng có… Cuối cùng, với quyết tâm cao, nhóm “Trao yêu thương” cũng được thành lập trên trang mạng xã hội facebook. Ban đầu gồm vài thành viên tích cực tham gia kêu gọi, quyên góp. Những số tiền nhỏ nhoi đầu tiên được chuyển về tài khoản khiến chị xúc động rơi nước mắt. Chị từng nghĩ, mạng xã hội là ảo, nhưng những tấm lòng thiện nguyện là thật. Trong số những người gửi tiền về quyên góp từ thiện, chị hiểu rằng, có nhiều người không biết chị là ai, nhưng họ sẵn sàng đặt lòng tin vào chị, bởi tình yêu thương và giúp đỡ đồng loại khiến họ sẵn lòng chấp nhận cả mặt trái đó nếu như chuyện từ thiện chỉ là sự lạm dụng. Chính lòng tin này đã động viên chị cố gắng, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình, đem chia sẻ vật chất và tinh thần đến với những đồng bào khó khăn.

Chị còn nhớ một kỷ niệm khi cùng nhóm “Trao yêu thương” tới xã Noong Luông, Mai Châu, Hòa Bình. Nhóm đã gửi tới 150 em học sinh và gia đình những món quà động viên, giúp đỡ một phần cho cuộc sống của người dân, cho con đường tới trường còn nhiều gian khó của các em học sinh nơi đây. Cuối năm ấy, giữa mùa đông lạnh giá, chị lại cùng các thành viên lên đường tới xã Tân Mai. Ấn tượng đầu tiên trên con đường tới đây là khó khăn về giao thông, nhóm phải chia làm 2 nhánh, đi theo đường sông và đường núi để mang tấm lòng hảo tâm từ mọi miền tới với học sinh và người dân nơi đây.

“Nhóm đã chuyển tới các em học sinh và người dân ở đây gần 200 món quà, với trị giá khoảng hơn 40 triệu đồng. Ở đó, tôi không thể nào quên được tình cảm của người dân và cả giọt nước mắt của vị Chủ tịch xã trong buổi gặp mặt đã dành cho chúng tôi. Cảm thấy bản thân đã hoàn thành nhiệm vụ mà các nhà hảo tâm giao phó. Hòa Bình luôn là mảnh đất cần nhiều chia sẻ khi nhóm chúng tôi 3 lần tới Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hòa Bình với hơn 100 người già neo đơn và trẻ em mồ côi, khuyết tật. Với niềm thương yêu và thấu hiểu những thiệt thòi của mọi người sống ở đây, nhóm đã 3 lần tổ chức nấu ăn ở đây vào các dịp Tết Thiếu nhi và Tết dương lịch. Nhìn những nụ cười, những gương mặt hạnh phúc dù những việc chúng tôi làm không có gì lớn lao, tất cả chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc và cuộc sống của mình thêm ý nghĩa”, chị Chi chia sẻ.

Trải qua gần 7 năm hoạt động, đến nay, nhóm nguyện “Trao yêu thương” đã trở thành cầu nối giữa các mạnh thường quân với những mảnh đời còn nhiều khó khăn. Những tấm lòng hảo tâm của mọi người đã giúp cho những em học sinh, những hộ gia đình nghèo, các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo vơi bớt một phần lo âu. Cho đến bây giờ, chị Chi cũng không nhớ rõ nhóm thiện nguyện của mình đã có bao nhiêu chuyến đi, giúp được bao nhiêu người khốn khó. Nhưng, chị lại nhớ rất rõ từng hoàn cảnh, những nụ cười hạnh phúc của họ khi nhận được những món quà dù rất nhỏ, nhưng được gửi trao từ những tấm lòng đầy nhân ái.

Gần 7 năm trôi qua, chị Chi cùng nhóm “Trao yêu thương” vẫn cần mẫn kiên trì thực hiện phát cháo miễn phí 2 lần/tháng tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Đây là một chương trình định kỳ và vẫn đang tiếp diễn để giúp đỡ bệnh nhân và người thân đang điều trị tại đây vượt qua khó khăn. Ngoài ra, nhóm cũng là cầu nối giữa những nhà hảo tâm, mang tình yêu thương chia sẻ đến với Viện bỏng Quốc gia cho những hoàn cảnh các cháu nhỏ tuổi, trường hợp bỏng nặng, người vùng cao, nghèo khó đang điều trị tại Khoa Nhi, Khoa Hồi sức.

Sống là để san sẻ yêu thương!

“Chương trình áo ấm mùa đông tại điểm trường Thần Sa, Võ Nhai, Thái Nguyên vào tháng 12/2014 là một kỷ niệm khó quên, đây là điểm trường còn nhiều khó khăn của tỉnh Thái Nguyên. Lớp học là những ngôi nhà được lợp bằng các mảnh ván gỗ, nền bằng đất, các lớp thì phải học ghép với nhau. Nhưng trên tất cả là sự cố gắng của thầy trò ở đây để vượt qua khó khăn. Chúng tôi sẽ nhớ mãi tình cảm của thầy cô, những em học sinh rất đỗi hồn nhiên mà chân thật. Cả dòng chữ viết bằng phấn trên bảng chính là bức tường ngăn lớp học: "Cô giáo em là người đẹp nhất" của học sinh nơi đây”, Trưởng nhóm thiện nguyện “Trao yêu thương” xúc động kể.

Trong nhiều năm qua, chị Chi cùng các đoàn thiện nguyện đi khắp mọi vùng đất của tổ quốc, như các điểm trường tại Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa… và gần đây nhất là miền Trung thân yêu khi phải hứng chịu cơn lũ lụt lịch sử. Vừa qua, chị đã cùng các thành viên đoàn thiện nguyện lặn lội vào miền Trung, tặng quà cho 47 gia đình bị tốc mái do bão lũ, hỗ trợ 100 em học sinh với số tiền 100.000.000 đồng.

Còn rất nhiều những chuyến đi nữa chị đã từng đi, cùng nhau đi trao những phần quà, những phần “yêu thương” dù là nhỏ nhoi tới những mảnh đời vô gia cư luôn coi đất là giường, trời là màn, chỉ có tấm chiếu mỏng, bạt áo mưa, thậm chí chẳng có cái gì để che thân, đang phải nằm co ro giữa đêm đông buốt giá...

“Sống yêu thương, khát khao mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người khác, thiện nguyện giờ đây đã trở thành việc làm thường xuyên của bàn thân tôi. Bằng nhiều hình thức kết nối, những tấm lòng nhân ái đang chung tay sẻ chia, để người yếu thế, người nghèo không bị bỏ lại phía sau. Xin trân trọng cảm ơn các nhà hảo tâm đã, đang và sẽ đồng hành với chúng tôi trong những chương trình sắp tới”, chị Chi nói.

Với những việc làm có ý nghĩa cho cộng đồng, cùng với sự năng nổ trong công tác của Hội phụ nữ phường, chị Nguyễn Thị Kim Chi đã được Ủy ban nhân dân Phường Nguyễn Du trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen, danh hiệu cho các thành tích đạt được. Tuy nhiên, chị cho rằng những danh hiệu đạt được là do chị may mắn được các cấp ủng hộ và tạo điều kiện để chị có thể phấn đấu trong công tác, còn “danh hiệu” quý giá nhất chị có được chính là ánh mắt yêu thương của những con người đã nhận từ chị một tấm lòng.

Vừa qua, tháng 7/2020, được sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo Phường, chị Nguyễn Thị Kim Chi trở thành Phó Chủ tịch Hội chữ Thập đỏ phường Nguyễn Du. Với con đường thiện nguyện chưa bao giờ mệt mỏi, chị lại được thỏa sức mang yêu thương đi khắp muôn nơi.

Cao Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này