Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã

18:37 | 17/11/2020
(LĐTĐ) Ngày 17/11, dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phối hợp cùng Cơ quan Thẩm quyền Quản lý CITES Việt Nam (CITES Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức khởi động chiến dịch truyền thông “Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp”.
Triệt tiêu các đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép Ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trên mạng Internet Ủng hộ đóng cửa thị trường buôn bán động vật hoang dã

Theo đó, trong nhiều thập kỷ qua, nạn buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam có chiều hướng phức tạp. Hoạt động nhập khẩu và trung chuyển mẫu vật động vật hoang dã bất hợp pháp ngày càng tinh vi.

Qua "Nghiên cứu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ voi, tê giác, tê tê ở Việt Nam" do USAID thực hiện năm 2018, khoảng 50% người mua và sử dụng các sản phẩm sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê nhận thức không đầy đủ về các điều luật và các hình phạt đối với các hành vi bất hợp pháp này.

Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kỳ vọng chiến dịch truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã này sẽ thúc đẩy sức mạnh của cộng đồng xã hội cùng chung tay trong việc ngăn ngừa và phòng chống loại hình tội phạm về động vật hoang dã. Ảnh: Đinh Luyện

Nhằm khắc phục tình trạng trên, chiến dịch “Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp” sẽ diễn ra xuyên suốt trong năm 2020 – 2021 để nâng cao nhận thức về pháp luật cũng như giảm thiểu việc tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.

Trong giai đoạn đầu, chiến dịch sẽ tập trung truyền tải các thông điệp cụ thể và quyết liệt như: “Buôn bán, vận chuyển và tàng trữ sản phẩm từ động vật hoang dã: Phạt tù lên đến 15 năm và phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng”; “Đừng biến chuyến du lịch thành hành trình phạm pháp”… nhằm nhấn mạnh vào việc thực thi pháp luật nghiêm minh đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.

Giai đoạn tiếp theo của chiến dịch sẽ tập trung truyền thông thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã với các niềm tin vô căn cứ. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên tại Việt Nam, chiến dịch truyền thông sẽ truyền tải các thông điệp cốt lõi liên quan đến cả động cơ sử dụng động vật hoang dã vì mục đích trị bệnh cũng như niềm tin tâm linh: “Mua một ngà voi nhận một nghiệp báo”; "Hãy lựa chọn sáng suốt cho một cơ thể khỏe mạnh"; "Dùng sừng tê giác để chữa bệnh nan y là niềm tin vô căn cứ"... Các hoạt động truyền thông cũng sẽ được phối hợp với các trường đại học y, dược, các phòng khám đông y để giảm thiểu việc sử dụng động vật hoang dã trong khối y học cổ truyền.

Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã

Ban tổ chức dự án cùng trao đổi, giải đáp những ý kiến của đơn vị truyền thông, báo đài về quá trình triển khai chiến dịch truyền thông, những hiệu quả sau khi triển khai, công tác thực thi, vấn đề pháp lý liên quan đến động vật hoang dã. Ảnh: Đinh Luyện

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Động vật hoang dã có vai trò quan trọng với thiên nhiên và con người. Góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, môi trường sống… Bởi vậy, công tác bảo vệ không chỉ giúp lưu truyền các giá trị vô giá của tự nhiên cho thế hệ mai sau mà còn góp phần đảm bảo môi trường sống cho chính con người.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, hệ động thực vật phong phú. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tài nguyên thiên nhiên nói chung và đa dạng sinh học nói riêng ngày một suy giảm. Nhiều loài đã tuyệt chủng, nhiều loài đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

“Nhiều loài động vật hoang dã đã và đnag bị săn bắt, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái pháp luật. Thậm chí bị giết mổ, làm thành những món ăn ở các nhà hàng, phục vụ thói quen tiêu xài lãng phí, thời thượng của một bộ phận dân cư… Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp sẽ góp phần truyền tải thông điệp kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm xâm hại động vật hoang dã. Từ đó hướng tới thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Đây là hành động hưởng ứng kịp thời, thể hiện những nỗ lực của Việt Nam về vấn đề liên quan” - ông Trần Quang Bảo chia sẻ.

Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã

Toàn cảnh lễ phát động. Ảnh: Đinh Luyện

Tại chương trình khởi động chiến dịch truyền thông, đại diện USAID tại Việt Nam cho biết, với việc thực hiện chiến dịch này, kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện mạnh mẽ hơn những nỗ lực và sáng kiến nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng động, thực vật hoang dã tại Việt Nam, góp phần hiệu quả trong thực thi các hiệp định, thỏa thuận quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh học. Thông qua các hoạt động truyền thông đa dạng và có chiều sâu, đại diện USAID cũng bày tỏ tin tưởng người dân sẽ thay đổi nhận thức và dần loại bỏ việc sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật.

Việt Nam đang có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống, đấu tranh với tội phạm động vật hoang dã và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, trong đó việc ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) coi tội phạm động vật hoang dã là nghiêm trọng với khung hình phạt rất nghiêm khắc đối với những hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ các sản phẩm từ động vật hoang dã và nhiều văn bản pháp luật khác quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc động vật hoang dã; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ các loài hoang dã. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức về pháp luật bảo vệ động vật hoang dã của cộng đồng còn hạn chế. Việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sâu rộng, niềm tin của người dân vào việc sử dụng động vật hoang dã để trị bệnh, làm đồ thủ công mỹ nghệ hay đem lại may mắn, thịnh vượng vẫn còn tồn tại.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này