Công tác giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng

15:13 | 08/11/2020
(LĐTĐ) Sau nhiều năm thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thủ đô ngày càng đi vào chiều sâu, bám sát chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và quyết sách quan trọng của Thành phố. Qua đó, tạo sự chuyển biến quan trọng trong ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và phòng chống ma tuý Vì hiện tại và tương lai! Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác công đoàn ở Đan Phượng

Những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã kịp thời đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần quan trọng tạo nên chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân thủ đô. Đáng chú ý, những nội dung phổ biến giáo dục pháp luật không còn khô cứng, văn bản mà bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương.

Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật đã được thực hiện đa dạng, sáng tạo. Nhiều mô hình hay, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn đã xuất hiện trên khắp cả nước, trở thành những điểm sáng của cơ sở trong triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Công tác giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng
Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút đông đảo người dân tham gia. (Ảnh: Lê Thắm)

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều mô hình đổi mới, đa dạng, thực chất, trong đó có tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Trong năm 2020, 2 cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng”, “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường” là điểm nhấn quan trọng, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, thu hút đông đảo người dân tham gia bằng hình thức xây dựng video và thi trực tuyến.

Qua đánh giá, cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường” với mục đích phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, và mọi tầng lớp nhân dân hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi và các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, biển, hải đảo, đất đai, nước, không khí, tài nguyên, khoáng sản, quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường...

Theo số liệu của ban tổ chức, sau thời gian tổ chức cuộc thi đã thu hút 629.484 lượt bài dự thi trong đó có 402.455 bài thi chính thức. Các đơn vị có số lượng bài dự thi nhiều gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo 7.230 bài dự thi, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội 3.773 bài dự thi, Sở Y tế 2.546 bài dự thi, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 1.242 bài dự thi, Thành đoàn Hà Nội 1.073 bài dự thi, huyện Đông Anh 122.224 bài dự thi, quận Bắc Từ Liêm 104.791 bài dự thi…

Cùng với cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường” cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng” cũng thu hút được đông đảo thi sinh tham gia. Cụ thể, cuộc thi nhận được 63 video dự thi của các đơn vị, trong đó có 3 video của Hội Luật gia Thành phố, Bộ Tư Lệnh Thủ đô, Cục Thi hành án dân sự; 30 video của 30/30 quận, huyện, thị xã tham gia dự thi đối với chủ đề thi Báo cáo viên pháp luật và 30 video của 30/30 quận, huyện, thị xã tham gia dự thi đối với chủ đề thi Tuyên truyền viên pháp luật.

Đa phần các bài dự thi được thể hiện dưới nhiều hình thức sinh động, thu hút người xem, các giải pháp được các đội thi đưa ra đều có tính sáng tạo và ứng dụng cao trong thực tiễn.

Công tác giáo dục ý thức “thượng tôn pháp luật” trong học sinh trên địa bàn Thủ đô cũng được chú trọng. Cụ thể, từ đầu tháng 11, các trường học tại Hà Nội đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là hoạt động ngoại khóa thường niên của ngành giáo dục nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật.

Qua đây cũng trực tiếp góp phần giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và các em học sinh. Mô hình tuyên truyền giáo dục pháp luật ở trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên) là một ví dụ. Tại đây, để hưởng ứng ngày pháp luật, nhà trường đã tổ chức Thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho các em qua trò chơi “Hái hoa dân chủ” qua đó giúp các em có thêm kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông…

Có thể thấy, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố đã bám sát, phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của Hà Nội. Nội dung, hình thức phổ biến giáo dục được đổi mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu và tác động đến hầu hết các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

L.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này